Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành

Số hiệu 03/2012/TTLT-BTP-BCA
Ngày ban hành 30/03/2012
Ngày có hiệu lực 15/05/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đức Chính,Đặng Văn Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/2012/TTLT-BTP-BCA

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC PHỐI HỢP BẢO VỆ CƯỠNG CHẾ TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự (sau đây viết gọn là phối hợp bảo vệ cưỡng chế) giữa cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng tham gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan thi hành án dân sự;

2. Cơ quan công an cùng cấp;

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

Việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

1. Nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đã được pháp luật quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của mỗi ngành.

3. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nhân dân và những người tham gia cưỡng chế.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch cưỡng chế

1. Trước thời điểm ban hành kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự ít nhất 10 ngày, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các nội dung, yêu cầu cụ thể của vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng tham gia bảo vệ, bao gồm:

a) Tên và địa chỉ của người bị cưỡng chế;

b) Dự kiến thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;

c) Tóm tắt nội dung vụ việc cần cưỡng chế; tính chất phức tạp của vụ việc (đặc điểm địa bàn, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, diễn biến tâm lý, thái độ, khả năng chống đối của đương sự);

d) Yêu cầu cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự về các nội dung cần phối hợp; dự kiến số lượng người cần tham gia bảo vệ cưỡng chế; các trang thiết bị, công cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc bảo vệ cưỡng chế và dự trù kinh phí chi cho việc bảo vệ cưỡng chế.

[...]