Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán do Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC
Ngày ban hành 26/06/2013
Ngày có hiệu lực 15/08/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Thế Liên,Trương Chí Trung,Hoàng Nghĩa Mai,Lê Quý Vương
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán,Trách nhiệm hình sự

BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THUẾ, TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN VÀ CHỨNG KHOÁN

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là BLHS) về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn như sau:

Điều 1. Về tội trốn thuế (Điều 161 BLHS)

1. Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của BLHS.

2. Phạm tội trốn thuế trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại khoản 3 Điều 161 của BLHS được hiểu là trường hợp tuy số tiền trốn thuế có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng, nhưng người phạm tội đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập, như: đưa hối lộ; chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý thuế. Trường hợp các hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì ngoài tội trốn thuế, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Điều 2. Về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a BLHS)

1. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,... và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;

b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

2. Chủ thể phạm tội này bao gồm:

a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;

c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.

3. Các hành vi quy định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:

a) In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;

b) Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;

c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:

c.1) Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;

c.2) Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;

c.3) Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;

c.4) Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.

4. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:

a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn;

b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

5. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.

6. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.

Điều 3. Về tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 164b BLHS)

[...]