Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông do Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Thông tin và Truyền thông - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 10/09/2012
Ngày có hiệu lực 29/10/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Bộ Thông tin và Truyền thông,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Nghĩa Mai,Hoàng Thế Liên,Nguyễn Thành Cung,Nguyễn Thành Hưng,Phạm Quý Ngọ
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ MỘT SỐ TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ VIỄN THÔNG

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn xử lý các tội phạm quy định tại các điều: 224, 225, 226, 226a, 226b Chương XIX Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chương trình tin học có tính năng gây hại là chương trình tự động hóa xử lý thông tin, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số.

2. Dữ liệu thiết bị số là hệ điều hành, phần mềm ứng dụng, thông tin chứa trong thiết bị số.

3. Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.

4. Thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.

5. Thương mại điện tử là việc tiến hành một khâu hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử.

6. Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành thẻ cấp cho khách hàng sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa ngân hàng phát hành thẻ và chủ thẻ.

7. Cảnh báo là thông báo không cho phép người không có thẩm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu.

8. Mã truy cập là điều kiện bắt buộc đáp ứng một tiêu chí chuẩn nhất định trước khi sử dụng, truy cập tới thiết bị, nội dung dữ liệu được bảo vệ.

9. Tường lửa là tập hợp các thành phần hoặc một hệ thống các trang thiết bị, phần mềm hoặc phần cứng được đặt giữa hai hoặc nhiều mạng, nhằm kiểm soát tất cả các kết nối từ bên trong ra bên ngoài mạng và ngược lại, đồng thời ngăn chặn việc xâm nhập, kết nối trái phép.

10. Quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet là quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của cá nhân, tổ chức.

11. Hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước là hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức quản lý có chứa những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nưóc không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì sẽ gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

12. Hệ thống thông tin phục vụ an ninh là hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức chứa đựng những dữ liệu có liên quan đến việc bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

13. Hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng là hệ thống thông tin của tổ chức, cơ quan nhà nước chứa đựng những dữ liệu có liên quan đến việc bảo vệ đất nước.

14. Hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia là hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình điện của quốc gia để truyền tải năng lượng điện từ nơi sản xuất điện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

15. Hệ thống thông tin điều khiển giao thông là hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình giao thông nhằm bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn.

16. Hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng là hệ thống thông tin chứa đựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho một hoặc nhiều hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ tài chính, ngân hàng.

Điều 3. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt

1. Khi áp dụng các tình tiết: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cần chú ý: Hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra (có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả đó). Hậu quả đó có thể là thiệt hại về vật chất (như tiền, máy móc, phần mềm kỹ thuật... hoặc thiệt hại do hỏng máy móc, phần mềm kỹ thuật dẫn đến thiệt hại về hoạt động sản xuất...) hoặc hậu quả phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, uy tín của cơ quan, tổ chức...

Việc xác định hậu quả là thiệt hại về tài sản để coi là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt không được căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Ví dụ: Tài khoản của B ở Ngân hàng T có số tiền là năm triệu đồng. A truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của B chiếm đoạt số tiền năm triệu đồng. Quá trình truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của B, hệ thống mạng của Ngân hàng T bị tổn hại và Ngân hàng T khắc phục sự cố này hết năm mươi triệu đồng. Trường hợp này, hậu quả thiệt hại do hành vi của A gây ra là năm mươi triệu đồng.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