Thông tư liên tịch 04/2010/TTLT-BCA-BYT hướng dẫn việc khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng tại bệnh viện của Nhà nước do Bộ Công an - Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 04/2010/TTLT-BCA-BYT
Ngày ban hành 09/08/2010
Ngày có hiệu lực 01/10/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên,Đặng Văn Hiếu
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thể thao - Y tế

BỘ CÔNG AN- BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2010/TTLT-BCA-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM, PHẠM NHÂN, TRẠI VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC, HỌC SINH TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG TẠI BỆNH VIỆN CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù số 01/2007/UBTVQH ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 1 tháng 08 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng;
Căn cứ Nghị định số 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam;
Để thực hiện đúng và thống nhất các quy định của pháp luật về việc khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng do lực lượng Công an nhân dân quản lý, Bộ Công an và Bộ Y tế thống nhất hướng dẫn như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc khám bệnh, chữa bệnh và quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng do lực lượng Công an nhân dân quản lý tại bệnh viện của ngành Y tế hoặc ngành Công an (viết gọn là bệnh viện).

Điều 2. Trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và bệnh viện

1. Nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có trách nhiệm đưa người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh mắc bệnh vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của bệnh xá, bộ phận y tế của đơn vị mình đến khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện theo hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bệnh viện có trách nhiệm bố trí phòng điều trị cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng phải điều trị nội trú; tiếp nhận và bảo đảm việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho họ như những người bệnh khác.

Chương 2.

KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN CHO NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM, PHẠM NHÂN, TRẠI VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC, HỌC SINH TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Điều 3. Chế độ chuyên môn về cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh  

1. Người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh do nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chuyển đến bệnh viện đều được cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.

2. Người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng chuyển đến bệnh viện để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chuyển viện và bản tóm tắt quá trình điều trị tại bệnh xá, bộ phận y tế của nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

3. Hàng ngày các khoa của bệnh viện có người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng điều trị nội trú phải cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh cho họ.

4. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của mình, bệnh viện phải chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Phương tiện vận chuyển do nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm, trừ trường hợp cấp cứu được vận chuyển bằng xe ô tô cấp cứu của bệnh viện.

Điều 4. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có trách nhiệm thanh toán cho bệnh viện chi phí cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng.

Điều 5. Phòng điều trị nội trú tại bệnh viện

1. Bệnh viện có trách nhiệm bố trí phòng điều trị riêng cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh phải điều trị nội trú. Căn cứ vào điều kiện thực tế, khuyến khích bệnh viện phối hợp với nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trên địa bàn, xây dựng khu điều trị riêng cho họ trong khu vực bệnh viện.

2. Căn cứ vào số lượng người phải điều trị, bệnh viện bố trí phòng điều trị nội trú cho phù hợp với quy định và có phòng trực cho cán bộ, chiến sĩ canh gác, bảo vệ.

3. Khuyến khích các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đóng quân trên một địa bàn, phối hợp với bệnh viện, xây dựng và sử dụng chung các phòng điều trị nội trú cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh. Trường hợp này phải bố trí thêm phòng điều trị riêng cho người bị tạm giam để phục vụ công tác nghiệp vụ.

4. Việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, duy trì, lắp đặt các trang thiết bị và quản lý, hộ lý tại các phòng điều trị nội trú cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng tại bệnh viện do trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm.

Điều 6. Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng mắc bệnh đưa đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện

1. Khi đưa người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện hoặc chuyển bệnh viện, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng phải bố trí cán bộ canh gác, dẫn giải và cán bộ y tế đi cùng.

2. Việc quản lý, canh gác, bảo vệ, dẫn giải người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng nằm điều trị nội trú tại bệnh viện phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và do trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chịu trách nhiệm.

Điều 7. Chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, thăm gặp đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng chữa bệnh tại phòng điều trị nội trú của bệnh viện

[...]