Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTC-BGTVT hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường bộ do Bộ tài chính - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 01/2001/TTLT/BTC-BGTVT
Ngày ban hành 05/01/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân,Phạm Duy Anh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2001/TTLT/BTC-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 01/2000/TTLT/BTC-BGTVT NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP KINH TẾ SỬA CHỮA ĐƯỜNG BỘ

Để tăng cường công tác quản lý, cấp phát kinh phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường bộ phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường bộ do ngân sách Nhà nước bảo đảm như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Kinh phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường bộ do ngân sách Nhà nước cấp để sửa chữa thường xuyên, sửa chữa không thường xuyên cầu, đường bộ (gọi chung là đường bộ); được quản lý, cấp phát, thanh quyết toán theo đơn giá và khối lượng sửa chữa được cấp có thẩm quyền duyệt.

2. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, sữa chữa thường xuyên đường quốc lộ do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa không thường xuyên đường địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.

3. Kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ hàng năm được quyết toán theo quy định hiện hành.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi:

1.1. Chi sửa chữa thường xuyên:

- Chi quản lý, công tác an toàn đường bộ.

- Chi duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

1.2. Chi sửa chữa không thường xuyên:

- Chi sửa chữa định kỳ theo quy trình kỹ thuật (bao gồm: chi sửa chữa vừa và chi sửa chữa lớn đường bộ).

- Chi sửa chữa đột xuất khắc phục hậu quả thiên tai hoặc các nguyên nhân khác để bảo đảm giao thông.

1.3. Các khoản chi khác gồm:

- Chi bù hoạt động của các bến phà trong trường hợp không đủ chi.

- Chi hoạt động của các trạm cân xe, đếm xe; Chi hoạt động thanh tra giao thông; Chi hoạt động bộ máy của các Khu quản lý đường bộ, theo định mức chi quản lý hành chính và biên chế được Bộ Giao thông vận tải giao và kinh phí quản lý nghiệp vụ đặc thù.

- Chi mua sắm thiết bị duy tu và xây dựng nhà hạt quản lý đường bộ (mỗi năm bố trí không quá 10% kinh phí duy tu, sữa chữa thường xuyên đường bộ, trong thời gian 3 năm 2001, 2002, 2003).

- Chi dự phòng đảm bảo giao thông theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Lập dự toán kinh phí sự nghiệp sửa chữa đường bộ.

Việc lập dự toán kinh phí sự nghiệp sửa chữa đường bộ hàng năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước"; Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

2.1. Đối với đường quốc lộ do Trung ương quản lý: Hàng năm căn cứ vào số kiểm tra về dự toán chi ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính thông báo, căn cứ vào số thông báo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam giao số kiểm tra cho các đơn vị trực thuộc (Khu quản lý đường bộ, Ban quản lý dự án đường bộ) và các Sở giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền cho địa phương quản lý - gọi chung là đường uỷ quyền quản lý).

Căn cứ vào tình trạng đường; định mức kinh tế kỹ thuật; nội dung chi quy định tại điểm 1, Mục II của Thông tư này; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền duyệt; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và số kiểm tra do cấp trên giao, các đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải (đối với đường uỷ quyền quản lý) lập dự toán kinh phí chi sửa chữa đường bộ, chi tiết theo mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước, gửi Cục Đường bộ Việt Nam, để xem xét tổng hợp gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính theo quy định.

2.2. Đối với đường do địa phương quản lý: Sở Giao thông vận tải căn cứ vào số kiểm tra về dự toán chi ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ vào tình trạng đường; định mức kinh tế kỹ thuật, nội dung chi quy định tại điểm 1, Mục II của Thông tư này; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền duyệt và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; lập dự toán kinh phí chi sửa chữa đường bộ, chi tiết theo mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước gửi Sở Tài chính - Vật giá theo quy định.

Dự toán chi theo quy định tại điểm 2, Mục II trên đây phải kèm theo thuyết minh cụ thể. Đối với nội dung chi sửa chữa không thường xuyên phải chi tiết theo từng công trình gắn với đoạn đường, tuyến đường, khối lượng, kinh phí, thời gian triển khai thực hiện.

Do đặc thù của công tác quản lý và sữa chữa đường bộ, việc lập dự toán và cấp phát kinh phí sữa chữa đường bộ được thực hiện theo các mục chi của Mục lục ngân sách Nhà nước như sau:

[...]