Thông tư 84/2003/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hoá nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 84/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 28/08/2003
Ngày có hiệu lực 20/09/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:84/2003/TT-BTC 

Hà Nội, ngày28 tháng08 năm2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 84/2003/T-BTC NGÀY 28 THÁNG 08 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THUẾ SUẤT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO DANH MỤC HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 và Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13/9/2002 của Chính phủ; Thông tư số 122/2000/T-BTC ngày 29/12/2000 và Thông tư số 82/2002/T-BTC ngày 18/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 và Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13/9/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ  Danh mục Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kê khai và tính nộp thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính hệ thống và ban hành kèm theo Thông tư này Bản Danh mục hàng hoá và mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Bản Danh mục hàng hoá và mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (dưới đây gọi tắt là Bản Danh mục) được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hoá của Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, do đó về nguyên tắc việc phân loại hàng hoá của Danh mục này thực hiện như cách phân loại hàng hoá của Danh mục Biểu thuế thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Bản Danh mục không ghi toàn bộ tên hàng hoá như Danh mục Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành mà ghi tên, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chương hoặc nhóm (4 số) hoặc phân nhóm (mã 6 số, mã 8 số) và/hoặc  mục “Riêng”. Việc áp dụng được thực hiện như sau:

2.1. Trường hợp Danh mục nêu tên và thuế suất cho chương không liệt kê nhóm hoặc phân nhóm của chương thì toàn bộ các nhóm, phân nhóm trong chương được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đã ghi cho chương đó.

Ví dụ: Tại chương 34, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi tương ứng với tên chương tại cột thuế suất của Bản Danh mục là 10%, có nghĩa là toàn bộ các mặt hàng thuộc nhóm 4 số, phân nhóm 6 số và 8 số của chương 34 được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%.

2.2. Trường hợp ngoài nêu tên và thuế suất cho chương còn nêu tên và thuế suất cho mục “Riêng” của chương, thì các mặt hàng thuộc mục “Riêng” được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đã ghi cụ thể tại mục “Riêng”, toàn bộ các mặt hàng khác thuộc nhóm 4 số, phân nhóm 6 số và 8 số còn lại của chương được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi cho chương đó.

Ví dụ: Tại chương 11 “Các sản phẩm xay xát; malt; tinh bột; inulin; gluten lúa mì”, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi tương ứng với tên chương tại cột thuế suất của Bản Danh mục là 10% và mục “Riêng: Từ gạo, ngô, khoai, sắn, bột mì”, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi tương ứng tại cột thuế suất của Bản Danh mục là 5%, có nghĩa là toàn bộ các mặt hàng trong chương thuộc nhóm 4 số, phân nhóm 6 số, mã 8 số (trừ sản phẩm từ gạo, ngô, khoai, sắn, bột mì) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Các mặt hàng thuộc mục “Riêng” bao gồm các sản phẩm từ gạo, ngô, khoai, sắn, bột mì được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

2.3. Trường hợp Bản Danh mục nêu tên nhóm 4 số và mức thuế suất cho các nhóm 4 số thì mức thuế suất thuế giá trị gia tăng của nhóm 4 số được áp dụng cho toàn bộ các mã  6 số và 8 số thuộc nhóm 4 số đó.

Ví dụ: Tại cột thuế suất thuế giá trị gia tăng của nhóm 3707 có ghi tương ứng là 10%, có nghĩa là toàn bộ các mặt hàng thuộc phân nhóm 6 số và 8 số của nhóm 3707 được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%.

2.4. Trường hợp Bản Danh mục nêu tên nhóm 4 số, mức thuế suất cho nhóm 4 số; mục riêng của nhóm và mức thuế suất cho mục riêng thì trừ mặt hàng được ghi cụ thể tên và mức thuế suất cho mục riêng được áp dụng theo đúng mức thuế suất giá trị gia tăng cho mặt hàng đó. Các mặt hàng thuộc mã 6 số và 8 số còn lại khác của nhóm được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng của nhóm đó.

