Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên tịch 15/1998/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Điều lệ bảo hiểm y tế về bảo hiểm y tế bắt buộc theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP do Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 15/1998/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH
Ngày ban hành 05/12/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Lê Duy Đồng,Lê Ngọc Trọng,Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/1998/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH

Hà Nội , ngày 05 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ  Y TẾ - TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 15/1998/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ BẮT BUỘC THEO QUI ĐỊNH CỦA ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM Y TẾ BAN HÀNH THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 58/1998/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 1998 CỦA CHÍNH PHỦ

Để thống nhất thực hiện Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành theo nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ, liên Bộ Y tế -Tài chính-Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các đối tượng thuộc diện BHYT bắt buộc như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ:

1. Người sử dụng lao động, người lao động Việt Nam trong danh sách lao động thường xuyên, lao động hợp đồng từ 3 tháng trở lên làm việc trong:

a) Các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang.

b) Các tổ chức kinh tế thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội.

c) Các đơn vị, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh có từ 10 lao động trở lên.

d) Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung; Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có qui định khác.

Mức đóng BHYT của các đối tượng trên bằng 3% tiền lương các bậc, chức vụ hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có), tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp khu vực, đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, trong đó người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng 2%, người lao động đóng 1%.

2. Cán bộ, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể quần chúng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước kể cả người trong thời gian tập sự và người có hợp đồng lao động thường xuyên từ 3 tháng trở lên. Riêng đối với cán bộ sự nghiệp ở xã được thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước.

Mức đóng BHYT của các đối tượng này bằng 3% tiền lương cấp bậc, chức vụ, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) và các khoản phụ cấp chức vụ, khu vực, đắt đỏ, thâm liên theo qui định của Nhà nước. Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức và chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng 2%, cán bộ, công chức, người lao động đóng 1%.

3. Cán bộ hưởng sinh hoạt phí hàng tháng làm việc tại xã, phường, thị trấn theo qui định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ gồm:

- Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ xã (Bí thư, Phó Bí thư chi bộ xã ở những nơi chưa có Đảng bộ);

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã;

- Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Chủ tịch Mặt trận, Trưởng các đoàn thể nhân dân xã (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, Trưởng công an xã;

- Uỷ viên Uỷ ban nhân dân xã;

- Bốn chức danh chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân xã: Tư pháp - Hộ tịch; Địa chính; Tài chính - Kế toán; Văn phòng Uỷ ban nhân dân - Thống kê tổng hợp.

Tổng số cán bộ của các chức danh trên không được vượt quá số lượng cán bộ được qui định trong từng loại xã.

Mức đóng BHYT của các đối tượng này bằng 3% tiền sinh hoạt phí và các khoản phụ cấp (nếu có). Cơ quan cấp sinh hoạt phí đóng 2%. Người hưởng sinh hoạt phí đóng 1%.

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm các cấp không thuộc biên chế Nhà nước hoặc không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Mức đóng BHYT của các đối tượng này bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành theo qui định của Nhà nước. Cơ quan cấp sinh hoạt phí cho đối tượng đóng cả 3%.

5. Người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn (hưu trí, mất sức lao động, tai nạn lao động, công nhân cao su nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng) theo qui định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội.

Mức đóng BHYT của các đối tượng này bằng 3% tiền lương hưu, tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp đóng cả 3%.

6. Người có công với Cách mạng theo qui định tại Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ, gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

b) Vợ (hoặc chồng), bố mẹ đẻ, con của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

c) Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

[...]