Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2001/NĐ-CP thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 71/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 28/08/2001
Ngày có hiệu lực 16/08/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 71/2001/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2001/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 08 NĂM 2001 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/08/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi tắt là giấy phép)

1.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật kinh doanh bảo hiểm. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 64 Luật kinh doanh bảo hiểm.

1.2. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được lập thành 3 (ba) bộ trong đó có 1 (một) bộ là bản chính, 2 (hai) bộ là bản sao. Hồ sơ xin cấp giấy phép của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được lập thành 3 (ba) bộ, mỗi bộ gồm 1 bản bằng tiếng Việt và 1 bản bằng tiếng Anh. Có 1 (một) bộ là bản chính, 2 (hai) bộ là bản sao. Tổ chức, cá nhân đứng tên xin cấp giấy phép (sau đây gọi tắt là chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ xin cấp giấy phép.

1.3. Đơn xin cấp giấy phép được làm theo mẫu tại Phụ lục 1 (đính kèm Thông tư này), có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của chủ đầu tư;

1.4. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại điểm 1.1. nêu trên, tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp dự kiến thành lập, hồ sơ xin cấp giấy phép phải có những tài liệu sau đây:

1.4.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nhà nước:

a) Văn bản của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp chấp thuận việc doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm;

b) Giải trình về nguồn vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

1.4.2. Đối với công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần môi giới bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tư nhân môi giới bảo hiểm, công ty hợp danh môi giới bảo hiểm:

a) Biên bản họp của chủ đầu tư về việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần môi giới bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tư nhân môi giới bảo hiểm, công ty hợp danh môi giới bảo hiểm;

b) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tính hợp pháp của nguồn vốn thành lập công ty.

1.4.3. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài:

a) Điều lệ của bên nước ngoài tham gia liên doanh hoặc của chủ đầu tư nước ngoài (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài);

b) Giấy phép hoạt động của bên nước ngoài tham gia liên doanh hoặc của chủ đầu tư nước ngoài (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài);

c) Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép bên nước ngoài tham gia góp vốn thành lập liên doanh hoặc cho phép chủ đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi bên nước ngoài hoặc chủ đầu tư nước ngoài có trụ sở chính không yêu cầu có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;

d) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm liên doanh phải có văn bản của cấp có thẩm quyền của bên Việt Nam cho phép tham gia vào liên doanh;

đ) Giải trình về nguồn vốn góp của đối tác là bên Việt Nam có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp giấy phép

2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép được Bộ Tài chính tiếp nhận và kiểm tra trên cơ sở sau:

2.1.1. Số lượng bộ hồ sơ cần phải nộp và đầu mục những văn bản cần phải có trong hồ sơ theo quy định;

2.1.2. Tính hợp lệ của hồ sơ xin cấp giấy phép;

2.1.3. Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các chủ đầu tư.

2.2. Ngay sau khi nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp cho chủ đầu tư hoặc đại diện được uỷ quyền của chủ đầu tư giấy biên nhận tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép.

2.3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép của các chủ đầu tư, Bộ Tài chính quyết định cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích lý do.

[...]