Chỉ thị 908-TTg năm 1956 về phòng bão và cứu bão do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 908-TTg
Ngày ban hành 01/06/1956
Ngày có hiệu lực 01/06/1956
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 908-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1956 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÒNG BÃO VÀ CỨU BÃO

Ở nước ta hàng năm từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch thường xảy ra nạn bão. Trong năm vừa qua bão đã gây thiệt hại đến tính mạng nhân dân, làm đổ hàng nghìn nhà cửa, đắm hàng trăm thuyền; những khó khăn về nhiều mặt vẫn còn tồn tại đến nay. Nhân dân ở vùng bị bão đời sống chật vật, mặc dù đã cố gắng khôi phục sản xuất.

Kinh nghiệm của công tác chống bão trong năm vừa qua chứng tỏ rằng ta có thể giảm nhẹ những sự thiệt hại và có thể khôi phục nhanh chóng sản xuất và đời sống bình thường của nhân dân nếu có chuẩn bị trước một cách chu đáo.

Vì vậy cần có kế hoạch phòng bão và cứu bão một cách tích cực và khẩn trương trong năm nay. Cụ thể cần làm mấy việc sau đây:

1. Về tư tưởng: Làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ tác hại của bão và sự cần thiết chuẩn bị phòng bão và cứu bão. Đề phòng tư tưởng chủ quan trong lúc bình thường. Chống tư tưởng bi quan chán nản khi xãy ra nạn bão. Giáo dục cán bộ về tinh thần trách nhiệm, tác phong khẩn trương trong việc báo tin, cứu giúp dân khôi phục sản xuất. Đề phòng địch gây hoang mang.

Các vùng đã bị bão cần kiểm điểm lại công tác phòng bão và cứu bão của mình trong năm 1955 để làm cho cán bộ các ngành có những nhận định đúng đắn và tích cực phòng bão, cứu bão. Trong nhân dân cần tổ chức những cuộc thảo luận về việc phòng bão, cứu bão để rút kinh nghiệm và gây tin tưởng ở sức mình. Phải tổ chức các cuộc thảo luận này một cách rất gọn gàng, thiết thực, để tránh làm mất thì giờ, hại sức lực của nhân dân.

2. Báo tin bão: Việc báo tin bão cần được nhanh chóng và rõ ràng. Trương ương sẽ dùng mọi phương tiện có thể: vô tuyến điện, điện báo, điện thoại, phát thanh, v.v… để báo cho các khu, tỉnh, tin tức và những chỉ dẫn cần thiết mỗi khi có bão. Từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, xóm, nhất là các nơi thường có bão cần có một hệ thống báo tin chặt chẽ với những tín hiệu do tỉnh định (với sự hướng dẫn của Nha Khí tượng).

Chú ý những báo hiệu cần thiết cho thuyền bè đánh cá ngoài khơi.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống để khó đứt đoạn khi cần đến.

3. Những công việc cụ thể khác cần phải làm để phòng bão và cứu bão.

a. Trước khi có bão, các địa phương, nhất là vùng thường bị bão, cần có kế hoạch:

- Củng cố nhà cửa, kho tàng của dân và của Chính phủ. Đặc biệt cần soát lại và có kế hoạch củng cố các kho lương thực, hàng hóa.

- Các vùng ven bể cần có chỗ ẩn núp cho người và thuyền bề đẻ tránh nước dâng cao. Cần củng cố các đê và đề phòng nước biển có thể tràn qua đó.

- Phổ biến kinh nghiệm bảo vệ mùa màng, lúa thóa, cây trái, gia súc cho từng tổ nông hội, từng gia đình.

- Các thành phố cần chặt các cây hay cành có thể bị đổ hoặc gẫy vì bão, chuẩn bị các phương tiện cần thiết để nối lại nhanh chóng các đường dây điện, điện thoại bị đứt, cần có kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự, ngăn ngừa sự phá hoại của địch.

Tất cả công việc trên đây cần hoàn thành trong tháng sau và báo cáo lên Thủ tướng Phủ.

b. Khi bão xảy ra, tuy bão to hay nhỏ, cần tập trung lãnh đạo mạnh mẽ và khẩn trương, huy động những lực lượng có tổ chức (thanh niên, công nhân, bộ đội) để cứu giúp dân giảm bớt thiệt hại và khôi phục sản xuất.

Cứu dân trong lúc bão, đưa những người bị nạn đến chỗ trú ẩn tạm thời, chăm sóc người ốm và bị thương.

- Ổn định tư tưởng cán bộ và nhân dân, chống tuyên truyền của địch gây hoang mang.

- Cứu chữa những kho tàng của Chính phủ. Vớt tài sản của nhân dân bị trôi (thuyền bè, vật dụng, súc vật, v.v…) để trả lại cho dân.

- Thực hiện vệ sinh phòng bệnh.

- Giúp dân sửa chữa, cất lại nhà cửa. Tiếp tế nhanh chóng nguyên vật liệu cất nhà (tre, nứa, lá).

- Đáp lại đê điều bị sạt hoặc vỡ, tháo nước ngập, rửa ruộng đất bị nước mặn trào vào.

- Khôi phục sản xuất nhằm đặc biệt trồng các loại cây bảo về và chăm sóc gia súc (thức ăn, nước uống, khôi phục nhanh chóng nghề đánh cá, ruộng muối, …

- Các thành phố cần khôi phục nhanh chóng điện, nước, điện thoại, giao thông vận tải, sửa chữa nhà cửa đặc biệt nơi bị thiệt hại nặng, khu lao động), tiếp tế lương thực, vật liệu xây dựng.

4. Trong công tác phòng bão và cứu bão cần nắm vững những phương châm sau đây:

- Phòng bão hơn cứu bão.

- Cứu bão như cứu lửa. Lãnh đạo phải tập trung. Hành động phải hết sức khẩn trương. Phải biết sử dụng các lực lượng có tổ chức (công nhân, thanh niên, bộ đội) để giải quyết các vấn đề cấp bách.

- Dựa vào dân là chính để giải quyết các khó khăn do bão gây ra. Vận động nhân dân giúp đỡ nhau giữa vùng bị bão và vùng không bị bão.

5. Tổ chức: trong điều kiện bình thường, Ủy ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm phổ biến chỉ thị này và định kế hoạch thi hành. Riêng ở một số xã và huyện ven bể do tỉnh chỉ định, Ban Chỉ huy chống lụt có nhiệm vụ giúp Ủy ban nghiên cứu kế hoạch cụ thể phòng bão và cứu bão, phổ biến kế hoạch trong nhân dân, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sự thực hiện, rút kinh nghiệm.

Khi xảy ra bão, tất cả các ngành đều có nhiệm vụ tập trung lực lượng để giải quyết những khó khăn xảy ra. Các ngành: thanh niên, bộ đội, cải cách ruộng đất, nông hội, nông lâm, thủy lợi, cứu tế, y tế có nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ trong công tác cứu bão.

Khi có bão, hàng ngày phải báo cáo tin tức bằng điện hoặc cho người về Trung ương để báo cáo.

Căn cứ vào chỉ thị này, các cấp phải có kế hoạch thi hành cho cấp dưới, mỗi ngành phải có kế hoạch cho ngành mình, và phổ biến những kinh nghiệm để phòng bão và cứu bão có kết quả.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 

 
Phạm Văn Đồng