Nghị định 30-CP năm 1993 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên

Số hiệu 30-CP
Ngày ban hành 02/06/1993
Ngày có hiệu lực 02/06/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 30-CP NGÀY 2-6-1993 VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ CHẤP HÀNH VIÊN 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21 tháng 4 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 1. - Các cơ quan quản lý công tác Thi hành án dân sự nói tại Khoản 1 Điều 17 của Pháp lệnh thi hánh án dân sự bao gồm:

1. Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

2. Phòng quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

3. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

4. Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 2. - Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác Thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh thi hành án dân sự:

a) Chuẩn bị các dự án văn bản về quản lý công tác Thi hành án dân sự, về quy chế chấp hành viên, chế độ, chính sách đối với chấp hành viên, cán bộ làm công tác Thi hành án dân sự;

b) Trình Bộ trưởng quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan Thi hành án dân sự;

c) Chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý thi hành án dân sự ở các địa phương, tổng kết công tác quản lý thi hành án dân sự.

2. Quản lý nghiệp vụ công tác Thi hành án dân sự:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ công tác Thi hành án dân sự;

b) Bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự;

c) Kiểm tra hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan Thi hành án, giải quyết khiếu nại các quyết định về Thi hành án của trưởng phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 3. - Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác Thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự:

a) Chuẩn bị các dự án văn bản về quản lý công tác Thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự, về chế độ, chính sách đối với chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án trong quân đội;

b) Trình Bộ trưởng Bộ quốc phòng việc thành lập, giải thể các phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương;

c) Tổng kết công tác quản lý Thi hành án trong quân đội.

2. Phối hợp với Cục quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quản lý nghiệp vụ công tác thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của toà án quân sự:

[...]