Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 01/09/2005
Ngày có hiệu lực 27/09/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Khuất Văn Nga
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 2005 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VỀ KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ SỰ THAM GIA CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ

Để thi hành đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động), bảo đảm tốt mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điểm như sau:

I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Thông báo về việc thụ lý vụ việc dân sự

1.1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Toà án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ việc dân sự. Trong trường hợp thụ lý nhiều vụ việc dân sự, Toà án có thể thông báo trong một văn bản về các vụ việc dân sự mà Toà án đã thụ lý. Văn bản thông báo phải có đầy đủ các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTDS.

1.2. Sau khi thụ lý vụ việc dân sự, nếu xét thấy vụ việc dân sự đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì Toà án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Toà án có thẩm quyền theo qui định tại khoản 1 Điều 37 BLTTDS, đồng thời gửi ngay quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

2. Chuyển hồ sơ vụ việc dân sự

2.1. Chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để tham gia phiên toà, phiên họp

Toà án phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp trong các trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà, phiên họp theo qui định của BLTTDS, trừ các trường hợp sau đây:

- Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án cấp phúc thẩm đã kháng nghị phúc thẩm;

- Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm.

Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự được thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm theo qui định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS và được hướng dẫn tại mục 1 Phần II của Thông tư này, Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Toà án theo qui định tại khoản 2 Điều 195 BLTTDS.

b) Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 264 BLTTDS và được hướng dẫn tại mục 2 Phần II của Thông tư này, Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Toà án theo qui định tại khoản 2 Điều 262 BLTTDS.

c) Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm vụ việc dân sự, Toà án gửi hồ sơ vụ việc dân sự cùng với quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định kháng nghị. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ việc cho Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm theo qui định tại khoản 2 Điều 290 và Điều 310 BLTTDS.

d) Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết việc dân sự, Toà án gửi hồ sơ việc dân sự cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định mở phiên họp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để mở phiên họp theo qui định tại khoản 1 Điều 313 BLTTDS.

đ) Trong trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp phúc thẩm đối với các quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát ngay sau khi Toà án ra quyết định mở phiên họp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để mở phiên họp.

2.2. Chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

a) Sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp (trong trường hợp Viện kiểm sát không tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự) hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét việc kháng nghị phúc thẩm, thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát.

b) Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Toà án chuyển hồ sơ vụ án việc dân sự cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.

c) Chậm nhất là ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm qui định tại Điều 252 và khoản 2 Điều 317 BLTTDS, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án đã xét xử hoặc giải quyết sơ thẩm cùng với quyết định kháng nghị (nếu Viện kiểm sát có kháng nghị).

2.3. Chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm

a) Khi Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc dân sự đó cho Viện kiểm sát.

b) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Toà án chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.

c) Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc dân sự, nếu Viện kiểm sát không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Viện kiểm sát phải chuyển trả lại hồ sơ vụ việc cho Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu Viện kiểm sát có kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm, thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cùng với quyết định kháng nghị cho Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo qui định tại Điều 290 và Điều 310 BLTTDS.

d) Trong trường hợp Viện kiểm sát và Toà án cùng có văn bản yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm, thì Toà án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho cơ quan có văn bản yêu cầu trước và thông báo bằng văn bản cho cơ quan kia biết về việc đã chuyển hồ sơ đó.

Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc dân sự, nếu cơ quan đã được nhận hồ sơ vụ việc dân sự không có kháng nghị, thì thông báo cho cơ quan đã có yêu cầu mà chưa được nhận hồ sơ biết. Nếu cơ quan đó vẫn có đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, thì cơ quan đã được nhận hồ sơ mà không có kháng nghị phải chuyển hồ sơ cho cơ quan đã có yêu cầu chuyển hồ sơ mà chưa được nhận hồ sơ.

[...]