Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư liên tịch 10/TT-LB năm 1992 hướng dẫn cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính - Ủy ban kế hoạch nhà nước ban hành

Số hiệu 10/TT-LB
Ngày ban hành 24/07/1992
Ngày có hiệu lực 24/07/1992
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính,Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
Người ký Đỗ Quốc Sam,Hồ Tế,Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG;BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/TT-LB

Hà Nội , ngày 24 tháng 7 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC (NAY LÀ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) SỐ 10/TT-LB NGÀY 24-7-1992 HƯỚNG DẪN VỀ CHÍNH SÁCH CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN NHỎ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 120/HĐBT NGÀY 11-4-1992 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

Thực hiện Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới; Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn chính sách cho vay từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm đối với các chương trình, dự án nhỏ tạo chỗ làm việc mới thu hút thêm lao động hoặc tạo việc làm, tăng thêm thu nhập như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cho vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm nhằm phát huy mọi tiềm năng sẵn có, khai thác đến mức tối đa đất đai, tài nguyên, máy móc, thiết bị, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh... để tạo chỗ làm việc mới, thu hút thêm lao động hoặc tạo đủ việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm từ ngân sách Nhà nước được quản lý tập trung thống nhất ở Trung ương. Hàng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tính toán lại nguồn quỹ này để Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội thông qua phần vốn mới tăng thêm theo nhu cầu của năm kế hoạch.

Việc cho vay vốn dựa trên cơ sở các chương trình, dự án nhỏ tạo việc làm (tạo chỗ làm việc mới, thu hút thêm lao động, hoặc tạo đủ việc làm, tăng thu nhập cho người lao động) được duyệt và các dự án di dân đi vùng kinh tế mới mà người đi khi đến nơi ở mới có nhu cầu vay vốn. Việc cho vay được thực hiện theo lãi suất nâng đỡ và do hệ thống kho bạc Nhà nước thực hiện các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích phải bị thu hồi.

2. Đối tượng được vay vốn quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm bao gồm:

- Các cá nhân, hộ gia đình, nhóm gia đình, tổ hợp, doanh nghiệp ngoài quốc doanh (gọi chung là người kinh doanh) có dự án tại chỗ làm việc mới, thu hút được lao động.

- Các thành viên của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp có nhu cầu việc làm, được các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp đưa vào tham gia chương trình, dự án việc làm để tạo việc làm cho các thành viên của mình.

- Các hộ tư nhân, hộ gia đình nằm trong vùng dự án được Uỷ ban Nhân dân địa phương quy hoạch và tổ chức xây dựng đề án để thu hút lao động, giải quyết việc làm.

- Các hộ tư nhân, hộ gia đình đã đến vùng kinh tế mới theo dự án, có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình, được chủ dự án tổng hợp thành dự án vay vốn.

- Các hộ gia đình quân nhân đến các vùng kinh tế mới của quân đội, của lực lượng công an nhân dân có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình được Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổng hợp thành dự án vay vốn.

3. Lãi suất cho vay đối với các chương trình, dự án tạo việc làm từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm được xác định trên cơ sở bù đắp chi phí cho vay và từng bước bảo toàn giá trị vốn vay. Đối tượng vay vốn phải được hưởng trực tiếp lãi suất nâng đỡ này. Căn cứ vào tình hình từng thời kỳ, mức lãi suất cụ thể sẽ do Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội và uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quyết định, nhưng phải thấp hơn lãi suất ngân hàng cho vay kinh doanh.

4. Mức cho vay phụ thuộc vào từng dự án được duyệt, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng đối với đối tượng là người kinh doanh và 5 triệu đồng đối với hộ tư nhân, hộ gia đình hoặc thành viên của đoàn thể.

5. Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào chu kỳ sản xuất - kinh doanh và kết quả kiểm tra chấp nhận của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước; thời hạn tối đã không quá 12 tháng, riêng dự án trồng rừng và cây công nghiệp dài ngày tối đa là 36 tháng.

6. Việc thế chấp tài sản được vay vốn quy định như sau:

- Đối với người kinh doanh, vốn vay được thế chấp bằng tài sản hợp pháp của mình theo quy định hiện hành.

- Đối với các hộ tư nhân, hộ gia đình, thành viên của đoàn thể, tổ chức quần chúng thực hiện hình thức tín chấp của Uỷ ban Nhân dân, tổ chức đoàn thể quần chúng, hội nghề nghiệp, chủ dự án kinh tế mới.

Uỷ ban Nhân dân, tổ chức đoàn thể quần chúng, hội nghề nghiệp, chủ dự án kinh tế mới phải chịu trách nhiệm vật chất trước các đối tượng đã bảo lãnh (tín chấp).

Hệ thống kho bạc Nhà nước cụ thể hoá trong khế ước cho vay để thực hiện các nội dung 4, 5 và 6 nói trên đối với từng trường hợp cụ thể.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về xây dựng dự án ở cơ sở

a. Dự án nhỏ tạo việc làm được xây dựng theo đúng thủ tục và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (quy định tại công văn số 1979 LĐTBXH-CS, ngày 11-7-1992) và các hướng dẫn có liên quan của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước là cơ sở để quyết định cho vay vốn từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm.

- Đối với người kinh doanh, phải đồng thời là chủ dự án. Dự án được xây dựng phải phù hợp với hướng ưu tiên trong chương trình việc làm quốc gia và của địa phương.

- Đối với các đối tượng là hộ tư nhân, hộ gia đình, thành viên các đoàn thể, tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp, dự án do uỷ ban Nhân dân, đoàn thể, tổ chức quần chúng hội nghề nghiệp tổ chức xây dựng căn cứ vào chương trình tổng thể giải quyết việc làm mà xác định rõ mục tiêu; phương hướng phát triển của vùng, của lĩnh vực hoạt động, của ngành nghề; khả năng tự tạo việc làm; số hộ tư nhân, hộ gia đình hoặc người tham gia thực hiện dự án. Riêng dự án của đoàn thể, tổ chức quần chúng hội nghề nghiệp thực hiện ở địa phương nào phải có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp quận, huyện hoặc cấp tỉnh, thành phố (nếu dự án có quy mô liên huyện, quận) về mục tiêu và tính thực thi của dự án đó mới đủ điều kiện xem xét.

Khác với các dự án kinh tế xã hội, các dự án này phải chứng minh được khả năng tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động thông qua số người được giải quyết việc làm hoặc đảm bảo đủ việc làm, gắn với vùng, lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Từ đó giải trình các khả năng đã có về tài sản, nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế và đề xuất nhu cầu vay vốn, thời hạn vay và hoàn trả.

b. Dự án để vay vốn cho hộ tư nhân, hộ gia đình ở vùng kinh tế mới do chủ dự án kinh tế mới lập, vận dụng theo hướng dẫn tại công văn số 1979/LĐTBXH-CS, ngày 11-7-1992 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

[...]