Thông tư 22-TC/CN năm 1987 quy định chế độ chi ngoài giá thành và xử lý một số khoản liên quan đến giá thành của các xí nghiệp quốc doanh do Bộ tài chính

Số hiệu 22-TC/CN
Ngày ban hành 19/03/1987
Ngày có hiệu lực 01/01/1987
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TC/CN

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1987

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22-TC/CN NGÀY 19-3-1987 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI NGOÀI GIÁ THÀNH VÀ XỬ LÝ MỘT SỐ KHOẢN LIÊN QUAN ĐẾN GIÁ THÀNH CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Thực hiện Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng quy định tạm thời quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở, Bộ tài chính hướng dẫn chế độ chi ngoài giá thành và phí lưu thông (dưới đây gọi chung là giá thành), và xử lý một số khoản liên quan đến giá thành của các xí nghiệp quốc doanh, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế (dưới đây gọi tắt là xí nghiệp) như sau:

1. Chi đào tạo:

a) Đối với các xí nghiệp xây dựng mới, xây dựng mở rộng, hiện đại hoá bằng cách trang bị thiết bị mới, thì toàn bộ khoản chi đào tạo công nhân sản xuất, cán bộ quản lý, nghiệp vụ v.v... đi theo công trình được chi bằng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Đối với các xí nghiệp đang sản xuất, chi phí cho các trường lớp bên cạnh Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, xí nghiệp để đào tạo công nhân mới, kèm cặp, bồi dưỡng tay nghề, nâng cao cấp bậc kỹ thuật, trình độ nghề nghiệp, hoặc bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công nhân viên dưới hình thức vừa học vừa làm... theo kế hoạch được duyệt, đều phải hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Riêng đối với các trường trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty không hạch toán kinh tế tập trung, thì chi phí đào tạo được huy động từ các xí nghiệp trực thuộc, trích nộp bằng nguồn tính vào giá thành sản phẩm theo nhu cầu bổ sung chỉ tiêu lao động của các xí nghiệp đó, hoặc theo tỷ lệ phần trăm quỹ lương năm của cán bộ, công nhân viên từng xí nghiệp trực thuộc. Mức huy động cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp đó quyết định.

Ngoài ra, tuỳ theo yêu cầu về lao động và khả năng nguồn vốn, xí nghiệp có thể sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để mở lớp bên cạnh xí nghiệp đào tạo mới, hoặc kèm cặp công nhân ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.

c) Ngân sách chỉ cấp phát kinh phí cho các trường đào tạo chính quy trực thuộc Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo.

Trường hợp một số Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, đơn vị kinh tế cơ sở ở xa các trung tâm văn hoá xã hội, cần mở các trường đào tạo và được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, nhưng chưa có khả năng tự bảo đảm được kinh phí bằng nguồn trích vào giá thành (có nghĩa là giá thành cao hơn giá bán), thì ngân sách sẽ cấp phát kinh phí bằng nguồn vốn sự nghiệp đào tạo.

Mức chi cho các trường, lớp đào tạo bên cạnh xí nghiệp, hoặc trực thuộc Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu đều phải theo các định mức chi do liên Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp) quyết định.

2. Chi y tế:

Các khoản chi phí cho bệnh xá, trạm xá của xí nghiệp bao gồm tiền lương của cán bộ, công nhân viên y tế, tiền thuốc chữa bệnh thông thường của cán bộ, công nhân viên xí nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Các bệnh viện, viện điều dưỡng, phòng khám đa khoa do Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, xí nghiệp quản lý, thì mọi nhu cầu chi tiêu thường xuyên bao gồm chi cho bộ máy, nghiệp vụ chữa bệnh, quản lý hành chính, v.v... được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Riêng đối với các bệnh viện, viện điều dưỡng trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty không hạch toán kinh tế tập trung thì chi phí cho các bệnh viện, viện điều dướng đó được huy động từ các xí nghiệp trực thuộc trích nộp bằng nguồn tính vào giá thành sản phẩm theo tỷ lệ phần trăm quỹ lương năm của cán bộ, công nhân viên từng xí nghiệp trực thuộc. Mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp quyết định.

Đơn vị, xí nghiệp được dùng quỹ phúc lợi để hỗ trợ thêm các khoản chi không thường xuyên của các cơ sở y tế do đơn vị quản lý như mua sắm thêm những dụng cụ, thiết bị y tế, sửa chữa phương tiện, dụng cụ y tế... và bổ sung thêm một phần tiền ăn, bồi dưỡng cho bệnh nhân nằm điều trị, điều dưỡng tại các cơ sở đó.

Chi phí cho cán bộ, công nhân viên đi nghỉ mát tại các nhà nghỉ của Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, xí nghiệp thì chi từ quỹ phúc lợi của đơn vị.

Ngân sách chỉ cấp kinh phí cho các bệnh viện, viện điều dưỡng trực thuộc Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu, quận, huyện.. . được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch giường điều trị, điều dưỡng. Trường hợp một số Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, xí nghiệp ở xa các trung tâm văn hoá xã hội, xa trục đường giao thông có tổ chức các bệnh viện, viện điều dưỡng và được Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch giường điều trị, điều dưỡng hàng năm mà đơn vị chưa tự bảo đảm được kinh phí bằng nguồn trích vào giá thành hoặc phí lưu thông (có nghĩa là giá thành sản phẩm cao hơn giá bán), thì ngân sách sẽ cấp bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế.

Mức chi cho các giường của bệnh viện, viện điều dưỡng, giường lưu của phòng khám đa khoa bất kể là từ nguồn vốn nào, đều phải theo các định mức quy định chung trong các thông tư hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính.

3. Chi phí cho luyện tập quân sự:

Công nhân viên chức nghỉ làm việc để luyện tập quân sự theo định kỳ hàng năm vẫn được hưởng lương, tiền lương này xí nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Chi phí bồi dưỡng thêm (nếu có) xí nghiệp chi bằng quỹ phúc lợi.

Chi phí cho quân nhân dự bị là cán bộ, công nhân viên khi tập trung huấn luyện, hoặc kiểm tra sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng như chi phí quân trang, chi về ăn, ở và các chi phí khác v.v... kể từ ngày đơn vị huấn luyện nhận quân dự bị, thì do kinh phí huấn luyện thuộc ngân sách quốc phòng đài thọ. Tiền lương và các khoản phụ cấp thường xuyên theo lương, tiền tàu xe, phụ cấp đi đường (kể cả lượt đi và về)..., cho quân nhân dự bị là cán bộ công nhân viên của xí nghiệp, thì hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Trường hợp đặc biệt cần huy động lực lượng tự vệ của xí nghiệp, do yêu cầu chiến tranh thì kinh phí chi tiêu được xử lý theo quy định riêng của liên Bộ Quốc phòng - Tài chính.

4. Chi phí phục vụ nhà ăn tập thể:

Chi phí phục vụ nhà ăn tập thể, nhà ăn bồi dưỡng ca 3, độc hại, ăn giữa ca bao gồm các khoản lương, phụ cấp lương của cán bộ, công nhân viên phục vụ và quản lý nhà ăn, chi phí về điện nước được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Xí nghiệp được thu của cán bộ, công nhân viên ăn hàng ngày ở các nhà ăn tập thể khoản tiền bằng 5% mức ăn (không kể mức ăn ca 3, độc hại, giữa ca), để giảm bớt khoản chi phí phục vụ nhà ăn tính trong giá thành sản phẩm.

Các xí nghiệp được dùng quỹ phúc lợi để chi cho nhu cầu mua sắm các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho nhà ăn.

5. Chi về chuyên gia:

[...]