BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
143/2013/TTLT-BTC-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 10 năm 2013
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 15/2010/TTLT-BTC-BGDĐT NGÀY
29/01/2010 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN
2010-2015
Căn cứ Hiệp định tài trợ số 4608-VN được ký kết
ngày 21 tháng 8 năm 2009 giữa Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc
Ngân hàng thế giới (WB);
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP
ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP
ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP
ngày 19/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư
liên tịch số 15/2010/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29
tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quản lý
và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học
giai đoạn 2010-2015.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư liên tịch số 15/2010/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/01/2010 của Bộ
Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực
hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010-2015:
1. Điểm d
khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 27,9 triệu
USD, bao gồm:
- Vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương là 12,1 triệu
USD để thực hiện các hoạt động quản lý Chương trình, chi mua sách giáo khoa bổ
sung cho học sinh nghèo; chi mua trang thiết bị cho công trình xây lắp; chi mua
máy tính và thiết bị chuyên dụng cho trung tâm nguồn thông tin của Phòng Giáo dục
và Đào tạo huyện.
- Vốn đối ứng từ ngân sách các địa phương tham gia
Chương trình là 15,8 triệu USD, bao gồm các nội dung chi sau: (i) chi lương
tăng thêm cho giáo viên khi thực hiện dạy học cả ngày; (ii) chi hoạt động của
Ban quản lý chương trình cấp huyện; (iii) chi phụ cấp quản lý dự án ODA cho cán
bộ thực thi/thực hiện Chương trình cấp trường theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính
và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có) và (iv)
thanh toán các khoản chi phí khác trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình được
duyệt (ngoại trừ chi phí xây dựng được thanh toán từ nguồn vốn ODA và chi phí
thiết bị được thanh toán từ nguồn vốn đối ứng của Ngân sách Trung ương).”
2. Khoản 2
Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Nguồn vốn của Chương trình SEQAP được quản lý
theo 2 hình thức:
a) Chuyển vào ngân sách nhà nước để thực hiện
Chương trình tại các tỉnh tham gia (quản lý theo hình thức tài trợ chương
trình). Nguồn vốn dành cho Chương trình là 163 triệu USD, bao gồm:
(i) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 51,4 triệu USD,
trong đó:
- Vốn ngoài nước: 46,9 triệu USD, nội dung chi: chi
cho xây lắp (chi cho xây dựng các công trình)
- Vốn trong nước (vốn đối ứng ngân sách địa
phương): 4,5 triệu USD, nội dung chi gồm: chi các khoản chi phí khác trong tổng
mức đầu tư xây dựng công trình được duyệt trừ chi phí xây dựng (do được tài trợ
bằng nguồn vốn ODA) và chi phí thiết bị (sử dụng vốn đối ứng ngân sách Trung
ương)
(ii) Vốn hành chính sự nghiệp: 111,6 triệu USD,
trong đó:
- Vốn ngoài nước: 90,6 triệu USD, nội dung chi gồm:
chi đào tạo và hội thảo, chi Quỹ giáo dục nhà trường, chi Quỹ phúc lợi học
sinh, chi cho xây dựng năng lực giáo viên dạy học cả ngày.
- Vốn trong nước: 21 triệu USD, trong đó:
+ Vốn đối ứng ngân sách trung ương: 9,7 triệu USD,
nội dung chi gồm: chi mua sách giáo khoa bổ sung cho học sinh nghèo; chi mua
trang thiết bị cho công trình xây lắp; chi mua máy tính và thiết bị chuyên dụng
cho trung tâm nguồn thông tin của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
+ Vốn đối ứng ngân sách địa phương: 11,3 triệu USD,
nội dung chi gồm: chi lương tăng thêm cho giáo viên do dạy học cả ngày, chi hoạt
động của Ban quản lý chương trình cấp huyện, chi phụ cấp quản lý dự án ODA cho
cán bộ thực thi/thực hiện Chương trình cấp trường”.
b) Quản lý theo hình thức dự án ODA nguồn vốn hành
chính sự nghiệp: 23 triệu USD, trong đó:
- Vốn ngoài nước: 20,5 triệu USD
- Vốn trong nước (vốn đối ứng ngân sách trung
ương): 2,5 triệu USD”.
3. Khoản 3
Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Các tỉnh tham gia Chương trình SEQAP có trách
nhiệm bố trí vốn đối ứng để chi (i) các khoản chi phí khác trong tổng mức đầu
tư xây dựng công trình được duyệt ngoài chi phí xây dựng được thanh toán bằng
nguồn vốn ODA và chi phí thiết bị được thanh toán từ nguồn vốn đối ứng của Ngân
sách Trung ương; (ii) chi 50% lương tăng thêm cho giáo viên khi thực hiện dạy học
cả ngày; (iii) các chi phí hoạt động của Ban quản lý chương trình cấp huyện và
(iv) chi phụ cấp kiêm nhiệm thực hiện Chương trình cho cán bộ cấp trường. Kinh
phí hoạt động của Ban quản lý chương trình cấp huyện và phụ cấp quản lý dự án
ODA cho cán bộ thực thi/thực hiện Chương trình ở cấp trường được lấy từ kinh
phí hành chính sự nghiệp của Ủy ban nhân dân huyện”.
