Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 07/2016/TTLT-BTP-BTC
Ngày ban hành 10/06/2016
Ngày có hiệu lực 25/07/2016
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Trần Tiến Dũng,Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2016/TTLT-BTP-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỂ THI HÀNH ÁN

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thi hành án dân sự;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Điều 1. Đối tượng được bảo đảm tài chính để thi hành án

1. Đối tượng được bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án được quy định tại Điều 39 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự.

2. Đối tượng được bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Nếu tổ chức mới thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thì ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

b) Trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia, tách phải xác định rõ tổ chức tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách. Trường hợp quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia, tách. Nếu các tổ chức mới thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều này thì ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

c) Trường hợp giải thể, chuyển đổi thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giải thể, chuyển đổi có trách nhiệm xác định rõ tổ chức tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể, chuyển đổi được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Điều 2. Điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án

Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính để thi hành án được ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án sau khi:

1. Đã yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ nhưng người đó chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có nhưng số tiền đã nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án.

2. Cơ quan, tổ chức đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định sau khi đã sử dụng kinh phí tiết kiệm, chênh lệch thu chi hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập đã sử dụng kinh phí giao tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc khoản kinh phí tiết kiệm được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm theo quy định tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 09 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng vẫn không có khả năng thi hành án.

Khoản kinh phí tiết kiệm nêu trên được xác định tại thời điểm đơn vị lập hồ sơ bảo đảm tài chính để thi hành án và chỉ được sử dụng để bảo đảm cho các nghĩa vụ phải thi hành án. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến thời điểm cơ quan, tổ chức phải thi hành án lập hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính, cơ quan, tổ chức phải thi hành án không được phép chi khen thưởng, phúc lợi, thu nhập tăng thêm.

Điều 3. Thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại

1. Trường hợp chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định người có lỗi, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm ban hành quyết định thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại.

2. Thành phần Hội đồng gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án. Trường hợp có căn cứ xác định người có lỗi gây ra thiệt hại là Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án, thì Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải thi hành án;

b) Đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức phải thi hành án;

c) Người phụ trách trực tiếp của người có lỗi gây ra thiệt hại;

d) Kế toán trưởng hoặc người phụ trách công tác tài chính - kế toán của cơ quan, tổ chức phải thi hành án;

đ) Trong trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan. Kinh phí thuê chuyên gia do Hội đồng chi trả từ nguồn dự toán chi thường xuyên được giao để thực hiện.

Trường hợp có căn cứ xác định có nhiều người có lỗi thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo các cơ quan này phải tham gia Hội đồng.

[...]