Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 17/2012/TTLT-BQP-BGTVT hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ Quốc phòng - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 17/2012/TTLT-BQP-BGTVT
Ngày ban hành 23/02/2012
Ngày có hiệu lực 08/04/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Quốc phòng
Người ký Nguyễn Hồng Trường,Nguyễn Thành Cung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2012/TTLT-BQP-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIỮA BỘ QUỐC PHÒNG VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VÀ VIỆC PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VỚI CÁC LỰC LƯỢNG CÓ LIÊN QUAN THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải thống nhất hướng dẫn khoản 3 Điều 5, Điều 8 và Điều 17 Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế), như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải có liên quan đến các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (hướng dẫn khoản 3 Điều 5 của Quy chế)

1. Hàng quý, thông báo bằng văn bản cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển có liên quan đến lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải trên các vùng biển Việt Nam.

2. Tham khảo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển có liên quan đến lĩnh vực hàng hải.

3. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong các hoạt động sau:

a) Hợp tác quốc tế về lĩnh vực hàng hải có liên quan đến trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn;

b) Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực hàng hải cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát biển;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực hàng hải cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

4. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan trong các hoạt động sau:

a) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải tại các cảng biển, các khu vực hàng hải và cảng thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài khi có yêu cầu;

b) Bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường biển; tìm kiếm cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển;

c) Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển và chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền;

d) Thu thập, tiếp nhận, xác minh, xử lý các thông tin về an ninh hàng hải, công bố, thay đổi cấp độ an ninh, hướng dẫn các biện pháp an ninh hàng hải và tổ chức diễn tập an ninh hàng hải.

Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (hướng dẫn Điều 8 của Quy chế)

1. Tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hàng hải có liên quan đến an ninh, trật tự an toàn trên biển.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng có liên quan thuộc Bộ thực hiện những công việc theo quy định của Điều 8 Quy chế đối với lực lượng Cảnh sát biển:

a) Đối với khoản 1

[...]