Thông tư liên bộ 824-TTLB năm 1962 quy định chế độ đài thọ bồi dưỡng trong hoạt động thể dục thể thao do Bộ Tài chính- Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành

Số hiệu 824-TTLB
Ngày ban hành 20/08/1962
Ngày có hiệu lực 04/09/1962
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Uỷ ban Thể dục Thể thao
Người ký Nguyễn Văn Quạn,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 824-TTLB

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐÀI THỌ BỒI DƯỠNG TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO

CHỦ NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:
Đồng kính gửi

- Các ông Bộ trưởng các Bộ,
- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu và khu vực Vĩnh linh
-Các Sở, Ty tài chính và Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành,khu và khu vực Vĩnh linh,
- Tổng Công đoàn Việt Nam

Căn cứ vào phương hướng của thường vụ  Hội đồng Chính phủ giải quyết vấn đề này trong phiên họp ngày 22-3-1962 “… trong hoàn cảnh hiện nay Nhà nước chỉ giải quyết vấn đề đài thọ, bồi dưỡng đối với những vận động viên có trình độ kỹ thuật cao, trong các cuộc luyện tập, thi đấu, biểu diễn do Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức, còn luyện tập thi đấu do địa phương,các ngành tổ chức thì chủ yếu dựa vào tiền thu trong hoạt động thể dục thể thao mà đài thọ, bồi dưỡng để phát triển phong trào…”.

Phong trào thể dục thể thao nước ta được xây dựng và phát triển trong hoàn cảnh nền kinh tế đang trên những năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, chúng ta đang phải tập trung mọi khả năng vào công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, mặt khác trong lĩnh vực văn hóa xã hội, không riêng gì hoạt động thể dục thể thao mà mọi hoạt động khác cũng đòi hỏi phát triển để phục vụ cho lao động sản xuất, hoạt động thể dục thể thao lại là một hoạt động rộng rãi của quần chúng, là nghĩa vụ và quyền lợi thiết thân của mọi người, cho nên trong hoàn cảnh thực tế hiện nay Nhà nước chỉ có thể giải quyết việc đài thọ bồi dưỡng với mức độ tối thiểu, trong phạm vi và đối tượng nhất định, ngoài khả năng có hạn của Nhà nước, việc đài thọ, bồi dưỡng cho phong trào rộng rãi chủ yếu dựa vào tiền thu, và sự đóng góp xây dựng của đông đảo quần chúng.

Căn cứ vào tinh thần cuộc họp liên Bộ, Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã thống nhất ý kiến.

Ủy ban Thể dục thể thao và Bộ Tài chính ra thông tư liên Bộ quy định một số nguyên tắc, chế độ về đài thọ bồi dưỡng cho những hoạt động thể dục thể thao sau đây:

I. NGUYÊN TẮC THU CHI TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO.

1. Nói chung mọi cuộc thi đấu, biểu diễn Thể dục thể thao đều phải thu để chi. Cần có biện pháp tăng thu để đáp ứng chi phí ngày càng nhiều của phong trào, giảm bớt một  phần chi phí tốn kém ngân sách Nhà nước.

Nhưng trong hoàn cảnh  hiện nay,có môn chưa thu được, hoặc do nhu cầu phục vụ phong trào mà không thu thì: nếu ở Trung ương Ủy ban Thể dục thể thao trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính để quyết định, nếu thuộc Tổng Công đoàn và các ngành tổ chức thì Ban Thể dục thể thao báo cáo với Bộ Sở quan,Tổng Công đoàn và thỏa thuận với Bộ Tài chính để quyết định, nếu ở các địa phương thì Ban Thể dục thể thao trao đổi với Ty, Sở Tài chính và báo các với Ủy ban hành chính địa phương để quyết định.

2. Những cuộc thi đấu biểu diễn do Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức, hoặc Ủy ban Thể dục thể thao ủy nhiệm cho các địa phương, các ngành tổ chức thì việc thu và chi tiến hành theo nguyên tắc gắn thu bù chu, Nhà nứơc xét duyệt và cấp phát số chênh lệch.

Riêng những cuộc thi đấu bóng đá do Ủy ban thể dục thể thao tổ chức thì tổng số tiền thu trừ đi tiền chi phí trong trận đấu (như tiền lộ phí và bồi dưỡng trong trận đấu cho vận động viên, tiền tổ chức phí..) còn bao nhiêu trích 60%  nộp Nhà nước, còn 40% để trợ cấp cho các đội tham gia thi đấu làm tiền trang bị và bồi dưỡng trong tập luyện (đối với những đội tham gia thi đấu mà do Nhà nước quản lý và đài thọ  mọi mặt thì phần trợ cấp của mình sẽ phải nộp Nhà nước).

 Nếu là thi đấu bóng đá quốc tế thì tổng số tiền thu, trừ các chi phí về tổ chức các trận đấu và tiền trợ cấp các đội tham gia, do Ủy ban Thể dục thể thao tuỳ từng trường hợp cụ thể quy định tối thiểu là 300đ, tối đa là 500đ cho mỗi đội để trang bị và bồi dưỡng trong khi chuẩn bị luyện tập và thi đấu quốc tế, còn bao nhiêu phải nộp cho Nhà nước. Việc sử dụng số tiền trợ cấp này phải được Ban Thể dục thể thao các cấp quản lý chặt chẽ, sắm sửa, trang bị và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn quy định chung.

