Thông tư 18-NT-1970 hướng dẫn thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Bộ Nội thương ban hành

Số hiệu 18-NT
Ngày ban hành 11/06/1970
Ngày có hiệu lực 26/06/1970
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội thương
Người ký Hoàng Quốc Thịnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Vi phạm hành chính

BỘ NỘI THƯƠNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-NT

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 1970

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 49-CP ngày 09-04-1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước; Liên bộ Tài chính – Lao động - Tổng công đoàn đã có thông tư số 128-TT/LB ngày 24-07-1968 hướng dẫn thi hành. Các cấp trong ngành cần nghiên cứu kỹ nghị định và thông tư nói trên để nắm vững tinh thần và nội dung, thi hành cho đúng.

Căn cứ vào điều 15 và 19 của chế độ trách nhiệm vật chất, để việc thi hành chế độ này phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, sau khi Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Tổng công đoàn đã thỏa thuận, Bộ quy định và hướng dẫn những điểm cụ thể sau đây để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.

I. NẮM VỮNG Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG CHÂM CỦA CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT VÀ TÌNH HÌNH ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH ĐỂ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Ngành nội thương là một ngành kinh tế, làm công tác lưu thông phân phối, được Đảng và Nhà nước giao cho quản lý một khối lượng tài sản rất lớn và không ngừng được tăng thêm, ngành ta có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo vệ tài sản đó, không để hư hao quá mức và thiệt hại, đồng thời phải biết sử dụng nó để phục vụ tốt nhất cho sản xuất và đời sống.

Kiểm điểm lại trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài sản của ngành ta đã có chuyển biến thể hiện rõ sau cuộc vận động ba xây, ba chống và sau những đợt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm, và cuộc vận động tăng cường quản lý thị trường. Nhưng nói chung thì sự chuyển biến còn chậm, chưa đều, chưa tốt, tình trạng buông lỏng quản lý chưa được khắc phục về cơ bản; trong những năm cả nước có chiến tranh, công tác quản lý, bảo vệ tài sản lại có khó khăn mới và có nhiều khâu bị buông lỏng, do đó tài sản bị thiệt hại tăng nhanh và nhiều.

Những thiếu sót trong việc quản lý, bảo vệ tài sản ở ngành ta do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng phải nghiêm khắc kiểm điểm về phía chủ quan của chúng ta. Khuyết điểm chủ quan là:

- Việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho cán bộ, nhân viên làm chưa được đầy đủ và thường xuyên, nên tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ tập thể còn yếu;

- Các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ tài sản không được chấp hành nghiêm chỉnh, công tác quản lý không chặt chẽ, việc kiểm tra đôn đốc thiếu thường xuyên;

- Việc thưởng phạt không nghiêm minh, không kịp thời và còn phiến diện.

Thực tế đã chứng minh rằng phần lớn những thiệt hại tài sản xẩy ra trong ngành ta chủ yếu là do thiếu trách nhiệm, không chấp hành đúng chế độ, không tôn trọng kỷ luật, nội quy công tác và buông lỏng quản lý gây nên.

Thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước không những là một nhiệm vụ chấp hành nguyên tắc, chế độ của Nhà nước, mà còn là một trong những biện pháp quan trọng để sửa chữa, khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý tài sản của ngành. Để phát huy được tác dụng của chế độ trách nhiệm vật chất và để việc thi hành chế độ ấy đưa lại hiệu quả thiết thực, phải nắm thật vững những điểm chính sau đây:

1. Trước hết và là điều quan trọng nhất là phải làm cho mọi người nhận thức được tinh thần cơ bản của chế độ trách nhiệm vật chất là nhằm đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước. Mỗi người cần có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, coi đó là yêu cầu cơ bản của việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một vấn đề thuộc về đạo đức cách mạng. Đồng thời cũng phải làm cho mọi người thấy rõ chế độ trách nhiệm vật chất còn thể hiện đúng đắn chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước để tin tưởng, an tâm, phấn khởi công tác.

2.Việc xác định lỗi là vấn đề quan trọng, vì lỗi là căn cứ để quy trách nhiệm bồi thường, người nào có lỗi gây ra thiệt hại thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, cần xác định lỗi và mức độ lỗi một cách đúng đắn để xử lý được thỏa đáng. Khi điều tra, phân tích lỗi và mức độ lỗi cũng cần chú ý đến hoàn cảnh xẩy ra thiệt hại, trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của đương sự, trách nhiệm được giao, tinh thần thái độ công tác và ý thức bảo vệ của công thường ngày của đương sự. Công việc điều tra, xác định trách nhiệm phải được tiến hành chu đáo theo đường lối quần chúng, với sự tham gia của công đoàn cơ sở.

