Thông tư 791B-TT/LS-TVPL-1995 hướng dẫn Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức Luật sư nước ngoài ở Việt Nam do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 791B-TT/LS-TVPL
Ngày ban hành 08/09/1995
Ngày có hiệu lực 08/09/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 791B-TT/LS-TVPL

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 791B-TT/LS-TVPL NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUY CHẾ HÀNH NGHỀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

Căn cứ Điều 2 của Nghị định số 42/CP ngày 8 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ ban hành quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quy chế).
Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành hữu quan.
Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Quy chế như sau:

1. Về đối tượng được xét cấp Giấy phép đặt Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài (sau đây gọi tắt là Chi nhánh).

1.1. Đối tượng được xét cấp giấy phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam là các tổ chức luật sư nước ngoài có đơn xin phép đặt chi nhánh gửi Bộ Tư pháp theo quy định của Quy chế.

1.2. Tổ chức luật sư nước ngoài quy định tại Quy chế là tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của nước ngoài được thành lập và đang hoạt động phù hợp với pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính của tổ chức đó.

2. Về điều kiện cấp Giấy phép đặt Chi nhánh.

2.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn được cấp giấy phép đặt chi nhánh tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của Quy chế.

2.2. Khách hàng nước ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam quy định tại điểm 1 Điều 6 của Quy chế bao gồm:

a. Cá nhân, tổ chức nước ngoài đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

b. Cá nhân tổ chức nước ngoài đang xúc tiến dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

3. Về thủ tục cấp Giấy phép đặt Chi nhánh.

3.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn đặt Chi nhánh tại Việt Nam phải gửi Bộ Tư pháp hai bộ hồ sơ, mỗi bộ hồ sơ gồm có:

a. Đơn xin phép đặt Chi nhánh do người đứng đầu của tổ chức luật sư nước ngoài ký tên (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b. Các giấy tờ kèm theo quy định tại Điều 11 của Quy chế.

3.2. Trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài muốn đặt hai chi nhánh, thì phải làm thủ tục xin phép riêng đối với mỗi Chi nhánh.

3.3. Tên của Chi nhánh phải bao gồm tên của tổ chức luật sư nước ngoài và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh. Trong trường hợp hai Chi nhánh được đặt tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi của Chi nhánh phải kèm theo số I hoặc II.

3.4. Vụ quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, Bộ Tư pháp ký nhận hồ sơ xin đặt Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài.

3.5. Khi nộp hồ sơ xin phép đặt Chi nhánh, tổ chức luật sư nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

4. Về đăng ký hành nghề

4.1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép, Chi nhánh phải đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt trụ sở.

Mỗi Chi nhánh chỉ được có một trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh.

4.2. Hồ sơ đăng ký hành nghề bao gồm các giấy tờ sau đây:

a. Giấy xin đăng ký hành nghề theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

b. Bản sao Giấy phép đặt Chi nhánh;

c. Bản sao hợp đồng và các giấy tờ khác có liên quan đến việc thuê nhà để đặt trụ sở của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d. Bản sao hợp đồng và các giấy tờ khác liên quan đến việc thuê nhân viên phục vụ là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các bản sao nói tại điểm này phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước Việt Nam.

[...]