BỘ TÀI
CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
74/2012/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày 14 tháng 5 năm 2012
|
THÔNG
TƯ
HƯỚNG
DẪN XÁC ĐỊNH NHU CẦU, NGUỒN VÀ PHƯƠNG THỨC CHI THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG
TỐI THIỂU CHUNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 31/2012/NĐ-CP NGÀY 12/4/2012 CỦA CHÍNH PHỦ,
CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CÔNG VỤ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 34/2012/NĐ-CP NGÀY 15/4/2012 CỦA CHÍNH
PHỦ, ĐIỀU CHỈNH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ ĐÃ NGHỈ VIỆC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ
35/2012/NĐ-CP NGÀY 18/4/2012 CỦA CHÍNH PHỦ.
Căn cứ Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định
mức lương tối thiểu chung (sau đây viết tắt là Nghị định số 31/2012/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về
chế độ phụ cấp công vụ (sau đây viết tắt là Nghị định số 34/2012/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 35/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ điều
chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ
xã đã nghỉ việc (sau đây viết tắt là Nghị định số 35/2012/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ
trưởng Vụ Ngân sách nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức
chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, chế độ phụ cấp công vụ và điều
chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc năm 2012 theo các Nghị định nêu
trên như sau:
Điều 1.
Quy định chung
1. Thông tư này quy
định về việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện:
a) Điều chỉnh mức
lương tối thiểu chung theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP
đối với cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ
trang; cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội -
nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi Chính
phủ, các dự án, các cơ quan tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam có cán bộ, công
chức, viên chức được Nhà nước cử đến làm việc thuộc biên chế nhà nước và hưởng
lương từ ngân sách nhà nước theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp cho những
người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định tại
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009
của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ,
công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở
cấp xã;
b) Thực hiện chế độ
phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân
hàm từ ngân sách nhà nước theo qui định của Nghị định số 34/2012/NĐ-CP;
c) Điều chỉnh trợ cấp
cho cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP
ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng
(sau đây viết tắt là trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc) theo quy định tại Nghị
định số 35/2012/NĐ-CP.
2. Căn cứ quy định
tại các Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây viết tắt là các Bộ, cơ
quan Trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ
chức, hướng dẫn, tổng hợp nhu cầu kinh phí và nguồn kinh phí để thực hiện điều
chỉnh mức lương tối thiểu chung, thực hiện chế độ phụ cấp công vụ của các cơ
quan, đơn vị và các cấp trực thuộc, điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ
việc, điều chỉnh mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã, thôn, tổ dân phố, gửi Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này.
3. Các Bộ, cơ quan Trung
ương, Uỷ ban nhân dân các cấp, đơn vị dự toán các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách
có trách nhiệm xác định, bố trí nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu
chung và nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước (nếu có) để thực hiện chi trả tiền
lương mới, phụ cấp công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình,
trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc, phụ cấp của những người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đúng chế độ quy định và theo các quy
định tại Thông tư này.
Điều 2.
Xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo Nghị
định số 31/2012/NĐ-CP, thực hiện chế độ phụ cấp công vụ theo Nghị định số
34/2012/NĐ-CP , điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số
35/2012/NĐ-CP
1. Tổng số cán bộ,
công chức, viên chức, cán bộ xã đã nghỉ việc để xác định nhu cầu kinh phí thực
hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP là số thực có mặt tại thời điểm
báo cáo (số có mặt tại thời điểm 01/5/2012) và không vượt quá tổng số biên chế
được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2012.
Đối với số người làm
việc theo chế độ hợp đồng, chỉ tổng hợp số người làm việc theo chế độ hợp đồng
không thời hạn trong cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Nghị định số
68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ
về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà
nước, đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2000/NĐ-CP); số người làm việc theo chế độ
hợp đồng không thời hạn trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng
theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP
(không bao gồm người lao động hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp) để xác định nhu
cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP,
số 34/2012/NĐ-CP.
Đối với số biên chế
tăng thêm trong năm 2012 so với số biên chế có mặt tại thời điểm 01/5/2012 (nếu
có), nếu trong phạm vi tổng mức biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê
duyệt) tại thời điểm báo cáo thì nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện các Nghị
định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP năm 2012 của số biên chế này
được các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tổng hợp báo cáo bổ sung để Bộ Tài chính xem xét giải quyết hoặc tổng hợp vào
nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương năm sau.
