Thông tư liên bộ 14-LB/TT năm 1977 thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14-LB/TT
Ngày ban hành 24/02/1977
Ngày có hiệu lực 11/03/1977
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đào Thiện Thi,Hoàng Anh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM- BỘ TÀI CHÍNH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 14-LB/TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1977

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CẢI TIẾN VÀ MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã động viên những nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế và nhiều nguồn khác để cho vay, góp phần bảo đảm cho các xí nghiệp quốc doanh có vốn cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giúp khu vực kinh tế tập thể bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, đưa được một số tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giữ vững sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất mới, trong hoàn cảnh có thiên tai, dịch họa và nguồn thu nhập, tích luỹ của các hợp tác xã còn hạn chế. Ở các tỉnh phía Nam sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tín dụng ngân hàng đã góp phần phục hồi và cải tạo nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và các ngành khác. Thông qua hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng thực hiện việc kiểm soát bằng đồng tiền đối vối hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các ngành, các xí nghiệp và tổ chức kinh tế cơ sở từng bước tăng cường quản lý kinh tế tài chánh, xác lập và củng cố chế độ hạch toán kinh tế.

Tuy nhiên, công tác tín dụng chưa bao quát được các lĩnh vực và các đối tượng cần đầu tư, nhiều xí nghiệp quốc doanh không vay vốn hoặc vay vốn ngân hàng không thường xuyên, tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản phát triển chậm; căn cứ kinh tế và kỹ thuật để thực hiện cho vay và quản lý vốn chưa được tôn trọng, nhiều trường hợp vốn cho vay còn mang tính chất bao cấp, việc theo dõi và kiểm tra các xí nghiệp và tổ chức kinh tế về quản lý, sử dụng vốn thiếu chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn thấp, nhiều trường hợp không thu được nợ, vật tư hàng hóa ứ đọng còn nhiều, tình trạng các xí nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau gây ra nợ nần dây dưa phổ biến và nghiêm trọng; trách nhiệm của tài chính, ngân hàng, xí nghiệp về mặt bảo đảm vốn và quản lý vốn chưa rõ, nhiều trường hợp giữa ngân hàng và tài chính khi giải quyết khó khăn cho xí nghiệp còn đùn đẩy cho nhau, dẫm đạp vào công tác của nhau, đồng thời bỏ trống trận địa, tạo sơ hở trong công tác quản lý.

Những khuyết, nhược điểm trên, một phần do bước đầu xây dựng nền kinh tế từ sản xuất nhỏ đi lên, bản thân ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm ; trong điều kiện chiến tranh, yêu cầu hàng đầu là duy trì và bảo đảm  sản xuất và chiến đấu cho nên việc thực hiện các nguyên tắc chế độ còn cần phải châm chước, tính chất bao cấp của tín dụng do đó càng trở nên phổ biến.

Bước vào giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, việc khắc phục những khuyết điểm và nhược điểm về quản lý vốn và cải tiến quản lý vốn có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ công tác cải tiến quản lý kinh tế. Thi hành quyết định số 32-CP ngày 11-02-1977 về cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng của Hội đồng Chính phủ, liên bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện chủ trương trên như sau.

I. CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ CHO VAY, CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG

1. Yêu cầu của việc cho vay, cấp phát và quản lý vốn lưu động là nhằm bảo đảm đủ vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, không để xí nghiệp và các tổ chức kinh tế gặp khó khăn vì thiếu vốn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; đồng thời đòi hỏi xí nghiệp phải huy động và sử dụng mọi nguồn vốn tự có để đưa vào sản xuất, kinh doanh, không để thừa vốn, ứ đọng và lãng phí vốn, thông qua việc cho vay, cấp phát và quản lý vốn, mà thúc đẩy việc luân chuyển vốn, hàng hóa vật tư và không ngừng tăng cường quản lý xí nghiệp.

2. Cần phải tính toán và xét duyệt định mức vốn lưu động cho xí nghiệp, tổ chức kinh tế.

Phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các điều kiện cung cấp, sản xuất tiêu thụ sản phẩm của từng xí nghiệp mà tiến hành tính toán và xét duyệt định mức vốn lưu động một cách hợp lý, có căn cứ kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định mức vốn lưu động năm 1977 và các năm tiếp theo cho đến năm 1980. Định mức vốn lưu động của xí nghiệp do giám đốc xí nghiệp hoặc chủ nhiệm công ty, tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp tính toán, với sự tham gia của cơ quan tài chính và ngân hàng phục vụ mình, sau đó trình lên cấp có thẩm quyền xét duyệt. Đối với những xí nghiệp, tổ chức kinh tế trực thuộc trung ương do bộ chủ quản, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương xét duyệt; đối với các xí nghiệp, tổ chức kinh tế địa phương do Sở, Ty, chủ quản, Sở, Ty tài chính, ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố xét duyệt.

