Thông tư 933-TTg năm 1956 về nhiệm vụ báo tin bão do Phủ Thủ Tướng ban hành.

Số hiệu 933-TTg
Ngày ban hành 17/06/1956
Ngày có hiệu lực 02/07/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG PHỦ
*******

Số: 933-TTg

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 1956

 

THÔNG TƯ

Việc báo tin bão hết sức quan trọng, có báo tin nhanh chóng, rõ ràng và dễ hiểu thì nhân dân, bộ đội và cơ quan mới chuẩn bị đối phó được kịp thời, giảm bớt được thiệt hại. Do đó cần huy động mọi phương tiện hiện có thể báo tin bão.

Tin báo bão chuyển bằng điện tín, điện thoại, vô tuyến điện, phải được hưởng chế độ ưu tiên không trì hoãn, nếu chuyển bằng công văn, phải chuyển hỏa tốc.

Ở Trung ương, Nha khí tượng thủy văn phát hành những “bản tin báo bão” mỗi khi có bão trong khu vực bể Đông (trên địa đồ thường ghi là bể Trung hoa).

Thông tư này quy định các loại tin báo bão, cách thức báo tin bão và nhiệm vụ của các cơ quan trong việc báo tin bão.

I – CÁC LOẠI TIN BÁO BÃO

Có 3 loại tin báo bão:

- Tin báo bảo loại 1 dùng cho tàu thủy ở ngoài khơi, viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Anh với những chỉ dẫn có tính chất khoa học theo thông lệ quốc tế.

- Tin báo bão loại 2, dùng cho nhân dân, cơ quan và bộ đội, có tính chất phổ thông.

Tin báo bão loại 1 và loại 2 phát hành khi bão còn xa cũng như khi bão đến gần.

- Tin báo bão loại 3, chỉ phát hành khi bão đến gần, cho các trạm khí tượng và trạm tín hiệu ở các vùng trực tiếp  bị đe dọa, với những chỉ dẫn cần thiết về mặt kéo tín hiệu.

Mỗi loại tin báo bão đều phải ghi vị trí, ngày giờ, hướng đi, tốc độ, sức mạnh của gió, tình hình tiến triển của cơn bão và các vùng bị đe dọa.

II. CÁCH THỨC BÁO TIN BÃO VÀ NHIỆM VỤ CÁC CƠ QUAN

1) Nha Khí tượng thủy văn:

Khi bão còn ở xa, Nha Khí tượng thủy văn sẽ:

- Phối hợp với Cục vận tải thủy và Tổng cục Bưu điện để báo tin cho các tàu biển ở ngoài khơi vào giờ nghe tin của các tàu ấy:

- Báo tin cho Thủ tướng Phủ, Bộ Quốc phòng, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các phi trường, các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh và các Ty Bưu điện miền duyên hải.

Khi bão đến gần, có thể biết vùng nào bị đe dọa, Nha Khí tượng thủy văn sẽ:

- Tiếp tục báo tin cho tàu biển;

- Báo tin cho các cơ quan Trung ương, các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh và các cơ quan quan trọng trong vùng đó (xem bản phụ lục kèm theo chỉ thị này).

2) Các cơ quan Bưu điện:

Tổng cục bưu điện có nhiệm vụ:

- Chuyển ngay các điện báo tin bão của Nha Khí tượng thủy văn gửi đến.

- Kiểm soát xem những điện ấy có được nhận đầy đủ và đúng giờ không.

Trong trường hợp không điện được hoặc điện bị chậm trễ vì một lý do gì, thì phải báo cho Nha Khí tượng thủy văn biết.

Các Ty và Trạm Bưu điện nhận được tin phải  chuyển ngay cho Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố và các cơ quan được nhận tin, và dán một bản tại trụ sở của mình cho nhân dân biết.

3) Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam:

Khi nhận được tin báo bão, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phải cho phát thanh ngay. Nếu cần, phải ngừng việc phát thanh các chương trình khác để đọc tin báo bão. Có thể phát thanh tin báo bão nhiều lần trong một ngày theo yêu cầu của Nha Khí tượng thủy văn.

[...]