Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 82-TB/TT năm 1958 thi hành Nghị định 124-TTg về thể lệ trợ cấp ra trại cho thương binh dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh quân nhân phục viên, quân nhân giải ngũ do Bộ Thương Binh ban hành

Số hiệu 82-TB/TT
Ngày ban hành 14/03/1958
Ngày có hiệu lực 29/03/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh
Người ký Vũ Đình Tụng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ THƯƠNG BINH
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82-TB/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 124-TTG NGÀY 25-02-1958 VỀ THỂ LỆ TRỢ CẤP RA TRẠI CHO THƯƠNG BINH DÂN QUÂN, DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯONG TẬT, BỆNH BINH QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN, QUÂN NHÂN GIẢI NGŨ

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH

Kính gửi: Ủy ban Hành chính các liên Khu, khu, thành phố, tỉnh

Để thi hành Nghị định số 124-TTg ngày 25-02-1958 của Thủ tướng Chính phủ về thể lệ trợ cấp ra trại, Bộ giải thích và ấn định những chi tiết thi hành như sau:

1) Về khoản trợ cấp về địa phương:

Điều 2 Nghị định nói trên quy định: “Thương binh ở trại về địa phương sản xuất hay an dưỡng được hưởng một khoản trợ cấp bằng 6 tháng sinh hoạt phí lĩnh trong thời gian ở trại.

Sinh hoạt phí gồm có tiền ăn, tiền tiêu vặt và tiền may mặc. Tiền may mặc ấn định là 6.000 đồng 1 tháng”.

Như vậy là tiền trợ cấp đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

A. – Thương binh ở trại huấn luyện:

- Chiến sĩ: (20.000 + 4.000 + 6.000đ) x 6 = 180.000 đồng

- Tiểu đội: (20.000 + 5.000 + 6.000đ) x 6 = 186.000 -

- Trung đội: (20.000 + 6.000 + 6.000đ) x 6 = 192.000 -

- Đại đội: (20.000 + 7.500 + 6.000đ) x 6 = 201.000 -

- Cán bộ Trung cấp: (26.000 + 9.000 + 6.000đ) x 6 = 246.000 -

B. – Thương binh ở trại an dưỡng:

- Chiến sĩ: (24.000 + 4.000 + 6.000đ) x 6 = 204.000 đồng

- Tiểu đội: (24.000 + 5.000 + 6.000đ) x 6 = 210.000 -

- Trung đội: (24.000 + 6.000 + 6.000đ) x 6 = 216.000 -

- Đại đội: (24.000 + 7.500 + 6.000đ) x 6 = 225.000 -

- Cán bộ Trung cấp: (30.000 + 9.000 + 6.000đ) x 6 = 270.000 -

Không có xuất trợ cấp riêng cho Thương binh ở trại Điều dưỡng, vì trong khi anh em còn đang điều dưỡng thì không giải quyết ra trại, khi anh em đã bình phục rồi, thì chuyển về trại Huấn luyện hay An dưỡng tùy trường hợp, rồi sẽ giải quyết ra trại sau.

Khoản trợ cấp trên đây chỉ thi hành đối với những thương binh ở quân đội chuyển về hay từ miền Nam tập kết ra, chưa về địa phương lần nào, và đối với những thương binh tuy đã về địa phương rồi, nhưng vì đời sống rất khó khăn được nhận trở lại trại, nay xin về địa phương xây dựng cơ sở mới.

Còn đối với những thương binh đã về địa phương rồi, nhưng vì vừa qua đã nhận về trại không đúng, nay anh em trở về cơ sở cũ làm ăn (cả thương binh miền Nam và miền Bắc), thì không cấp phát khoản trợ cấp nói trên, vì anh em chưa thoát ly lâu, căn bản cơ sở chưa có gì thay đổi lớn. Tuy nhiên, để giúp đỡ anh em một phần trong công việc sản xuất, các Ty Thương binh có thể trợ cấp cho anh em khi ra trại một số tiền bằng từ 01 đến 03 tháng sinh hoạt phí, tùy theo hoàn cảnh cụ thể từng anh em. Trước đây Bộ có quy định thương binh miền Nam trở về cơ sở cũ có thể được trợ cấp từ 01 đến 06 tháng, mỗi tháng 60 cân thóc, nay bãi bỏ quy định này.

2) Về khoản trợ cấp cho vợ con của thương binh.

Điều 3 Nghị định nói trên quy định: “Thương binh có con cùng ở trại và được hưởng phụ cấp con, nếu về địa phương thì được hưởng thêm 06 tháng phụ cấp con”. Phụ cấp con của thương binh cùng ở trại với thương binh là 8.000 đồng 01 tháng, vậy 06 tháng phụ cấp con là 48.000 đồng.

Nếu thương binh chức vụ ở quân đội ta là cán bộ Đại đội trở lên, có con và được hưởng phụ cấp con (4.800 đồng 1 tháng) thì tuy con không ở trại, khi về địa phương cũng được lĩnh 06 tháng phụ cấp con là 28.800 đồng.

Đối với vợ (là người miền Nam) của thương binh miền Nam, ở trại cùng đi sản xuất với chồng, thì thi hành theo như quy định trong Thông tư số 1000-TTg ngày 09-08-1956 của Thủ tướng Chính phủ đối với cán bộ và đồng bào miền Nam được hướng dẫn về sản xuất ở nông thôn, cụ thể là được trợ cấp trong thời gian từ 03 đến 06 tháng, mỗi tháng 20.000 đồng.

[...]