Thông tư liên tịch 16-TT/LB năm 1986 hướng dẫn về quyền tự chủ tài chính trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp và nông - lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp; Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16-TT/LB
Ngày ban hành 11/08/1986
Ngày có hiệu lực 11/08/1986
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp,Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế,Nguyễn Xuân Trường
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT/LB

Hà Nội , ngày 11 tháng 8 năm 1986

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NÔNG NGHIỆP SỐ 16-TT/LB NGÀY 11-8-1986 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG CÁC HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG - LÂM NGHIỆP

(Dưới đây gọi chung là hợp tác xã).

Thực hiện Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 5) và Chỉ thị 67-CT/TƯ của Ban bí thư Trung ương về việc cải tiến quản lý kinh tế và hoàn chỉnh cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng tới nhóm và người lao động; xoá bỏ lối quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa trong các hợp tác xã.

Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát huy mạnh mẽ quyền chủ động sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt cho việc hoàn thiện cơ chế quản lý mới, sau khi đã trao đổi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, liên Bộ Tài chính-Nông nghiệp hướng dẫn một số nội dung về quyền tự chủ tài chính trong các hợp tác xã như sau:

A. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG HỢP TÁC XÃ.

1. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước (kể cả kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm), hợp tác xã được quyền tự quyết định phương hướng sản xuất kinh doanh và xây dựng các kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính trong từng thời gian cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội trong vùng nhằm khai thác tới mức cao nhất tiềm năng về đất đai, lao động, tiền vốn và cơ sở vật chất hiện có để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho hợp tác xã, cải thiện đời sống xã viên và nộp bán nông sản phẩm ngày càng nhiều cho Nhà nước.

2. Hợp tác xã được quyền sử dụng linh hoạt mọi nguồn vốn của mình và vốn vay của ngân hàng, của xã viên vào mục đích phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

3. Ngoài tiền vay Ngân hàng, hợp tác xã được quyền huy động vốn nhàn rỗi của xã viên; được liên doanh liên kết với các đơn vị kinh tế khác để có thêm vốn đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao phúc lợi của mình.

4. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và thanh toán theo hợp đồng kinh tế hai chiều, hợp tác xã được quyền phân phối và tiêu thụ sản phẩm còn lại của mình một cách hợp lý, đúng chính sách; bảo đảm vừa tăng cường kinh tế tập thể, vừa cải thiện đời sống xã viên.

B. MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG HỢP TÁC XÃ.

I. HOÀN CHỈNH PHƯƠNG HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH.

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, hợp tác xã tự soát xét lại phương hướng sản xuất kinh doanh của mình, chủ động tính toán, lựa chọn phương án kinh tế thích hợp và có hiệu quả; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn và hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của mình, tập trung phát triển và mở rộng những cây trồng, con nuôi, ngành nghề cần thiết và có lãi; thu hẹp hoặc hủy bỏ những cây trồng, con nuôi, ngành nghề bị thua lỗ và không thiết thực.

II. SỬ DỤNG VỐN

Yêu cầu chung của việc sử dụng vốn trong hợp tác xã là phải theo kế hoạch, theo định mức, tiết kiệm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời phải gắn trách nhiệm cá nhân với lợi ích vật chất, có thưởng có phạt công minh.

1. Việc sử dụng ruộng đất:

Hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê và hạch toán chặt chẽ quỹ đất đai hiện có, sử dụng hết diện tích đất canh tác vào sản xuất, không để ruộng đất hoang hóa. Thu hồi ruộng đất bị lấn chiếm trái phép và sử dụng sai chính sách. Bồi dưỡng, cải tạo đất và nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất, bảo đảm trên một đơn vị diện tích đạt nhiều sản lượng với giá thành hạ.

Nếu hợp tác xã chưa đủ điều kiện sử dụng hết ruộng đất vào kinh tế tập thể thì tạm thời cho gia đình xã viên hoặc cơ quan, đơn vị bộ đội mượn để tăng gia sản xuất theo đúng tinh thần Quyết định số 318-CP ngày 10-9-1979 của Hội đồng Chính phủ về việc khuyến khích tận dụng ruộng đất nông nghiệp.

2. Việc sử dụng tài sản cố định:

Tất cả tài sản cố định của hợp tác xã phải được ghi chép, theo dõi vào sổ sách kế toán; có phân nhóm, định loại và có chế độ quản lý và sử dụng hợp lý.

a. Đối với tài sản cố định đang dùng thì hợp tác xã phải tận dụng triệt để công suất. Trường hợp không sử dụng hết công suất thì hợp tác xã được liên doanh, liên kết với đơn vị kinh tế khác; cho các đơn vị khác thuê hoặc nhận làm thuê một số việc nào đó có sử dụng đến những tài sản cố định ấy.

b. Đối với tài sản cố định chưa dùng hoặc không cần dùng thì hợp tác xã phải sắp xếp lại và tùy theo tình hình thực tế mà niêm cất, bảo quản hoặc nhượng bán cho đơn vị khác, thu hồi vốn để xây dựng và mua sắm tài sản cố định mới.

c. Đối với tài sản cố định đã hư hỏng, không còn khả năng phục hồi thì hợp tác xã phải thanh lý để thu hồi vốn.

d. Việc xây dựng, mua sắm tài sản cố định.

Mọi việc xây dựng, mua sắm tài sản cố định của hợp tác xã phải được tính toán; cân nhắc theo đúng quy hoạch kế hoạch. Phải tập trung vốn xây dựng mua sắm những tài sản cố định chủ yếu, có tác động tích cực đến quá trình sản xuất kinh doanh; trước hết là những tài sản cố định trực tiếp tạo ra sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cải thiện điều kiện làm việc cho xã viên.

3. Việc sử dụng vật tư, sản phẩm:

Để sử dụng vật tư, sản phẩm tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế cao, hợp tác xã phải xây dựng chế độ bảo quản và sử dụng riêng cho từng loại vật tư, sản phẩm trên nguyên tắc bảo đảm những yêu cầu chung về quản lý và hạch toán. Cụ thể là:

- Phải có nội quy kho tàng, bố trí thủ kho đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và trách nhiệm.

[...]