Thông tư 87 TC/TCĐN năm 1995 về hướng dẫn việc xét quyết định tỷ giá và thanh toán hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ trả nợ nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 87TC/TCĐN
Ngày ban hành 23/11/1995
Ngày có hiệu lực 23/11/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87 TC/TCĐN

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1995

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT QUYẾT ĐỊNH TỶ GIÁ VÀ THANH TOÁN HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU VÀ DỊCH VỤ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ vào Nghị định số 40/CP ngày 3/7/1995 của Chính phủ và Chỉ thị số 4125/KTTH ngày 31/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính xét, quyết định tỷ giá thanh toán đối với các mặt hàng xuất khẩu và dịch vụ trả nợ nước ngoài mà Bộ Tài chính xét thấy chưa đủ điều kiện tổ chức đấu thầu theo Nghị định số 40 CP, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các văn bản nói trên như sau:

I/ NGUYÊN TẮC VÀ QUY TRÌNH XÉT, QUYẾT ĐỊNH TỶ GIÁ THANH TOÁN

1- Phạm vi áp dụng:

Các nguyên tắc và quy trình xét, quyết định tỷ giá quy định tại mục I này được áp dụng cho những mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu, dịch vụ trừ nợ chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế đấu thầu theo Quy chế đấu thầu, mà vẫn thực hiện việc phân bổ hạn mức trả nợ cho các doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại điều 8 Nghị định số 40 CP ngày 3/7/1995 của Chính phủ.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá và dịch vụ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có công văn thông báo cụ thể các mặt hàng chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế đấu thầu nói trên.

2- Nguyên tắc chung:

- Hàng năm, Bộ Tài chính sẽ công bố trước mức tỷ giá khoán cụ thể cho các mặt hàng trả nợ chưa đấu thầu được, nhằm giúp các đơn vị sản xuất và xuất khẩu hàng trả nợ chủ động phấn đấu giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu và là cơ sở để bàn với khách hàng giá cả xuất khẩu theo chỉ đạo chung của Chính phủ.

Đối với các mặt hàng và dịch vụ trả nợ xét thấy chưa có đủ căn cứ để xác định trước mức tỷ giá khoán (chưa xuất trả nợ bao giờ hoặc chưa có mức khoán tỷ giá đối với thị trường khác có điều kiện xuất khẩu và giá cả tương tự...), thì sau khi có chỉ tiêu xuất khẩu trả nợ, Bộ Tài chính sẽ tổ chức xem xét và quyết định các mức tỷ giá theo quy trình cụ thể nêu tại điểm 3.2 dưới đây.

- Tỷ giá khoán được quy định cho mỗi mặt hàng hoặc nhóm mặt hàng xuất trả nợ mỗi nước sẽ áp dụng cho toàn bộ chỉ tiêu xuất khẩu trả nợ mặt hàng đó trong năm kế hoạch, không xét duyệt tỷ giá theo từng chuyến hàng hoặc theo từng hợp đồng ngoại.

- Các mức tỷ giá khoán cho từng mặt hàng, nhóm hàng hoặc dịch vụ cụ thể nói trên không được vượt mức tỷ giá trần (maximum) do Bộ Tài chính công bố hàng năm, căn cứ vào cân đối chung trên cơ sở kế hoạch trả nợ nước ngoài từ Ngân sách Nhà nước đã được Chính phủ duyệt.

Mức tỷ giá trần sẽ được công bố đối với trả nợ đồng rúp chuyển nhượng và trả nợ đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy ra USD.

3. Quy trình xét và công bố tỷ giá

3.1: Đối với các loại mặt hàng, nhóm hàng và loại dịch vụ có thể căn cứ vào mức tỷ giá thanh toán năm trước để khoán, thì Bộ Tài chính sẽ xem xét và công bố ngay mức tỷ giá khoán này sau khi ký Nghị định thư hoặc thoả thuận trả nợ với chủ nợ nước ngoài.

3.2: Đối với các trường hợp không thuộc mục 3.1 nói trên, căn cứ vào chỉ tiêu trả nợ được giao, các doanh nghiệp được chỉ định làm đầu mối cần lập các phương án tính tỷ giá gửi cho Bộ Tài chính để xem xét và công bố mức tỷ giá thanh toán cho mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu hoặc loại dịch vụ trả nợ đó.

- Chậm nhất là 10 ngày kể từ khi nhận đủ phương án và các tài liệu thuyết minh, giải trình chi tiết có liên quan, Bộ Tài chính sẽ tổ chức xem xét và công bố mức tỷ giá khoán. Đối với một số trường hợp đặc biệt cần tham khảo thêm ý kiến của các Bộ ngành có liên quan, hoặc cần thẩm định lại cơ sở tính toán và đề nghị phương án tỷ giá của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Tài chính sẽ thông báo cụ thể kế hoạch xem xét và công bố tỷ giá cho các doanh nghiệp đầu mối có liên quan biết để cùng phối hợp.

- Phương án tính tỷ giá được tính toán dựa trên giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp và tiết kiệm chi cho Ngân sách Nhà nước. Giá đối ngoại (xuất khẩu và dịch vụ) được làm căn cứ vào giá thực hiện trước đây, có tính đến biến động của giá cả trên thị trường quốc tế vào thời điểm xét duyệt tỷ giá, hoặc căn cứ vào các Hợp đồng ngoại đã ký và được Bộ Thương mại thông báo chấp nhận theo từng trường hợp cụ thể.

3.3: Sau khi Bộ Tài chính công bố mức tỷ giá khoán cụ thể cho các mặt hàng và dịch vụ trả nợ, các doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu hoặc làm dịch vụ nếu chấp nhận mức tỷ giá đã công bố sẽ đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để ký đơn đặt hàng (theo mẫu tại Phụ lục đính kèm thông tư này).

3.4: Trong quá trình thực hiện, nếu do tình hình giá cả trong ngoài nước có những đột biến dẫn đến việc thanh toán theo mức tỷ giá đã công bố không còn thích hợp và cần được điều chỉnh lại, thì căn cứ vào đề nghị của doanh nghiệp và của các Bộ hữu quan (cơ quan chủ quản cấp trên, Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính phủ), Bộ Tài chính sẽ xem xét và quyết định việc sửa đổi mức tỷ giá đã công bố.

II/ CÁC QUY ĐỊNH VỀ THANH TOÁN HÀNG XUẤT KHẨU VÀ DỊCH VỤ TRẢ NỢ

Các quy định về thanh toán nêu trong Thông tư này được áp dụng chung trong cả trường hợp thực hiện phương thức đấu thầu và phân bổ hạn mức trả nợ theo Nghị định số 40 CP của Chính phủ.

1. Hồ sơ thanh toán:

Các doanh nghiệp đầu mối sau khi đã xuất hàng và cung ứng dịch vụ cho nước ngoài để trừ nợ cho Nhà nước theo các Đơn đặt hàng đã ký với Bộ Tài chính, khi đến Bộ Tài chính làm thủ tục thanh toán tiền đơn đặt hàng cần xuất trình cho Bộ Tài chính ( Vụ Tài chính đối ngoại) bộ hồ sơ thanh toán nợ theo quy định cụ thể như sau:

1.1: Đối với các doanh nghiệp xuất hàng trả nợ: Bộ hồ sơ gồm có :

- Hoá đơn xuất khẩu (bản chính)

- Vận tải đơn (bản sao)

- Giấy phép xuất khẩu nếu Bộ Thương mại có quy định (bản sao)

[...]