Thông tư 88/2003/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 182/2003/QĐ-TTg về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 88/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 16/09/2003
Ngày có hiệu lực 09/10/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Đầu tư,Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 88/2003/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 182/2003/QĐ-TTG NGÀY 5/9/2003 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ ĐỂ ĐẦU TƯ MỘT SỐ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG, THUỶ LỢI QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Thi hành Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 05/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước, sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Từ năm 2003, Bộ Tài chính thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ để huy động vốn đầu tư cho các công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

2. Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở tiến độ thực hiện các công trình và nhu cầu đáo nợ trái phiếu Chính phủ đến hạn.

3. Toàn bộ khoản vay từ phát hành trái phiếu Chính phủ được tập trung vào Kho bạc Nhà nước để sử dụng cho các công trình thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuyệt đối không được sử dụng vào các mục tiêu khác.

4. Trái phiếu Chính phủ được chuyển nhượng, tặng, để lại thừa kế hoặc sử dụng để cầm cố trong các quan hệ tín dụng; trái phiếu bằng đồng Việt Nam được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.

Tuỳ điều kiện thực tế, Nhà nước có thể mua lại trái phiếu trước khi đến hạn thanh toán.

5. Các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu Chính phủ theo nguyên tắc tự nguyện. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia mua trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đơn vị tiền tệ phát hành và thanh toán trái phiếu

Trái phiếu Chính phủ được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Trái phiếu phát hành bằng đồng tiền nào thì được thanh toán gốc, lãi bằng đồng tiền đó. Trường hợp số tiền thanh toán trái phiếu có ngoại tệ lẻ (dưới một đơn vị tiền tệ) thì được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán ra do Ngân hàng Ngoại thương trên địa bàn công bố tại thời điểm gần nhất để chi trả cho khách hàng.

2. Hình thức và mệnh giá trái phiếu

2.1. Đối với đồng Việt Nam:

a) Chứng chỉ không ghi tên, có ghi tên đều in trước mệnh giá. Mệnh giá trái phiếu gồm: 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng, 1.000.000 đồng, 2.000.000 đồng, 5.000.000 đồng, 10.000.000 đồng, 20.000.000 đồng, 50.000.000 đồng, 100.000.000 đồng.

b) Ghi sổ.

2.2. Đối với ngoại tệ:

Hình thức, loại ngoại tệ, mệnh giá trái phiếu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cho từng đợt phát hành.

2.3. Chứng chỉ trái phiếu do Bộ Tài chính quy định mẫu và giao cho Kho bạc Nhà nước TW tổ chức in, quản lý và sử dụng trong toàn hệ thống.

3. Kỳ hạn trái phiếu

Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm, 10 năm. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phát hành các loại trái phiếu ngắn hạn hoặc dài hạn hơn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư của các công trình và phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

4. Lãi suất trái phiếu

Lãi suất trái phiếu Chính phủ được xác định theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo đủ hấp dẫn nhưng không gây xáo trộn mặt bằng lãi suất trên thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định lãi suất trái phiếu trên cơ sở trao đổi với Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất của từng đợt phát hành được xác định phù hợp với từng phương thức phát hành, cụ thể như sau:

4.1. Phát hành theo phương thức bán lẻ và đại lý: Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định lãi suất cho từng đợt phát hành.

4.2. Phát hành theo phương thức bảo lãnh và đấu thầu: Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định lãi suất trần trong từng thời kỳ. Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước điều hành lãi suất của từng đợt phát hành, đảm bảo không vượt quá mức trần cho phép.

Tuỳ theo điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể quyết định phương thức đấu thầu theo lãi suất hoặc theo khối lượng cho phù hợp.

[...]