Đối với số biên chế
vượt so với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) tại
thời điểm báo cáo thì nhu cầu kinh phí thực hiện các Nghị định về điều chỉnh
lương tối thiểu và phụ cấp công vụ của số biên chế này do cơ quan, đơn vị tự
đảm bảo từ các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật; không tổng hợp vào
nhu cầu kinh phí thực hiện các Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu và phụ
cấp công vụ năm 2012 của các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Tổng số biên chế được
cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) cụ thể của các Bộ, cơ quan Trung ương
và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định tương tự như đã quy
định tại tiết 1.1.1, 1.1.2 điểm 1.1 khoản 1 mục II Thông tư số
02/2005/TT-BTC ngày 06/01/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xác định
nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2005/TT-BTC). Riêng đối với biên chế cán bộ
chuyên trách, công chức cấp xã được xác định trong phạm vi định biên theo quy
định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày
22/10/2009 của Chính phủ; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã,
thôn, tổ dân phố được xác định theo quy định tại Điều 13 và khoản
3 Điều 19 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009, và Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2012 của Chính phủ.
2. Nhu cầu kinh phí
thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP được xác định căn cứ vào mức
lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể
tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy
định bằng mức tuyệt đối); các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn); mức tiền lương tối thiểu
chung tăng thêm quy định tại Nghị định số 31/2012/NĐ-CP
so với Nghị định số 22/2011/NĐ-CP theo số
biên chế quy định tại khoản 1 Điều 2 nêu trên.
3. Nhu cầu kinh phí
thực hiện phụ cấp công vụ theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP
nêu tại Thông tư này được xác định căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc cộng
với phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân
hàm theo số biên chế quy định tại khoản 1 Điều 2 nêu trên và được tổng hợp
chung vào nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP nêu tại khoản 2 Điều 2 Thông tư
này.
Riêng nhu cầu kinh
phí thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với đối tượng làm việc theo chế độ hợp
đồng lao động trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; đối tượng làm việc theo chế độ hợp
đồng lao động trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng theo quy định
tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: Chỉ tổng
hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với người làm việc
theo chế độ hợp đồng lao động không thời hạn vào nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị
định số 31/2012/NĐ-CP nêu tại khoản 2 Điều
2 Thông tư này (không tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện phụ cấp công vụ đối
với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn vào nhu cầu
kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP
nêu tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này).
4. Nhu cầu kinh phí
thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP của
các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm
cả kinh phí tăng thêm thực hiện các chế độ, chính sách sau:
- Chính sách đối với
cán bộ, công chức, viên chức, và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang
công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định
số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính
phủ;
- Chế độ phụ cấp thâm
niên đối với nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP
ngày 04/7/2011 của Chính phủ;
- Chế độ phụ cấp ưu
đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập
theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày
04/7/2011 của Chính phủ;
- Chế độ phụ cấp công
tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định tại Thông báo số 13-TB/TW
ngày 28/3/2011 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW
ngày 01/7/2011 của Ban Tổ chức Trung ương;
- Các chế độ phụ cấp
đối với công an xã theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/09/2009 của Chính phủ;
- Đóng bảo hiểm y tế
cho thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của Bộ
Quốc phòng, Bộ Công an;
- Chế độ phụ cấp
trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày
24/6/2008 của Ban Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp uỷ
thuộc cấp tỉnh theo Quy định số 3115-QĐ/VPTW ngày 04/8/2009 của Văn phòng Trung
ương Đảng;
- Hoạt động phí tăng
thêm của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
- Hỗ trợ mức bình
quân 2/3 số chêch lệch tăng thêm giữa mức tiền lương tối thiểu 1.050.000
đồng/tháng so với mức tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng để thực hiện chế
độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ
dân phố theo quy định;
- Hỗ trợ đối với tiền
lương của giáo viên mầm non xã, phường, thị trấn làm việc theo chế độ hợp đồng
theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày
26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
- Chi trả tiền lương
cho cán bộ y tế xã trong định biên;
- Chế độ phụ cấp, trợ
cấp đối với dân quân tự vệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02/8/2010
của Liên Bộ Quốc phòng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Tài chính;
- Chế độ phụ cấp đối
với y tế thôn bản;
- Chế độ phụ cấp cho
nhân viên thú y cấp xã theo Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/10/2007 của Thủ
tướng Chính phủ.
