Thông tư 96/1999/TT-BTC hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có giá trị sản lượng hàng hoá lớn, có thu nhập cao do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 96/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 12/08/1999
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 96/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 96/1999/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÓ GIÁ TRỊ SẢN LƯỢNG HÀNG HOÁ LỚN, CÓ THU NHẬP CAO

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ Công văn số 179/UBTVQH10 ngày 17/3/1999 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội về việc thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là chủ các trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp.
Căn cứ vào Khoản 2c - Điều 1 - Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số vấn đề về thuế TNDN đối với hộ gia đình cá nhân sản xuất nông nghiệp có giá trị sản lượng hàng hoá lớn có thu nhập cao như sau:

I. VỀ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ TNDN:

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) bao gồm hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác (trồng hoa cây cảnh, nuôi chim, thú...) có tổng giá trị sản phẩm hàng hoá trên 90 triệu đồng/năm và có thu nhập trên 36 triệu đồng/năm thuộc đối tượng nộp thuế TNDN cho phần thu nhập trên 36 triệu đồng/năm.

Hộ sản xuất nông nghiệp được xác định căn cứ vào hộ được giao đất, hộ nhận khoán, được thuê đất để sản xuất nông nghiệp và các nhóm, tổ tập thể có hoạt động sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức khác.

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng thì không thuộc đối tượng nộp thuế TNDN theo quy định của Thông tư này.

II. VỀ CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT:

Căn cứ tính thuế là thu nhập chịu thuế và thuế suất:

1. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = (doanh thu - chi phí) - 36 triệu đồng.

a. Doanh thu hộ sản xuất nông nghiệp được xác định bằng số lượng sản phẩm hàng hoá nông, lâm nghiệp nhân với giá bán từng loại sản phẩm tại thời điểm tiêu thụ hoặc thời điểm tính giá trị sản lượng và doanh thu từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác của hộ sản xuất nông nghiệp thu được trong năm tính thuế TNDN.

- Số lượng sản phẩm:

+ Sản phẩm trồng trọt: Là số lượng sản phẩm trồng trọt thực tế thu hoạch trong năm hoặc căn cứ vào diện tích đất thực tế canh tác (bao gồm đất được giao, được nhận khoán của nông trường, trạm trại, hợp tác xã, tổ sản xuất, đất nhận do chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đất đi thuê để canh tác) nhân với năng suất từng loại cây trồng (cây hàng năm, cây lâu năm).

+ Sản phẩm chăn nuôi: là số lượng sản phẩm chăn nuôi (gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản tính theo con hoặc đàn hoặc tính theo trọng lượng kg, tấn) thu hoạch trong năm thực tế đã bán ra.

Trường hợp không xác định được số lượng sản phẩm trồng trọt, vật nuôi thực tế thu hoạch, bán ra thì tính theo số liệu thống kê hoặc theo năng suất điều tra trên một đơn vị diện tích cây trồng, số lượng đầu con gia súc, gia cầm chăn nuôi, sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản là năng suất thu hoạch kg, tấn trên diện tích ao hồ.

- Về giá bán sản phẩm: là giá bán thực tế theo từng thời điểm thu hoạch, tiêu thụ; trường hợp không xác định được giá bán thực tế thì tính theo giá bán bình quân của từng loại sản phẩm theo giá thị trường từng thời kỳ (tháng, quý hoặc mùa vụ).

Ví dụ: Hộ ông A ở đồng bằng sông Cửu Long trồng 2ha lúa thu hoạch hai vụ, vụ đông xuân 14 tấn giá bán bình quân 2.000đ/kg, vụ mùa 10 tấn giá bán bình quân 2.200đ/kg; Có 1 ao thả cá 0,4 ha thu 5.000 kg giá bán bình quân 12.000đ/kg. Chăn nuôi gia súc: trong năm bán được 6 con bê thu được 15 triệu đồng. Thu nhập khác 60 triệu đồng:

Xác định giá trị sản phẩm hàng hoá của hộ A:

- Về lúa: 14000 kg x 2000đ/kg = 28 triệu đồng.

10000 kg x 2200đ/kg = 22 triệu đồng.

- Cá 5000 kg x 12000đ/kg = 60 triệu đồng.

- Bò 6 con = 15 triệu đồng.

- Doanh thu từ cây ăn quả và chăn nuôi khác 60 triệu đồng.

Cộng 185 triệu đồng.

b. Về chi phí sản xuất: Chi phí sản xuất được xác định theo chi phí thực tế bao gồm: Chi phí về cây con giống; Chi phí vật tư; phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc phòng dịch bệnh...; Chi phí nhân công gồm: công tự làm và công thuê mướn; Chi phí về máy móc thiết bị gồm: Khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; Chi phí máy móc, thiết bị động lực thuê ngoài; Chi phí về công cụ lao động, vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ cho sản xuất; Thuế và các khoản chi phí thực tế khác liên quan đến sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hoá nông lâm sản, thuỷ sản tiêu thụ trong năm.

- Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có sổ sách kế toán ghi chép đầy đủ theo chế độ kế toán của Nhà nước, chi phí hợp lý, hợp lệ được xác định theo hướng dẫn tại Mục III phần B Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không ghi sổ sách kế toán thì chi phí sản xuất được xác định theo tỷ lệ (%) tương ứng với doanh thu từng loại sản phẩm sản xuất nông nghiệp (theo số liệu điều tra thu nhập của hộ sản xuất nông nghiệp).

[...]