Kể từ năm 1978 cho đến năm 1980, hàng năm, các xí nghiệp căn cứ vào định mức vốn lưu động nói trên và sự thay đổi giá trị tổng sản lượng hoặc doanh số hoạt động để tính toán kế hoạch vốn lưu động ăn khớp với kế hoạch sản xuất - kỹ thuật – tài chính của xí nghiệp, theo nguyên tắc chung là tốc độ tăng vốn lưu động phải thấp hơn tốc độ tăng giá trị tổng sản lượng hoặc doanh số hoạt động. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với ngành chủ quản quy định cụ thể hệ số tăng, giảm vốn lưu động so với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh để các xí nghiệp tính mức vốn lưu động được đơn giản và kịp thời. Khi nào giá trị tổng sản lượng, hoặc doanh số hoạt động tăng thêm 30% trở lên đối với nông trường quốc doanh và các xí nghiệp đã sử dụng trên 70% công suất thiết bị, 50% trở lên đối với các xí nghiệp khác, so với lần định mức trước, thì tính toán và xét duyệt lại định mức vốn lưu động.

3. Vốn lưu động định mức của xí nghiệp quốc doanh được hình thành bằng hai nguồn vốn: vốn lưu động tự có và coi như tự có, vốn lưu động vay của Ngân hàng Nhà nước .

Vốn lưu động tự có và coi như tự có gồm:

- Vốn ngân sách Nhà nước cấp;

- Vốn được bổ sung bằng lợi nhuận xí nghiệp;

- Vốn coi như tự có gồm: tiền lương phải trả nhưng chưa đến kỳ trả, chi phí về tiền nhà, điện, nước phải trả nhưng chưa đến kỳ trả, các khoản phải nộp ngân sách nhưng chưa đến hạn nộp, chi phí trước trước và các khoản khác (nếu có).

4. Tỷ lệ vốn lưu động tự có và coi như tự có tham gia cấu tạo vốn lưu động định mức hàng năm quy định như sau :

- 10% (mười phần trăm) đối với các xí nghiệp dịch vụ, vốn lưu động hàng hóa của xí nghiệp ăn uống công cộng;

- 20% (hai mươi phần trăm) đối với các nghiệp vận tải, nghiệp vụ bưu điện;

- 30% (ba mươi phần trăm) đối với vốn lưu động hàng hóa của các tổ chức thương nghiệp;

- 50% (năm mươi phần trăm) đối với các xí nghiệp, công nghiệp của tất cả các ngành; xí nghiệp nông nghiệp, khai thác lâm sản, thủy hải sản, muối; các tổ chức cung tiêu kể cả thiết bị lẻ, và các loại xí nghiệp khác.

Vốn lưu động định  mức không phải là hàng hóa của các tổ chức thương nghiệp và cung tiêu được ngân sách Nhà nước cấp 100% (một trăm phần trăm).

Các xí nghiệp xây lắp; bao thầu phải hạch toán kinh tế và xác định mức vốn lưu động như các xí nghiệp sản xuất khác; Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ quy định tỷ lệ vốn tự có và vốn đi vay thích hợp.

5. Mức vốn lưu động tự có và coi như tự có kế hoạch tăng thêm hàng năm quy định như sau :

- Trước hết các xí nghiệp phải tận dụng các khoản nợ định mức tăng thêm;

- Số còn thiếu, xí nghiệp được trích từ lợi nhuận năm kế hoạch để bổ sung theo chế độ phân phối lợi nhuận hiện hành. Nếu lợi nhuận kế hoạch không đủ (hoặc không có lợi nhuận kế hoạch) thì ngân sách Nhà nước cấp thêm vốn lưu động cho xí nghiệp.

Trường hợp xí nghiệp chưa trích kịp hoặc không thực hiện được kế hoạch lợi nhuận cho nên không có đủ tiền để bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch, thì xí nghiệp vay Ngân hàng Nhà nước .

6. Các nhu cầu vốn lưu động vượt quá mức vốn lưu động tự có và coi như tự có, xí nghiệp được vay ở Ngân hàng Nhà nước:

[...]