Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 03/2002/TTLT-BCA-BNG hướng dẫn cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị định 05/2000/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ công an- Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 03/2002/TTLT-BCA-BNG
Ngày ban hành 29/01/2002
Ngày có hiệu lực 13/02/2002
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Ngoại giao
Người ký Nguyễn Văn Hưởng,Nguyễn Văn Ngạnh
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN-BỘ NGOẠI GIAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2002/TTLT-BCA-BNG

Hà nội , ngày 29 tháng 1 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ CÔNG AN - BỘ NGOẠI GIAO SỐ 03/2002/TTLT-BCA-BNG NGÀY 29 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP HỘ CHIẾU PHỔ THÔNG VÀ GIẤY THÔNG HÀNH CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2000/NĐ-CP NGÀY 03-3-2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Thực hiện Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03-3-2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Thông tư này hướng dẫn việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

2- Việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở những nước có ký Hiệp định hoặc Thoả thuận với Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương theo Quyết định số 875/TTg ngày 21-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

3- Việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư trú, đi lại của công dân Việt Nam, nhưng phải đảm bảo chính xác và phục vụ được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

4- Công dân Việt Nam ở nước ngoài đề nghị cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phải trực tiếp có mặt tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện) để nộp hồ sơ và nhận hộ chiếu. Trường hợp người đề nghị cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu đang ở nước chưa có cơ quan đại diện hoặc vì ốm đau, bệnh tật hoặc vì lý do đặc biệt khác mà không trực tiếp nộp hồ sơ hoặc nhận hộ chiếu được thì người đứng đầu cơ quan đại diện xem xét, quyết định cho nộp hoặc nhận thay trên cơ sở có đơn của người đề nghị.

5- Trường hợp phức tạp về an ninh, cơ quan đại diện chỉ cấp hộ chiếu hoặc giấy thông hành khi có ý kiến đồng ý của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

6- Trong thông tư này, những khái niệm sau đây được hiểu là:

- Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam bao gồm: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

- Giấy tờ chứng nhận nhân thân, có ảnh đóng dấu giáp lai do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp bao gồm: giấy chứng minh nhân dân ; giấy chứng nhận nhân thân (theo mẫu) có xác nhận của Trưởng công an cấp phường, xã nơi đăng ký nhân khẩu thường trú trước khi xuất cảnh; giấy xác nhận yếu tố nhân sự do Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cấp; sơ yếu lý lịch có xác nhận của Thử trưởng cơ quan có thẩm quyền, nếu người đó đang là cán bộ, viên chức Nhà nước thuộc quyền quản lý của cơ quan đó.

- Yếu tố nhân thân của người đề nghị cấp hộ chiếu bao gồm: họ tên, khai sinh; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; giới tính; quốc tịch; địa chỉ hiện nay và địa chỉ thường trú ở trong nước trước khi xuất cảnh.

- Yếu tố nhân sự của người đề nghị cấp hộ chiếu bao gồm: yếu tố nhân thân, ảnh và thông tin về thời gian, cửa khẩu, hình thức xuất cảnh, chi tiết giấy tờ xuất nhập cảnh (loại giấy tờ, số, ngày và cơ quan cấp, thời hạn), thân nhân đã hoặc đang sống tại Việt Nam (họ tên, quan hệ, thời gian và địa chỉ thường trú), kể cả trường hợp thân nhân đã chết.

II- VIỆC CẤP, GIA HẠN, BỔ SUNG, SỬA ĐỔI HỘ CHIẾU VÀ GIẤY THÔNG HÀNH

1- Việc cấp hộ chiếu cho những người chưa có hộ chiếu (cấp lần đầu)

1.1- Hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện gồm:

- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu và ảnh theo quy định;

- Bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam ;

- Bản sao giấy tờ chứng nhận nhân thân, có ảnh đóng dấu giáp lai do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

Khi nộp bản sao các giấy tờ trên thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng nhận nhân thân, có ảnh đóng dấu giáp lai do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì nộp sơ yếu lý lịch theo quy định.

Đối với người đã được nước sở tại cho cư trú thì nộp kèm theo giấy phép cư trú hợp lệ. Trường hợp chưa được nước sở tại cho cư trú thì trong tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu cần ghi rõ nguồn gốc, thời gian, lý do và mục đích đến cư trú ở nước sở tại, kèm theo các giấy tờ chứng minh (nếu có).

1.2- Cơ quan đại diện giải quyết như sau:

a) Trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, các yếu tố nhân thân và nội dung kê khai đầy đủ, chính xác, không thuộc trường hợp quy định tại Mục III Thông tư này, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện cấp hộ chiếu cho người đề nghị.

b) Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng nhận nhân thân, có ảnh đóng dấu giáp lai do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cơ quan đại diện hướng dẫn người đề nghị cấp hộ chiếu khai sơ yếu lý lịch, nộp kèm theo các giấy tờ có giá trị tham khảo về quốc tịch (phù hợp với pháp luật Việt Nam về quốc tịch). Cơ quan đại diện lập danh sách gồm các yếu tố nhân sự và ảnh của người đề nghị cấp hộ chiếu gửi về Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Cục lãnh sự có trách nhiệm chuyển danh sách và ảnh đó cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để xác minh về nhân thân và cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp để xác minh về quốc tịch (tuỳ theo yêu cầu xác minh). Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được danh sách do Cục lãnh sự chuyển, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem xét trả lời cục lãnh sự để Cục lãnh sự trả lời cơ quan đại diện. Cơ quan đại diện xem xét, giải quyết và trả lời cho người đề nghị cấp hộ chiếu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Cục lãnh sự.

1.3- Thân nhân ở Việt Nam của người đề nghị cấp hộ chiếu (cha, mẹ, vợ, chồng, con, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột hoặc chú, bác, cô, dì ruột) có thể trực tiếp đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố nơi cư trú đề nghị xác nhận yếu tố nhân sự của người đề nghị cấp hộ chiếu.

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày được đơn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét và có văn bản trả lời, đồng thời thông báo cho cơ quan đại diện.

Khi công dân Việt Nam ở nước ngoài nộp tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, kèm theo giấy tờ xác nhận yếu tố nhân sự của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ nêu trên, cơ quan đại diện xem xét, quyết định.

[...]