Ví dụ: Nhóm 8524, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi cho nhóm là 5% và mục “Riêng: Thẻ có dải từ thuộc mã số 8524.60.00, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi tương ứng là 10%, có nghĩa là trừ mặt hàng: Thẻ có dải từ thuộc mã số 8524.60.00 áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng  10%, toàn bộ các mặt hàng còn lại khác của nhóm 8524 được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

2.5. Trường hợp ngoài nêu tên nhóm 4 số, Danh mục còn chi tiết và ghi mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cho mã 8 số và mục “Riêng”, thì:

- Mặt hàng được nêu cụ thể tên tại mục "Riêng" được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi cho mặt hàng đó tại mục “Riêng”;

- Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi cho mã 8 số được áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng thuộc mã 8 số đó, trừ các mặt hàng ghi tại mục “Riêng”.

Ví dụ: Tại mã số 8421.23.21 “Bộ lọc dầu” dùng cho xe có động cơ thuộc chương 87 có ghi mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%, đồng thời cuối nhóm 8421 có ghi mục “Riêng: Bộ lọc dầu hoặc xăng dùng cho xe thuộc nhóm 8711” thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%, có nghĩa là trừ Bộ lọc dầu dùng cho xe thuộc nhóm 8711 áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%, tất cả các mặt hàng Bộ lọc dầu khác thuộc mã số 8421.23.21 được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

2.6. Một số trường hợp do tiêu thức phân biệt giữa Danh mục Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi và nhóm hàng chịu thuế giá trị gia tăng không đồng nhất hoặc là chưa xác định được cụ thể chính xác mặt hàng này có phải là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không, thì trong Danh mục này tạm thời ghi mức thuế giá trị gia tăng ấn định tại cột thuế suất thuế giá trị gia tăng. Nếu đơn vị xuất trình được giấy tờ chứng minh mức thuế suất được áp dụng hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại mục I, phần A và điểm 2 mục I phần B của Thông tư số 122/2000/T-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính thì được áp dụng thuế giá trị gia tăng theo quy định này.

Ví dụ 1: Các mặt hàng thuộc nhóm 2206 được ghi chung một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Nếu mặt hàng nhập khẩu trong nhóm 2206 được xác định là rượu thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng mà thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ví dụ 2: Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đã ghi tương ứng với tên nhóm 8524 “Đĩa hát, băng và các loại đĩa, băng khác đã ghi âm thanh hoặc ghi các hiện tượng tương tự khác...” là 5%, mục “Riêng: Thẻ có dải từ thuộc mã số 8524.60.00” là 10%, có nghĩa là toàn bộ băng đĩa đã ghi chương trình được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu băng đĩa đã ghi chương trình thuộc loại phim tài liệu, phóng sự, khoa học... và có đủ điều kiện theo qui định tại Điểm 10, Mục I, Phần A Thông tư số 122/2000/T-BTC của Bộ Tài chính nêu trên thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 3: Nhóm 9020 “Thiết bị thở và mặt nạ phòng khí khác...”, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đã ghi tương ứng tại cột thuế suất của Bản Danh mục là 10%, có nghĩa là toàn bộ các mặt hàng thuộc nhóm này được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Trường hợp các thiết bị thuộc nhóm 9020 được xác định là thiết bị chuyên dùng cho y tế theo qui định tại Điểm 2.19, Mục I, Phần B Thông tư số 122/2000/T-BTC của Bộ Tài chính nêu trên thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 5%.

2.7. Các mặt hàng là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc các mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng được ký hiệu bằng dấu (*) trong Bản Danh mục này tại cột thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 1: Giấy bạc (tiền giấy) nhập khẩu (thuộc nhóm 4907, mã số 4907.00.20) không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 2: Bia nhập khẩu thuộc nhóm 2203 là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 3: Mặt hàng máy điều hoà không khí loại sử dụng cho con người, lắp trong xe có động cơ (mã số 8415.20.00) có ghi dấu (*) bên cạnh mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, được hiểu là:

+ Nếu mặt hàng có công suất trên 90.000 BTU/h, thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

+ Nếu mặt hàng có công suất từ 90.000 BTU/h trở xuống, thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

3. Trường hợp nhập khẩu các mặt hàng: lốp, máy vi tính dưới hình thức lốp đi liền với săm, yếm; máy vi tính đi liền với bộ phận lưu giữ điện thì lốp, máy vi tính cùng bộ lưu giữ điện đi liền được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng tương ứng ghi tại cột thuế suất. Nếu đơn vị nhập khẩu riêng lẻ từng bộ phận (săm, yếm, bộ phận lưu giữ điện) thì các bộ phận này phải nộp thuế theo mức thuế suất quy định đối với từng mặt hàng.

[...]