Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC về hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC
Ngày ban hành 22/04/2015
Ngày có hiệu lực 10/06/2015
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Hà Công Tuấn,Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2015

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây để thực hiện sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp; xác định giá trị rừng trồng, vườn cây trên đất khi công ty nông, lâm nghiệp thực hiện thu hồi đất cho thuê, mượn và giao đất về địa phương theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 118/2014/NĐ-CP).

2. Vườn cây được xác định giá trị trong Thông tư này gồm:

a) Vườn cây cao su;

b) Vườn cây chè, cà phê, ca cao;

c) Vườn cây điều, cây lấy quả, lấy hạt khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty nông, lâm nghiệp (sau đây gọi là công ty) thực hiện sắp xếp, chuyển đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

3. Nông, lâm trường quốc doanh chưa thực hiện chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP được áp dụng quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây

1. Việc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư và giá trị thu hồi trong tương lai trên cơ sở giá thị trường và các yếu tố lợi thế sản xuất kinh doanh.

2. Xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phù hợp với diện tích, số lượng và chất lượng; sát với giá thị trường tại thời điểm định giá.

3. Việc xác định giá trị rừng trồng, vườn cây phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Điều 4. Phân loại rừng theo các thời kỳ

Công ty căn cứ thiết kế trồng rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện phân loại tuổi rừng theo các thời kỳ. Trường hợp không có thiết kế trồng rừng hoặc thiết kế trồng rừng không ghi cụ thể tuổi rừng các thời kỳ thì áp dụng như sau:

1. Rừng đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản từ 3 năm tuổi trở xuống.

2. Rừng đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển là giai đoạn từ khi kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản đến khi thành thục công nghệ.

3. Rừng trồng thành thục công nghệ

a) Đối với rừng trồng các loài cây sinh trưởng nhanh như: bạch đàn, keo, mỡ, bồ đề, tràm và các loại cây sinh trưởng nhanh khác: từ 7 năm tuổi trở lên.

b) Đối với rừng trồng các loài cây sinh trưởng chậm như: thông, tếch, sao, dầu, gõ, muồng, giáng hương và các loại cây sinh trưởng chậm khác từ 20 năm tuổi trở lên.

4. Đối với rừng hỗn giao thì xác định theo thời kỳ của cây trồng chính.

Điều 5. Phương pháp xác định giá trị rừng trồng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản

1. Giá trị rừng thời kỳ kiến thiết cơ bản được xác định theo phương pháp tổng hợp chi phí đã đầu tư cộng với giá trị trượt giá theo công thức sau:

Grcb = CPrcb + CPIrcb

Trong đó:

[...]