3.Đi đôi với việc xử lý nghiêm minh đối với những người gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, phải chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong việc quản lý, bảo vệ tài sản. Phải coi đó là tiêu chuẩn thi đua trong các dịp sơ kết, tổng kết công tác; là một trong những tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá về chất lượng của cán bộ, công nhân viên.

4.Đối với công nhân viên chức phạm lỗi, sau khi đã xử lý quyết định bồi thường thì thủ trưởng đơn vị và công đoàn cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, động viên để anh chị em có thêm nghị lực, an tâm, tích cực công tác. Nếu sau khi xử lý, người phạm lỗi có nhiệt tình lao động, hăng say công tác, lập được thành tích xuất sắc, hoặc trong đời sống có khó khăn đột xuất không khắc phục được (như gặp thiên tai, địch họa, ốm đau…) thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải bàn bạc với công đoàn cơ sở để báo cáo, kiến nghị cấp trên xét cho tạm hoãn, giảm hoặc miễn bồi thường (như đã quy định tại điều 14 chế độ trách nhiệm vật chất và hướng dẫn tại Thông tư liên bộ Tài chính – Lao động – Tổng công đoàn).

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT

1. Phạm vi thi hành.

Điều 5 của chế độ trách nhiệm vật chất quy định: “công nhân, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác mà gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại cho công quỹ, theo chế độ này; ngoài ra, còn có thể bị thi hành kỷ luật theo điều lệ về kỷ luật lao động”.

Theo tinh thần nói trên, chế độ trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước về những vụ thiệt hại xẩy ra do thiếu tinh thần trách nhiệm như làm bừa, làm ẩu, tắc trách qua loa, đại khái, không làm tròn trách nhiệm được giao,…hoặc vi phạm kỷ luật lao động trong quá trình sản xuất, công tác, nghĩa là vi phạm chế độ, nội quy công tác, quy trình, quy phạm sản xuất; vi phạm một trong năm điều kỷ luật lao động đã quy định trong điều lệ về kỷ luật lao động ban hành kèm theo nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ.

Như vậy là có những vụ thiệt hại tài sản không thuộc phạm vi xử lý của chế độ này, như:

- Những vụ tham ô, biển thủ của công, phá hoại tài sản của Nhà nước, nói chung là các hành vi cố ý gây thiệt hại bằng cách này hay cách khác tài sản của Nhà nước đều thuộc thẩm quyền xét xử của các cơ quan tư pháp. Những vụ “tham ô lặt vặt” mà cơ quan kiểm sát xét chưa đến mức truy tố, giao về cơ quan, xí nghiệp xử lý cũng không áp dụng chế độ này;

- Những vụ gây ra thiệt hại không phải trong trường hợp thi hành nhiệm vụ được giao, không phải trong trường hợp được quyền sử dụng tài sản, cũng không thuộc phạm vi xử lý theo chế độ này vì đó là những việc thuộc về trách nhiệm dân sự, nghĩa là phải đền bù theo sự xét xử của tòa án dân sự;

- Những vụ gây ra thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước do thiếu tinh thần trách nhiệm nếu phải truy tố theo sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956 thì việc bồi thường sẽ do cơ quan tư pháp quyết định, không thi hành theo chế độ này (mức độ như thế nào coi là nghiêm trọng thì trong thực tế khi có sự việc xẩy ra, cần hỏi ý kiến Viện kiểm sát nhân dân đồng cấp và xin ý kiến Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nếu là xí nghiệp, cơ quan của địa phương hoặc xin ý kiến Bộ nếu là xí nghiệp, cơ quan trực thuộc Bộ quản lý);

- Đối với những trường hợp làm ra hàng hỏng, hàng xấu, những công trình xây dựng sai phạm kỹ thuật cũng không thi hành theo chế độ này, mà phải bồi thường theo thông tư số 97-TTg ngày 29-09-1962 của Thủ tướng Chính phủ;

- Những vụ gây ra thiệt hại tài sản do những đối tượng không phải là công nhân, viên chức Nhà nước như những người làm khoán tư nhân hay hợp tác xã nhận làm gia công, chế biến cũng đền bù theo trách nhiệm dân sự.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