Thông tư 78-TC/TCT năm 1987 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ tài chính của đơn vị kinh tế cơ sở theo Quyết định 217/HĐBT do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 78-TC/TCT
Ngày ban hành 31/12/1987
Ngày có hiệu lực 01/01/1988
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78-TC/TCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1987

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CƠ SỞ THEO QĐ 217/HĐBT NGÀY 14/11/1987 CỦA HĐBT

Thi hành Quyết định số 217/HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với xí nghiệp quốc doanh, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở như sau (từ Điều 16 đến Điều 26 trong Quyết định trên);

1/ Về việc sử dụng linh hoạt các nguồn lực của xí nghiệp (Điều 16):

Xí nghiệp được sử dụng linh hoạt các nguồn vốn và qũy của mình (bao gồm vốn lưu động, vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, vốn khấu hao sửa chữa lớn và các quỹ xí nghiệp) để phục vụ kịp thời các yêu cầu sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc có hoàn lại; Nghĩa là khi nguồn vốn quỹ thiếu, xí nghiệp có thể tạm thời sử dụng nguồn vốn khác để bù đắp, sau đó phải hoàn trả lại.

2/ Chế độ cấp vốn ban đầu một lần (Điều 18):

Nguồn vốn lưu động của xí nghiệp bao gồm:

- Vốn lưu động định mức của xí nghiệp được Nhà nước cấp một lần khi xí nghiệp mới bước vào hoạt động.

Nếu xí nghiệp được đưa vào hoạt động từng bộ phận theo luận chứng kinh tế kỹ thuật thì vốn lưu động định mức của xí nghiệp được xác định và cấp phát theo từng đợt tương ứng với công suất thực tế huy động.

- Vốn xí nghiệp tự bổ sung hàng năm từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất trích từ lợi nhuận để lại cho xí nghiệp.

- Vốn vay Ngân hàng, kể cả vay bằng ngoại tệ.

- Các khoản nợ định mức và nguồn vốn khác (như đã nói ở mục 6 dưới đây về chế độ tạo vốn tự có của xí nghiệp).

Khi mới bước vào sản xuất, xí nghiệp phải xây dựng định mức vốn lưu động, trình cơ quan chủ quản cùng với cơ quan tài chính và Ngân hàng cùng cấp xét duyệt. Kể từ 1/1/1988, đối với các xí nghiệp mới đi vào hoạt động, Ngân sách Nhà nước cấp đủ vốn lưu động định mức 1 lần theo công suất thực tế huy động.

Đối với các xí nghiệp đang hoạt động, sau khi xác định lại định mức vốn lưu động theo mặt bằng giá mới, phần vốn lưu động định mức thiếu được bổ sung bằng các nguồn sau đây:

a. Chênh lệch giá vật tư hàng hoá kiểm kê tồn kho theo Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 46 TT/LBTC-NH ngày 30/9/1987.

b. Xí nghiệp tự bổ sung bằng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất trích từ lợi nhuận để lại xí nghiệp theo chế độ hiện hành.

c. Huy động vật tư ứ đọng ra sử dụng.

d. Cơ quan chủ quản cấp trên điều hoà từ nơi thừa đến nơi thiếu (nếu có) trong nội bộ ngành sau khi thống nhất với cơ quan tài chính và Ngân hàng cùng cấp.

e. Sau khi bổ sung từ các nguồn nói trên, nếu vốn lưu động định mức được các cơ quan có thẩm quyền nói trên duyệt phần Ngân sách cấp theo quy định tại Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 46 TTLB - NHNN ngày 6/12/1986 vẫn còn thiếu thì xin Nhà nước cấp bổ sung để đảm bảo vốn cho xí nghiệp hoạt động bình thường.

Phần cho vay trong định mức vốn lưu động theo phần như quy định theo các chế độ trước đây và quy định tại Thông tư nói trên, nay sẽ do Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn và xí nghiệp thực hiện theo hướng dẫn đó của Ngân hàng.

3/ Phương thức nhượng bán TSCĐ (Điều 19 và mục 2, Điều 2 Quyết định 217):

Những TSCĐ được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nếu không cần dùng thì xí nghiệp báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để điều động cho các xí nghiệp khác theo nguyên tắc nhượng bán TSCĐ trong ngành sử dụng hoặc cho phép bán (hoặc cho thuê) cho các đơn vị kinh tế quốc doanh khác ngoài ngành theo giá cả được hai bên mua bán chấp thuận, trên cơ sở giá trị còn lại của TSCĐ ở thời điểm bán. Những TSCĐ này nếu nhượng bán ra ngoài khu vực kinh tế quốc doanh thì phải có ý kiến thoả thuận của cơ quan tài chính cùng cấp. Sau 30 ngày kể từ khi gửi báo cáo nếu các cơ quan cấp trên không có ý kiến, xí nghiệp được bán tài sản đó theo phương án đã trình.

Đối với TSCĐ được mua sắm bằng nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB hoặc quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp, bằng vốn vay Ngân hàng hoặc bằng các nguồn vốn huy động khác, nếu không cần dùng xí nghiệp được quyền bán cho các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế, ưu tiên bán cho quốc doanh và tập thể theo giá cả thoả thuận ở thời điểm bán và theo phân cấp, chất lượng còn lại của TSCĐ. Tiền thu về nhượng bán (hoặc cho thuê) TSCĐ đầu tư từ mọi nguồn vốn, kể cả nguồn vốn vay Ngân hàng sau khi đã trả đủ vốn và lãi vay đều được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp để bổ sung vốn tự có về đầu tư XDCB nhằm duy trì và đổi mới TSCĐ.

Các xí nghiệp phải báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện kiểm soát việc mua bán TSCĐ, bảo đảm nguyên tắc: mua và bán TSCĐ của các đơn vị sản xuất là xuất phát từ yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh , cấm mua đi bán lại để hưởng chênh lệch giá.

Xí nghiệp được tự thanh lý TSCĐ đã hết thời hạn khấu hao bất kể là từ nguồn nào. Tiền thu về thanh lý TSCĐ được bổ sung vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.

4/ Chế độ khấu hao và sử dụng vốn khấu hao TSCĐ (Điều 20 và Điều 21):

a. Nguyên giá TSCĐ hiện có, giá trị hao mòn thực tế và giá trị còn lại (vốn cố định) của TSCĐ đang sử dụng được xác định trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.

Những TSCĐ mới được mua sắm thì hạch toán nguyên giá theo giá thực tế mua cộng chi phí lắp đặt, vận chuyển, bảo quản (nếu có).

[...]