Thông tư 93/2000/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 93/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 15/09/2000
Ngày có hiệu lực 30/09/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 93/2000/TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN KINH PHÍ TRONG CÔNG TÁC CHỐNG HÀNG GIẢ

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả như sau:

I/ QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả bao gồm:

1.1/ Ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.

1.2/ Toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu về và tiền bán hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu của các vụ việc xử lý về hàng giả được ngân sách Nhà nước để lại chi cho hoạt động chống hàng giả.

1.3/ Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ công tác chống hàng giả.

1.4/ Kinh phí hỗ trợ từ nguồn thu chống buôn lậu trên địa bàn (nếu có) theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh).

2/ Các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả được tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo nguyên tắc sau đây:

2.1/ Kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm (nêu tại tiết 1.1 điểm 1 phần I) và Kinh phí hỗ trợ từ nguồn thu chống buôn lậu trên địa bàn theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh (nêu tại tiết 1.4 điểm 1 phần I) được quản lý, sử dụng theo các quy định quản lý tài chính hiện hành.

2.2/ Nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, đóng góp tự nguyện cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chống hàng giả (nêu tại tiết 1.3 điểm 1 phần I) được tiếp nhận, quản lý theo các quy định quản lý tài chính hiện hành và sử dụng cho công tác chống hàng giả của đơn vị, phù hợp với mục tiêu tài trợ, đóng góp đặt ra.

2.3/ Nguồn kinh phí thu từ hoạt động chống hàng giả (nêu tại tiết 1.2 điểm 1 phần I) là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng phục vụ công tác chống hàng giả và được quản lý, sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3/ Các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý chống hàng giả nêu tại Thông tư này bao gồm:

+ Lực lượng quản lý thị trường.

+ Lực lượng Hải quan.

+ Lực lượng bộ đội biên phòng.

+ Lực lượng Công an.

+ Lực lượng thanh tra chuyên ngành (nếu được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý chống hàng giả).

II/ HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ THU TỪ HOẠT ĐỘNG CHỐNG HÀNG GIẢ

1/ Tập trung các khoản thu từ hoạt động chống hàng giả

1.1/ Nguồn kinh phí thu từ hoạt động chống hàng giả bao gồm:

- Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sản xuất hàng giả theo quyết định xử phạt hoặc quyết định xử lý khiếu nại (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Số tiền thu được sau khi xử lý hàng giả, tang vật bị tịch thu cho phép tái lưu thông trên thị trường theo quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

1.2/ Mở tài khoản tạm giữ để tập trung nguồn kinh phí thu từ hoạt động chống hàng giả.

Sở Tài chính - Vật giá tỉnh mở tài khoản tạm giữ (tiểu khoản thu từ hoạt động chống hàng giả) tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; phòng tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (dưới đây gọi chung là huyện) mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện để tập trung các khoản thu từ hoạt động chống hàng giả do các lực lượng chống hàng giả điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý. Tài khoản tạm giữ từ hoạt động chống hàng giả tại Kho bạc Nhà nước không được hưởng lãi.

1.3/ Nộp tiền thu từ hoạt động chống hàng giả vào tài khoản tạm giữ.

Toàn bộ các khoản thu thu được bằng tiền khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống hàng giả và từ bán hàng tịch thu được phép tái lưu thông (sau khi trừ các chi phí phát sinh liên quan đến vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, tổ chức bán hàng) được nộp vào tài khoản tạm giữ nơi phát sinh vụ việc do cơ quan tài chính cấp tỉnh và cấp huyện mở tại Kho bạc Nhà nước theo các nguyên tắc sau:

[...]