5. Nhu cầu kinh phí
thực hiện các chế độ phụ cấp, trợ cấp tính trên lương, ngạch, bậc hoặc lương
tối thiểu được các cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn sau thời điểm 01/5/2012
của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (nếu có) được tổng hợp vào nhu cầu
kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2012 và xử lý nguồn thực hiện theo
các quy định của Thông tư này.
Điều 3. Xác
định nguồn để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số
34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP
1. Nguồn kinh phí thực
hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP trong năm 2012 của các Bộ, cơ
quan Trung ương:
a) Đối với các cơ
quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể:
- Sử dụng nguồn tiết
kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012 đã được cấp có thẩm quyền giao đối
với từng cơ quan (số tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012 tăng so
với dự toán năm 2011 sau khi đã tính cùng mặt bằng tiền lương, phụ cấp theo Nghị
định số 22/2011/NĐ-CP, Nghị định số 57/2011/NĐ-CP);
- Sử dụng tối thiểu
40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để
thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, Nghị
định số 57/2011/NĐ-CP);
- Các nguồn thực hiện
cải cách tiền lương năm 2011 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2012 (nếu có).
b) Đối với các đơn vị
sự nghiệp của Nhà nước và của Đảng, đoàn thể:
- Sử dụng nguồn tiết
kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012 đã được cấp có thẩm quyền giao đối
với từng đơn vị sự nghiệp (số tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012
tăng so với dự toán năm 2011 sau khi đã tính cùng mặt bằng tiền lương, phụ cấp);
- Sử dụng tối thiểu
40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012; riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ chi
phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao, kinh
phí tăng thêm để thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ
thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 so với Quyết định
số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ
tướng Chính phủ (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các Nghị định về tiền
lương, phụ cấp từ năm 2011 trở về trước);
- Các nguồn thực hiện
cải cách tiền lương đến hết năm 2011 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2012 (nếu
có).
c) Trường hợp các
nguồn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực
hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP năm 2012 theo quy định tại Điều 2 Thông tư này, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung phần chênh
lệch thiếu cho các Bộ, cơ quan Trung ương để đảm bảo đủ nguồn thực hiện.
d) Trường hợp các
nguồn theo quy định khoản 1 Điều 3 nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị
định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP năm 2012 theo quy định tại Điều 2 Thông tư này thì các Bộ, cơ quan Trung ương tự đảm bảo phần
kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP,
số 34/2012/NĐ-CP năm 2012; phần còn lại để
chi thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm khi Nhà nước tiếp tục ban hành;
không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.
2. Nguồn kinh phí
thực hiện các Nghị định số 31/2012/NĐ-CP,
số 34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP năm 2012 của các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương:
- Sử dụng tối thiểu
40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012; riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ
chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao;
kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật,
thủ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 so với Quyết
định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của
Thủ tướng Chính phủ (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các Nghị định
về tiền lương, phụ cấp từ năm 2011 trở về trước);
- Sử dụng nguồn tiết
kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012 đã được cấp có thẩm quyền giao (số tiết
kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2012 tăng so với dự toán năm 2011 sau khi
đã tính cùng mặt bằng tiền lương, phụ cấp);
- 50% tăng thu ngân
sách địa phương (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm
2011 so dự toán năm 2011 (đối với nguồn tăng thu này, trường hợp địa phương khó
khăn, tỷ lệ tự cân đối chi từ nguồn thu của địa phương thấp, số tăng thu năm
2011 so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao nhỏ và đối với các địa phương
khi thực hiện cải cách tiền lương có khó khăn về nguồn do không điều hoà được
tăng thu giữa các cấp ngân sách của địa phương, Bộ Tài chính sẽ xem xét cụ thể
để xác định số tăng thu đưa vào nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong năm
2012; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện);
- 50% tăng thu ngân
sách địa phương (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm
2012 so dự toán năm 2011;
- Nguồn thực hiện cải
cách tiền lương đến hết năm 2011 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2012 (nếu có).
