Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 79/2002/TT-BTC hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 79/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 12/09/2002
Ngày có hiệu lực 04/07/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 79/2002/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 09 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN (THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/2002/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 06 NĂM 2002)

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp và thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp của những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá theo quy định của Nghị định số 64 /2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 06 năm 2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần (sau đây viết tắt là Nghị định số 64/2002/NĐ-CP).

2. Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

2.1 Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo tài sản: Là phương pháp xác định giá trị của 1 doanh nghiệp dựa trên cơ sở giá trị thực tế của toàn bộ tài sản hữu hình, vô hình của doanh nghiệp tại thời điểm định giá.

2.2 Phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF): Là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai, không phụ thuộc vào giá trị tài sản của doanh nghiệp .

2.3 Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp:

- Đối với trường hợp áp dụng phương pháp định giá theo tài sản: Là thời điểm kết thúc quý trước ngày doanh nghiệp có quyết định thực hiện cổ phần hoá của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với trường hợp áp dụng phương pháp định giá theo dòng tiền chiết khấu là thời điểm kết thúc năm tài chính trước ngày doanh nghiệp có quyết định thực hiện cổ phần hoá của cơ quan có thẩm quyền.

2.4 Giá trị doanh nghiệp theo sổ kế toán: là tổng giá trị tài sản thể hiện trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp theo chế độ kế toán hiện hành.

2.5 Giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo sổ kế toán: là phần còn lại sau khi lấy giá trị doanh nghiệp theo sổ kế toán trừ (-) đi các khoản nợ phải trả, số dư Quỹ phúc lợi, khen thưởng và số dư nguồn kinh phí sự nghiệp (nếu có).

2.6 Cơ quan quyết định cổ phần hoá và quyết định giá trị doanh nghiệp là:

a. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý (bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Nhà nước).

b. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý (bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Nhà nước).

3. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm áp dụng để xác định giá trị doanh nghiệp được căn cứ vào thông báo hàng tháng của Bộ Tài chính trên Thời báo Tài chính hoặc Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định việc thành lập Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp hoặc lựa chọn tổ chức có chức năng định giá để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.

5. Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo các phương pháp nói trên sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ có hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày ký và là cơ sở để doanh nghiệp hoàn thiện phương án cổ phần hoá, tổ chức bán cổ phần và thực hiện các bước chuyển đổi doanh nghiệp.

Trường hợp sau 12 tháng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thì phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp theo mặt bằng giá mới.

Phần thứ hai

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP THEO GIÁ TRỊ TÀI SẢN

1. Đối tượng áp dụng: Là các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ những doanh nghiệp được định giá theo phương pháp DCF như quy định tại mục II, Phần thứ hai của Thông tư này.

2. Giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại và đánh giá xác định giá trị thực tế của toàn bộ tài sản để cổ phần hoá của doanh nghiệp theo giá thị trường tại thời điểm định giá.

2.1 Đối với tài sản là hiện vật:

a. Chỉ đánh giá lại những tài sản của doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng sau khi chuyển thành công ty cổ phần. Không đánh giá lại những tài sản doanh nghiệp không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý được loại trừ không tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hoá như quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 64/2002/NĐ-CP.

b. Giá trị thực tế của tài sản được xác định trên cơ sở giá thị trường và chất lượng của tài sản tại thời điểm định giá.

[...]