Thông tư liên tịch 07/1998/TTLT-BTC-BTS hướng dẫn Quyết định 358/TTg ưu đãi thuế đối với hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ do Bộ Tài chính và Bộ Thuỷ sản ban hành
Số hiệu | 07/1998/TTLT-BTC-BTS |
Ngày ban hành | 10/01/1998 |
Ngày có hiệu lực | 25/01/1998 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính,Bộ Thuỷ sản |
Người ký | Nguyễn Thị Hồng Minh,Vũ Mộng Giao |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ SẢN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/1998/TTLT-BTC-BTS |
Hà Nội , ngày 10 tháng 1 năm 1998 |
Căn cứ các Luật thuế, Luật khuyến khích đầu tư trong nước hiện hành và Quyết định số 358/TTg ngày 29/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi thuế đối với hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, Bộ Tài chính và Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thủ tục, trình tự, thẩm quyền xét miễn, giảm thuế đối với các đối tượng hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ được ưu đãi thuế như sau:
1. Đối tượng áp dụng:
Tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có tàu thuyền thực tế hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, không phân biệt là cơ sở mới thành lập hay đã được thành lập từ trước, tàu thuyền đầu tư mới, đầu tư mở rộng hay đã đầu tư mua sắm trước đây, được ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 358/TTg ngày 29/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy phép hành nghề khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ hoặc giấy chứng nhận thực tế có khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Có tàu thuyền khai thác hải sản lắp máy chính có công suất từ 90 mã lực (CV) trở lên.
- Thực tế hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ.
2. Những trường hợp sau đây không thuộc đối tượng được ưu đãi thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này:
- Khai thác hải sản tại các vùng biển khác, ngoài phạm vi vùng biển xa bờ.
Trường hợp, cơ sở khai thác hải sản vừa có tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, vừa có tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển khác thì phải hạch toán riêng kết quả kinh doanh ở từng nơi.
- Hoạt động kinh doanh dịch vụ khác (xây dựng, vận tải,...) ngoài hoạt động khai thác hải sản.
3. Một số từ ngữ nêu tại Thông tư này được hiểu như sau:
- Khai thác hải sản là hoạt động đánh bắt các sản phẩm biển như cá, tôm, cua, đồi mồi, ngọc trai và các sản phẩm biển khác.
- Vùng biển xa bờ theo quy định tại Điều 2, Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng cho các dự án mới, cải hoán tàu đánh bắt và dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ, ban hành kèm theo Quyết định số 393/TTg ngày 9/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ là: "vùng biển được giới hạn bởi đường đẳng sâu 30 mét từ bờ biển trở ra đối với vùng biển vịnh Bắc Bộ, đông và tây Nam Bộ, vịnh Thái Lan, và đường đẳng sâu 50 mét từ bờ biển trở ra đối với vùng biển miền Trung".
Đường đẳng sâu là đường nối các toạ độ có cùng một độ sâu tính từ mặt nước xuống đến đáy biển.
Như vậy, vùng biển xa bờ là các vùng biển có độ sâu từ 30 mét trở ra đối với vùng biển vịnh Bắc Bộ, đông và tây Nam Bộ, vịnh Thái Lan; có độ sâu từ 50 mét trở ra đối với vùng biển miền Trung. Trường hợp các đảo thuộc địa phận vùng biển xa bờ cũng được coi là xa bờ.
4. Đối tượng nêu tại điểm 1, mục này được ưu đãi về thuế như sau: a. Được giảm 50% thuế tài nguyên, thuế doanh thu trong 3 năm đầu kể từ ngày được cấp giấy phép khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ; miễn nộp thuế lợi tức trong 3 năm đầu kể từ khi có lợi tức chịu thuế.
b. Chủ tàu thuyền đánh cá đăng ký quyền sở hữu các tàu, thuyền khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, nộp lệ phí trước bạ 1% (một phần trăm) trên giá trị tàu, thuyền lúc trước bạ.
Trường hợp chủ tàu, thuyền không được cấp giấy phép khai thác hải sản xa bờ và tàu thuyền đánh cá lắp máy chính có công xuất nhỏ hơn 90 CV thì phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 193/CP ngày 29/12/1994 của Chính phủ.
c. Các đối tượng khai thác hải sản xa bờ đồng thời là đối tượng thuộc diện áp dụng Luật khuyến khích đầu tư trong nước (quy định tại Điều 4 Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Điều 1 Nghị định số 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước và hướng dẫn tại mục I của Thông tư số 94 TC/TCT ngày 22/12/1995 của Bộ Tài chính), thì đồng thời cũng được hưởng ưu đãi thuế quy định tại các Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21 Nghị định số 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Tuy nhiên, mỗi loại thuế chỉ được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ (%) miễn, giảm và thời gian miễn giảm quy định cao nhất; không được cộng tỷ lệ miễn giảm hoặc thời gian miễn, giảm quy định ở văn bản này với văn bản khác để áp dụng cho một đối tượng được ưu đãi.
d. Các loại thuế và thu khác ngoài các loại thuế và lệ phí trước bạ nêu trên đây, phải thực hiện theo pháp luật hiện hành.
II. THỦ TỤC, THẨM QUYỀN XÉT MIỄN, GIẢM THUẾ:
1. Thủ tục xét giảm thuế tài nguyên, thuế doanh thu, miễn thuế lợi tức:
a. Cơ sở khai thác thuộc diện được giảm thuế tài nguyên, thuế doanh thu và miễn thuế lợi tức phải gửi hồ sơ cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý. Hồ sơ gồm có;
- Đơn đề nghị miễn, giảm thuế của cơ sở (bản chính).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp (bản sao có công chứng);