Trường hợp các nguồn
theo quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện các
Nghị định điều chỉnh tiền lương, phụ cấp công vụ, trợ cấp năm 2012 theo quy
định tại Điều 2 của Thông tư này, ngân sách Trung ương sẽ bổ
sung phần chênh lệch thiếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm
bảo đủ nguồn thực hiện.
Trường hợp các nguồn
theo quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện các
Nghị định điều chỉnh tiền lương, phụ cấp công vụ, trợ cấp năm 2012 theo quy
định tại Điều 2 của Thông tư này, thì các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tự đảm bảo phần kinh phí các Nghị định điều chỉnh tiền
lương, phụ cấp công vụ, trợ cấp năm 2012; phần còn lại để chi thực hiện chế độ
tiền lương mới tăng thêm khi Nhà nước tiếp tục ban hành; không sử dụng phần
kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.
Trường hợp các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn còn dư lớn sau khi đảm bảo được nhu
cầu kinh phí cải cách tiền lương theo lộ trình, thì có báo cáo Bộ Tài chính xem
xét giải quyết theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1, Quyết định số
383/QĐ-TTg ngày 03/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Số thu được để lại
theo chế độ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 nêu trên không được trừ chi
phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ
các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc
đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt
động thu như: số thu học phí để lại cho trường công lập; số thu viện phí để lại
cho bệnh viện công lập sau khi trừ chi phí thuốc, máu dịch truyền, hoá chất,
vật tư thay thế, vật tư tiêu hao,… Số thu được để lại theo chế độ được trừ chi
phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ
các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc
đặc quyền của Nhà nước, nhưng chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt
động thu. Ngoài ra, chú ý một số điểm sau:
- Đối với học phí học
sinh chính quy học các trường công lập: 40% số thu để thực hiện chế độ cải cách
tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí của học sinh.
- Đối với học phí từ
các hoạt động đào tạo tại chức, liên doanh liên kết, các hoạt động đào tạo khác
của các trường công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính
trên số thu học phí từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên
quan.
- Đối với số thu dịch
vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự
nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh Phí và Lệ
phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số
thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan.
4. Kinh phí thực hiện
Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP đối với người làm việc theo chế
độ hợp đồng lao động xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính nhà nước,
cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng theo quy định tại Nghị định số
68/2000/NĐ-CP do cơ quan, đơn vị tự đảm bảo
từ dự toán ngân sách nhà nước được giao đầu năm và các nguồn thu hợp pháp khác.
5. Kinh phí thực hiện
Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của
hệ thống công đoàn các cấp được đảm bảo từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn;
không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của
các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Kinh phí thực hiện
Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của
Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cán bộ thực hiện chế độ bảo
hiểm thất nghiệp được đảm bảo từ nguồn chi quản lý bộ máy theo quy định.
7. Kinh phí thực hiện
các Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP đối với biên chế, lao động
trong các cơ quan, đơn vị đã thực hiện khoán chi mà trong quyết định cho phép
khoán chi của cấp có thẩm quyền đã quy định trong thời gian khoán đơn vị tự sắp
xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành (như: cơ
quan Thuế, Hải quan, Đài Truyền hình Việt nam,...) thì các cơ quan, đơn vị này
phải tự đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới tăng thêm trong tổng
mức kinh phí đã được khoán.
8. Từ năm 2013 trở đi,
kinh phí bổ sung để thực hiện tiền lương theo mức lương tối thiểu 1.050.000
đồng/tháng (sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương
theo quy định) sẽ được bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, cơ quan
Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 4. Chế
độ báo cáo về nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 31/2012/NĐ-CP,
số 34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP
Các Bộ, cơ quan Trung
ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng
dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện các Nghị
định nêu trên trong năm 2012 gửi Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 31/5/2012
(kể cả các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
đủ nguồn để thực hiện).
(Các Bộ, cơ quan Trung
ương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu số 1,
3a, 3b, 3c đính kèm; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu 2a, 2b, 2c, 2 d, 2đ, 2e, 4a, 4b, 4c đính kèm).