4. Khoản 1
Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Hạng mục 1: Cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết
bị trường học, bao gồm: Chi xây dựng công trình; trang thiết bị trường học và
các chi phí khác trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình được duyệt”.
5. Khoản 1,
Điều 6 được bổ sung như sau:
“1. Hàng hóa: In sổ tay hướng dẫn hoạt động, tài liệu
hướng dẫn giáo viên dạy Toán, Tiếng Việt, Tiếng dân tộc và các tài liệu khác phục
vụ xây dựng mô hình dạy học cả ngày; mua sắm thiết bị, phương tiện đi lại, đồ gỗ
cho văn phòng Chương trình”.
6. Khoản 3
Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Cải thiện cơ sở hạ tầng trường học bao gồm: xây
dựng thêm phòng học, phòng đa năng, nhà vệ sinh; các chi phí khác trong tổng mức
đầu tư xây dựng công trình được duyệt”.
7. Khoản 4
Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Hình thức đấu thầu các gói thầu xây dựng cơ bản
theo quy định của Ngân hàng Thế giới:
a) Đối với gói thầu có giá trị quy đổi tương đương
dưới mức 200.000 USD: thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Chủ đầu tư
lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình và hợp đồng thầu phải được
hoàn thành trong thời gian 12 tháng.
b) Đối với gói thầu có giá trị từ 200.000 USD trở
lên: áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Chủ đầu tư phải lập dự án
đầu tư, quảng cáo mời thầu phải được đăng trên ít nhất một tờ báo lưu hành rộng
rãi trong cả nước.
c) Đối với gói thầu có giá trị trên 3.000.000 USD:
sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
d) Các gói thầu xây dựng cơ bản không được phép chỉ
định thầu. Hình thức chỉ định thầu chỉ được phép áp dụng trong trường hợp cấp
bách để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ tại địa phương với sự chấp thuận của
Ngân hàng Thế giới.
đ) Các gói thầu xây lắp phải được phê duyệt kế hoạch
đấu thầu bởi Ngân hàng thế giới (Thư không phản đối (NOL) trước khi thực hiện đấu
thầu”.
8. Khoản 5
Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Các gói thầu tư vấn thiết kế, giám sát và chi
phí xây dựng khác thực hiện theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam về đầu
tư xây dựng công trình và đấu thầu”.
9. Khoản 2,
Điều 9 được bổ sung như sau:
“đ) Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú cho các đối tượng
tham dự các cuộc tập huấn, đào tạo bồi dưỡng và hội thảo do Ban quản lý chương
trình tổ chức”.
10. Khoản
6 Điều 15 được sửa đổi như sau:
“Theo cam kết với các nhà tài trợ, trong trường hợp
kết thúc năm ngân sách nhưng các tỉnh tham gia Chương trình SEQAP chưa sử dụng
hết kinh phí đã được phân bổ cho năm đó, sẽ được chuyển sang sử dụng trong năm
ngân sách tiếp theo, không sử dụng khoản kinh phí này cho các mục tiêu khác.
Năm cuối của Chương trình, nếu kinh phí của Chương trình vẫn còn dư không sử dụng
hết, các tỉnh phải báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban Quản lý Chương trình
SEQAP) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xem xét và quyết định.”
11. Điểm
a, điểm b Khoản 3, Điều 17 được sửa đổi như sau:
“a) Đối với các khoản chi xây dựng cơ bản: thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC
ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn
sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
b) Đối với các khoản chi sự nghiệp: thực hiện theo
quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày
2/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi
ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước”.
12) Khoản
2, Điều 18 được sửa đổi như sau:
“2. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí Chương
trình phải thực hiện chế độ kế toán, hạch toán và quyết toán theo đúng quy định
của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính
và hạch toán ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng của Mục lục
ngân sách nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC
ngày 2/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 223/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính quy định bổ sung Mục lục ngân sách nhà nước và Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính
hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát
triển chính thức (ODA) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản
này (nếu có).
Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc quyết toán
năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 210/2010/TT-BTC
ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng
cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm. Việc
quyết toán dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính
quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành.
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 02
tháng 12 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và
Đào tạo để hướng dẫn và phối hợp giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng Bí Thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở GD&ĐT, Sở Tài chính tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website các Bộ: GDĐT, TC;
- Lưu: VT (BTC), QLN (BTC), KHTC (BGDĐT).
|
|