Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp- Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 01/2007/TTLT-BTP-BNV
Ngày ban hành 29/03/2007
Ngày có hiệu lực 17/08/2007
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tư pháp
Người ký Đỗ Quang Trung,Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2007/TTLT-BTP-BNV

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2007 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC, CÁN BỘ CỦA THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Để thi hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thi hành án dân sự cấp tỉnh) như sau:

I. TỔ CHỨC CỦA THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CẤP TỈNH

1. Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các phòng trực thuộc để giúp Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Số lượng các phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh phải căn cứ vào khối lượng và tính chất phức tạp của các vụ việc thi hành án, địa bàn quản lý và các yếu tố khác có liên quan, nhưng tối đa không quá 03 phòng. Riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập tối đa không quá 05 phòng.

2. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước và Thông tư này.

3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Thi hành án dân sự cấp tỉnh quy định tại Điều 12 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP và nhu cầu bố trí cán bộ, công chức trong số biên chế được giao, Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh đề nghị thành lập các phòng chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng phải đảm bảo cơ cấu cũng như việc phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn như sau:

a) Phòng tổ chức, hành chính giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, hành chính quản trị, kế toán - tài vụ, quản lý tang tài vật, thống kê, lưu trữ, thi đua, khen thưởng và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

c) Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Đối với những địa phương do yêu cầu tổ chức, hoạt động mà không nhất thiết phải thành lập 03 phòng chuyên môn như hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản này thì nhiệm vụ kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo do phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án thực hiện.

Riêng đối với Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh do nhu cầu mà phải thành lập 04 hoặc 05 phòng chuyên môn thì có thể thành lập riêng các phòng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức cán bộ và kế toán tài vụ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng

a) Trưởng phòng là người đứng đầu và chịu trách nhiệm điều hành công việc của phòng, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo chung về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của phòng;

- Tổ chức việc xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác của phòng mình phụ trách;

- Phân công công việc cụ thể và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức thuộc phòng;

- Báo cáo, kiến nghị với Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của phòng;

- Các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

Phó trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trưởng phòng.

Trưởng phòng, Phó trưởng phòng ngoài các nhiệm vụ nêu trên, nếu là chấp hành viên cấp tỉnh còn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ cụ thể khác được Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh phân công; không được can thiệp, gây ảnh hưởng đến tính độc lập của chấp hành viên thuộc phòng mình phụ trách khi chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh và trước pháp luật về công việc được phân công.

Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về công việc được phân công.

b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng phải bảo đảm các tiêu chuẩn chức danh chuyên môn; bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

c) Phụ cấp chức vụ của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng như sau:

[...]