Điều 5. Phương
thức chi trả kinh phí thực hiện các Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP,
số 35/2012/NĐ-CP
1. Đối với các đơn vị
sử dụng ngân sách có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí để thực hiện các Nghị
định nêu trên thì được chủ động sử dụng các nguồn này để chi trả tiền lương, phụ
cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình theo
chế độ quy định.
2. Đối với các Bộ, cơ
quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn kinh phí để
thực hiện các Nghị định nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện:
- Các Bộ, cơ quan Trung
ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị
và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu kinh phí thực
hiện, chủ động sử dụng các nguồn để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ,
công chức, viên chức, trợ cấp tăng thêm đối với cán bộ xã nghỉ việc và phụ cấp
tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân
phố, cán bộ thú y cấp xã theo chế độ quy định.
- Các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết
kiệm 10% chi thường xuyên (phần giữ lại tập trung) để bổ sung nguồn kinh phí
thực hiện cho các đơn vị dự toán cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu
nguồn.
3. Đối với các Bộ, cơ
quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu kinh phí
thực hiện các Nghị định nêu trên lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định tại Thông
tư này:
- Đối với các Bộ, cơ
quan Trung ương:
+ Trên cơ sở báo cáo
của các Bộ, cơ quan Trung ương, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và thông báo bổ sung
kinh phí để các Bộ, cơ quan Trung ương đủ nguồn để thực hiện.
+ Sau khi nhận được
thông báo của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương thông báo bổ sung kinh
phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc để thực hiện tiền lương, phụ
cấp, trợ cấp tăng thêm theo chế độ quy định (sau khi sử dụng nguồn để thực hiện
tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm theo quy định mà vẫn còn thiếu nguồn).
+ Các đơn vị dự toán
cấp I có trách nhiệm phân bổ số thông báo bổ sung nêu trên cho các đơn vị sử
dụng ngân sách trực thuộc (sau khi sử dụng nguồn để thực hiện tiền lương, phụ
cấp, trợ cấp tăng thêm theo quy định mà vẫn còn thiếu nguồn). Các đơn vị sử
dụng ngân sách thực hiện rút tiền tại Kho bạc nhà nước trong phạm vi số được bổ
sung cùng với việc chủ động sử dụng nguồn thu được để lại theo chế độ, tiết
kiệm 10% chi thường xuyên để chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm đối
với cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình theo chế độ quy định.
- Đối với các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương: Trên cơ sở báo cáo nhu cầu và nguồn kinh phí
của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và
thông báo bổ sung kinh phí để các địa phương đủ nguồn thực hiện cải cách tiền
lương.
4. Trong khi chờ được
cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, ngân sách cấp trên thực hiện ứng trước kinh
phí cho ngân sách cấp dưới chưa đảm bảo đủ nguồn thực hiện; đối với các địa
phương có khó khăn về nguồn, có văn bản báo cáo gửi Bộ Tài chính để thực hiện
ứng kinh phí cho địa phương; các đơn vị sử dụng ngân sách được chủ động sử dụng
dự toán ngân sách năm 2012 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để
kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm cho cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng khác theo quy định tại Thông tư
này. Số kinh phí đã ứng trước và số đã sử dụng này được hoàn lại nguồn bằng số
bổ sung kinh phí để thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của cấp có thẩm
quyền.
5. Kế toán và quyết
toán: Việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho
các đối tượng theo quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật
hiện hành.
Điều 6. Tổ
chức thực hiện
1. Căn cứ quy định tại
Thông tư này, các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và
các cấp trực thuộc xác định nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện các Nghị định
số 31/2012/NĐ-CP, số 34/2012/NĐ-CP, số 35/2012/NĐ-CP của Chính phủ trong năm 2012.
Căn cứ vào tình hình
cụ thể của cơ quan, địa phương mình và các quy định tại Thông tư này, Thủ trưởng
các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quy định về thời gian, biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị và các cấp ngân sách trực
thuộc phù hợp với quy định về việc tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính tại Thông tư
này.
2. Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2012.
Các chế độ quy định
tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/5/2012.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có báo cáo gửi
Bộ Tài chính để kịp thời xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính,
- Lưu: VT, Vụ NSNN.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Nghiệp
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|