3. Những cuộc thi đấu, biểu diễn do Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu tự tổ chức thì việc chi phí, đài thọ, bồi dưỡng chủ yếu là dựa vào tiền thu. Trường hợp có môn chưa thu được hay thu ít, không có đủ để chi phí, Ban Thể dục thể thao sẽ dự trù đề nghị với các Ty, Sở Tài chính và Ủy ban hành chính để quyết định việc chi phí đài thọ, bồi dưỡng.

- Riêng những cuộc thi đấu bóng đá do Ban Thể dục thể thao thành phố Hà nội, Hải phòng, và Nam định tự tổ chức và thu tiền vé, hoặc được Ủy ban Thể dục thể thao uỷ nhiệm tổ chức và thu tiền vé tại ba thành phố trên thì trích 25% của tổng số tiền thu nộp tiền sân bãi, số tiền còn lại sẽ trích 40% để trợ cấp cho các đội tham gia thi đấu (đội nào do ngân sách Nhà nước quản lý và đài thọ mọi mặt thì nộp cả phần mình vào ngân sách) còn 60% thì chi phí cho trận đấu, nếu thiếu thì được cấp thêm, nếu thừa thì nộp ngân sách địa phương.

4. Đặc biệt đối với những địa phương miền núi chưa đủ khả năng tổ chức và thu nhập quá ít thì việc thu, chi sẽ tiến hành theo hình thức quản lý toàn diện, nếu thu được thì nộp ,còn chi phí,trang bị, bồi dưỡng do ban Thể dục thể thao lập dự trù cụ thể đề nghị với Sở, Ty Tài chính, báo cáo Ủy ban hành chính xét và quyết định.

5. Những hoạt động Thể dục thể thao của Công đoàn tổ chức, việc thu, chi do điều lệ của Tổng Công đoàn quy định trong phạm vi nguyên tắc và tiêu chuẩn chung.

Căn cứ vào nguyên tắc trên, Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu vực và các Sở, Ty Tài chính tuỳ theo tính chất của từng cuộc thi đấu, biểu diễn  mà quản lý giám đốc việc thu, chi cho chặt chẽ.

II. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CỤ THỂ.

1. Luyện tập thi đấu do Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức và quản lý.

a) Vận động viên và huấn luyện viên lái máy bay thể thao, tàu lượn được hưởng mức ăn bồi dưỡng thường xuyên là 2đ00 một ngày. Khi trực tiếp làm nhiệm vụ tập luyện hay huấn luyện thì được hưởng 3đ50 một ngày. Cụ thể là tự trích tiền lương đài thọ tiền ăn tối thiểu một ngày 0đ70, còn  được cấp thêm 1đ30 hoặc 2đ80 tiền bỗi dưỡng.

b) Vận động viên và huấn luyện viên nhảy dù thì được hưởng mức ăn bồi dưỡng thường xuyên là 2đ00 một ngày, khi trực tiếp làm nhiệm vụ tập luyện hay huấn luyện nhảy dù bằng tháp được hưởng mức 2đ500 một ngày, nếu nhảy dù trên máy bay thì được hưởng 3đ00 một ngày. Tự trích tiền lương đài thọ tiền ăn tối thiểu 0đ70 một ngày, còn được cấp thêm 1đ30, 1đ80 hay 2đ30 tiền bồi dưỡng.

c) Vận động viên các đội tập trung hưởng chế độ ăn bồi dưỡng thường xuyên trong luyện tập thống nhất là 2đ00 một ngày( tự đài thọ tiền ăn tối thiểu 0đ70 một ngày, được cấp thêm 1đ30 tiền bồi dưỡng). Huấn luyện viên được cấp thêm tiền bồi dưỡng 0đ40 một ngày trong lúc làm nhiệm vụ.

d) Các cuộc biểu diễn hay thi đấu giải vô địch chung kết toàn miền Bắc hoặc các cuộc biểu diễn thi đấu khác do Ủy ban Thể dục thể thao tổ chức hoặc Ủy Ban uỷ nhiệm cho các địa phương tổ chức thì:

- Tiền bồi dưỡng thi đấu chia làm hai mức: mức tối đa ( loại A) là 2đ40, mức tối thiểu (loại B) là 1đ60 một ngày (ngoài tiền ăn tối thiểu). Khi tham gia thi đấu quốc tế ngoài mức bồi dưỡng trên được tăng thêm 1đ00 một ngày trong thời gian cần thiết do Ủy ban Thể dục thể thao quy định. Đội nào đã được Ủy ban Thể dục thể thao đài thọ tiền bồi dưỡng trong luyện tập thường xuyên thì trong những ngày thi đấu chỉ cấp thêm số chênh lêch.

Nếu vận động viên là quần chúng nhân dân không có lương thì được đài thọ cả tiền  ăn tối thiểu. Việc phân loại từng môn để định mức bồi dưỡng và thời gian bồi dưỡng trong từng trận thi đấu sẽ do Ủy ban Thể dục thể thao quy định chi tiết.

- Tiền lệ phí khứ hồi, ngủ trọ sẽ đài thọ theo thể lệ chung hiện hành.

[...]