Thông tư 715/MTg-1995 hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành

Số hiệu 715/MTg
Ngày ban hành 03/04/1995
Ngày có hiệu lực 18/04/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Lê Quý An
Lĩnh vực Đầu tư,Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 715/MTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 715/MTG NGÀY 3 THÁNG 4 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN LẬP VÀ THẨM ĐỊNH  BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường;
Căn cứ Nghị định 175/CP về Hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường;
Căn cứ Nghị định 191/CP về Ban hành quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện Dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;
Bộ KHCN và Môi trường hướng dẫn các nội dung và quy trình lập và thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường ( ĐTM) đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài như sau
:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

1. Tất cả các dự án đầu tư nước ngoài theo Nghị định 191/CP ngày 28/12/1994 về ban hành quy chế hình thành thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đều phải thực hiện các quy định trong thông tư hướng dẫn này về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Kết quả thẩm định về môi trường trong giai đoạn xét cấp phép đầu tư và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong những căn cứ để xét duyệt, cấp phép các dự án trong các giai đoạn quy định trong Nghị định 191/CP.

II. CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN:

1. Giai đoạn xin cấp phép đầu tư:

1.1- Do tính chất, hình thức hoạt động, trình độ công nghệ và mức độ tác động đến môi trường của các dự án rất khác nhau và để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo chủ trương của Chính phủ về cải cách các thủ tục hành chính, có một số dự án được miễn lập báo cão đánh giá tác động môi trường (Phụ lục I), nhưng trong hồ sơ xin phép phải giải trình các yếu tố thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các giải pháp giảm thiểu về mặt ô nhiễm đồng thời cam kết trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khi xây dựng cơ sở vật chất và trong quá trình hoạt động.

1.2- Các dự án không quy định trong mục 1.1 nêu trên, khi nộp hồ sơ xin phép đầu tư phải có báo cáo giải trình (có thể là một phần trong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc một báo cáo riêng biệt) trong đó chỉ cần nêu sơ lược các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường (Phụ lục II) của dự án, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét trong quá trình thẩm định hồ sơ khi xin cấp phép.

Thời gian thẩm định môi trường ở giai đoạn này không quá 20 ngày kể từ khi cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Giai đoạn thiết kế, xây dựng:

Sau khi được cấp phép đầu tư, các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường để thẩm định theo phân cấp được quy định trong phụ lục III trong thông tư này. Phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở để cơ quan cấp giấy phép xây dựng xét duyệt thiết kế các hệ thống công nghệ, thiết bị xử lý ô nhiễm; muốn được cấp giấy phép xây dựng, chủ dự án phải có Phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nội dung báo cáo được quy định tại phụ lục IV.

Hồ sơ cần nộp được quy định ở Phụ lục V.

3. Giai đoạn kết thúc xây dựng:

Kết thúc giai đoạn xây dựng, trước khi công trình được phép đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan cấp giấy phép xây dựng tiến hành kiểm tra về các công trình xử lý chất thải và các điều kiện an toàn khác theo quy định bảo vệ môi trường. Nếu phát hiện công trình không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường đã được duyệt, thì yêu cầu chủ dự án có biện pháp xử lý theo đúng báo cáo ĐTM đã được thẩm định mới cho phép hoạt động. Khi các yêu cầu về bảo vệ môi trường được tuân thủ, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ cấp giấy phép chính thức.

Cấp nào thẩm định môi trường, thì cấp đó chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy phép môi trường, nhưng bất cứ trường hợp nào cũng phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương.

Do đặc thù của nhiều loại hình hoạt động của các dự án ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ khác nhau và phù hợp với công tác quản lý Nhà nước, nên việc thẩm định báo cáo ĐTM được phân cấp như sau:

- Bộ KHCN & Môi trường thẩm định các dự án thuộc nhóm A (theo Nghị định 191/CP) và phụ lục III của Thông tư này.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định các dự án còn lại.

Một số dự án cụ thể, không thuộc quyền thẩm định của địa phương, nhưng xét thấy địa phương có đủ năng lực thẩm định, Sở KHCN & Môi trường có thể có văn bản đề nghị Bộ KHCN & Môi trường uỷ quyền thẩm định. Chỉ khi nào có giấy uỷ quyền của Bộ mới tiến hành thẩm định và kết quả thẩm định mới có giá trị pháp lý.

Trong thời hạn hai tháng kể từ khi nhận được báo cáo ĐTM và các thủ tục hợp lệ, các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo bệ môi trường phải gửi "Phiếu thẩm định môi trường" (theo mẫu quy định trong Phụ lục VI) thông báo kết quả thẩm định cho chủ dự án. Đồng thời thông báo cho UBND tỉnh và Sở KHCN & Môi trường địa phương nơi dự án được triển khai (nếu dự án thuộc diện do Bộ KHCN & Môi trường thẩm định). Ngược lại, những dự án do địa phương thẩm định cũng phải báo cáo kết quả cho Bộ KHCN & Môi trường biết ngay sau khi thẩm định.

Trường hợp đặc biệt đối với các dự án quan trọng, quá phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, các dự án trong danh mục phải trình Quốc hội xem xét không thể thẩm định trong phạm vi hai tháng, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường phải thông báo cho chủ dự án biết thời hạn cụ thể (nhưng không quá 90 ngày).

III. VỀ TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG:

Trong khi Nhà nước Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn Môi trường chính thức, khi lập báo cáo ĐTM các chủ dự án phải tuân thủ các tiêu chuẩn tạm thời do Bộ KHCN & Môi trường quy định trong cuốn "Một số tiêu chuẩn tạm thời về Môi trường" - Nhà xuất bản KHKT phát hành năm 1993 - Khi các tiêu chuẩn nhà nước về môi trường được ban hành chính thức sẽ từng bước thay thế các tiêu chuẩn tạm thời nêu trên.

Trường hợp các tiêu chuẩn cần áp dụng còn thiếu chưa quy định hoặc áp dụng không phù hợp, chủ dự án phải xin phép áp dụng tiêu chuẩn tương đương của nước có công nghệ và thiết bị chuyển giao vào Việt Nam hoặc áp dụng tiêu chuẩn tương đương của nước thứ ba. Chỉ khi được phép của Bộ KHCN & Môi trường, các tiêu chuẩn này mới được áp dụng.

 

Lê Quý An

(Đã ký)

[...]