Thông tư 64-TTg năm 1962 quy định thể lệ về việc báo bão do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 64-TTg
Ngày ban hành 11/06/1962
Ngày có hiệu lực 01/07/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******

Số: 64-TTg

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1962

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ VIỆC BÁO BÃO

Việc dự báo bão và báo tin bão hết sức quan trọng. Có dự báo kịp thời chính xác, có báo tin nhanh chóng, đúng đắn thì việc chuẩn bị chống bão mới được kịp thời, giảm bớt được thiệt hại. Do đó cần hết sức chú trọng việc theo dõi bão, dự báo bão và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành huy động mọi phương tiện hiện có để báo tin bão.

Thông tư này thay cho thông tư số 235-TTg ngày 07 tháng 06 năm 1957 quy định chế độ dự báo bão,  cách thức báo tin bão và nhiệm vụ các cơ quan có liên quan.

CHẾ ĐỘ DỰ BÁO BÃO

Nha khí tượng có nhiệm vụ theo dõi thời tiết thường xuyên và phát hiện các cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến thời tiết nước ta.

A. Phân biệt các loại bão

Căn cứ vào sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão để phân biệt:

1. Bão nhẹ: sức gió ở gần trung tâm khá mạnh từ cấp 6 đến cấp 7 (từ 40 đến 60 cây số một giờ) có thể làm đắm thuyền nhỏ, làm tốc mái nhà tranh, v.v…

2. Bão vừa: sức gió ở gần trung tâm, mạnh từ cấp 8 đến cấp 10 (từ 60 đến 100 cây số một giờ) có thể làm đắm thuyền lớn, tốc mái ngói.

3. Bão to: sức gió ở trung tâm rất mạnh từ cấp 11 trở lên (trên 100 cây số một giờ) có sức phá hoại rất lớn.

B. Phân biệt các loại tin bão.

Mỗi khi bão phát sinh ở vùng biển đông hoặc cơn bão đã từ ngoài Thái-bình-dương vượt qua Phi-líp-pin vào biển Đông, Nha khí tượng sẽ phát ra những bản dự báo riêng để cơ quan, bộ đội và nhân dân chuẩn bị đề phòng. Các bản tin dự báo riêng đó gọi là “Tin bão”.

Tùy theo vị trí và tình hình phát triển của cơn bão, các bản tin bão phân biệt thành 7 loại sau:

1. Tin bão xa. Khi có bão ở biển đông mà vùng “gió bão” từ cấp 6 trở lên (trên 40 cây số một giờ) còn cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam từ 1000 cây số trở lên và bão chưa có triệu chứng chắc chắn sẽ tiến vào nước ta, thì phát “Tin bão xa”.

2. Tin bão gần. Khi vùng “gió bão” từ cấp 6 trở lên cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam từ 500 đến 1.000 cây số hoặc khi vùng “gió bão” còn ở cách xa hơn nhưng có triệu chứng sẽ tiến vào nước ta, thì phát “Tin bão gần”.

3. Tin bão khẩn cấp. Khi vùng “gió bão” từ cấp 6 trở lên còn cách xa bờ biển miền Bắc Việt Nam dưới 500 cây số thì phát “Tin bão khẩn cấp” cho khu vực bị đe dọa và bị tiếp tục phát “Tin bão gần” cho các miền lân cận khu vực đang bị đe dọa.

4. Tin bão tan. Phát đi khi bão đang tan ở ngoài biển hay trên đất liền. Trong trường hợp bão chưa tan nhưng cơn bão đã đi ra khỏi biển đông không ảnh hưởng gì đến nước ta nữa thì phải phát “Tin bão đi xa”.

5. Tin bão đính chính. Phát đi khi Nha khí tượng nhận thấy tình hình tiến triển của cơn bãp không đúng với dự đoán trước nữa.

6. Tin bão cho miền Nam. Phát đi khi có bão đe dọa miền Nam không ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc. Trong trường hợp bão đổ bộ vào miền Nam mà có ảnh hưởng đến miền Bắc thì phát “Tin bão gần” cho các khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng.

7. Tin bão để theo dõi. Trong trường hợp đặc biệt bão còn ở ngoài Thái-bình-dương nhưng nếu cơn bão là loại “bão to” và Nha khí tượng nhận thấy có triệu chứng có thể tiến vào biển đông thì phát: “Tin bão để theo dõi”.

Tin này là loại tin mật chỉ dành riêng cho: Phủ Thủ tướng (Văn phòng Phủ Chủ tịch, Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Nông nghiệp) – Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam – Ban Chỉ huy chống bão lụt trung ương - Bộ Quốc phòng (Cục Thông tin liên lạc - Cục Tác chiến - Bộ Tưu lệnh hải quân) - Bộ Giao thông vận tải - Tổng cục Bưu điện truyền thanh - Cục Vận tải thủy, Bộ Thủy lợi - Tổng cục Thủy sản - Bộ Kiến trúc - Tổng cục Vật tư - Ủy ban hành chính khu Hồng - Quảng và cảng Hải Phòng để theo dõi, nhưng không phổ biến ra ngoài.

C. Nội dung bản tin bão. Trong mỗi bản tin bão phải ghi rõ:

- Loại tin bão.

- Giờ, ngày, tháng.

- Vị trí trung tâm của cơn bão ghi bằng kinh độ, vĩ độ (với số lẻ 1/10 độ) và bằng cây số chỉ khoảng cách từ tâm bão đến bờ biển nước ta.

- Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm ghi bằng cấp gió  (có giải thích thêm bằng cây số/giờ) và phạm vi có gió khá mạnh đã lên tới cấp 6.

- Tình hình sóng biển.

[...]