Thông tư 56-NHNN/TT năm 1991 hướng dẫn QĐ 112/CT 1991 về việc thanh toán hàng xuất nhập khẩu và cung ứng dịch vụ của các tổ chức kinh tế thực hiện Hiệp định thanh toán bù trừ (Clearing) ký kết giữa Chính phủ ta với Chính phủ và nước khác do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 56-NHNN/TT
Ngày ban hành 14/05/1991
Ngày có hiệu lực 01/01/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Văn Châu
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-NHNN/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 56-NHNN/TT NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 112/CT NGÀY 12-4-1991 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC THANH TOÁN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CUNG ỨNG DỊCH VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ THỰC HIỆN GIỮA CÁC HIỆP ĐỊNH THANH TOÁN BÙ TRỪ (CLEARING) KÝ KẾT GIỮA CHÍNH PHỦ TA VỚI CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC KHÁC

Thực hiện Quyết định số 112/CT ngày 12-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về cơ chế thanh toán hàng xuất nhập khẩu và cung ứng dịch vụ theo hiệp định giữa nước ta với nước ngoài, sau khi trao đổi thống nhất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc thanh toán xuất khẩu theo hiệp định 1991 như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trước mắt uỷ nhiệm cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức việc thanh toán xuất nhập khẩu theo hiệp định hoặc nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam với nước ngoài đúng với những quy định của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này.

2. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ký thoả ước với Ngân hàng nước ngoài về thể thức thanh toán phù hợp với Hiệp định hoặc nghị định thư bằng ngoại tệ thoả thuận theo tài khoản Clearing.

3. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chỉ thực hiện việc thanh toán Clearing giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu và cung ứng dịch vụ theo danh mục do Bộ Thương nghiệp thông báo. Do đó, đứng trên chứng từ thanh toán hàng hoá, dịch vụ, Chủ hàng cần đóng dấu "Hiệp định 1991". Những hàng hoá dịch vụ nằm ngoài danh mục này hoặc không được đóng dấu như nói ở trên thì áp dụng thể thức thanh toán khác.

4. Ngân hàng Ngoại thương có trách nhiệm mua hết số ngoại tệ thu về qua thanh toán theo tài khoản Clearing và bán ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu theo phương thức thanh toán này.

5. Tỷ giá áp dụng trong thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ theo tỷ giá do Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm thanh toán.

II- CƠ CHẾ THANH TOÁN XUẤT NHẬP KHẨU VÀ NGUỒN VỐN TRONG NƯỚC

1. Việc thanh toán hàng hoá xuất khẩu và cung ứng dịch vụ theo hiệp định thực hiện tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

2. Việc thanh toán hàng hoá nhập khẩu và chi trả dịch vụ theo hiệp định chỉ thực hiện tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

3. Trong phạm vi ba ngày làm việc kể từ ngày chủ hàng xuất khẩu xuất trình chứng từ cho ngân hàng, nếu chứng từ đầy đủ và phù hợp với quy định của hợp đồng thương mại và thoả ước giữa hai ngân hàng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho chủ hàng giá trị hàng xuất khẩu và dịch vụ bằng đồng Việt Nam. Trong thời hạn đó, nếu chứng từ không phù hợp thì Ngân hàng cần thông báo ngay cho chủ hàng biết để giải quyết. Nếu ngân hàng thanh toán chậm chễ do lỗi của mình thì phải chịu phạt theo quy định tại điểm 5 phần II của Thông tư này.

4. Chủ hàng nhập khẩu phải chịu trách nhiệm lo đủ vốn bằng đồng Việt Nam để thu ngoại tệ nhập khẩu, nếu thiếu vốn có thể vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại khác, hoặc Ngân hàng đầu tư và phát triển theo chế độ tín dụng hiện hành. Ngân hàng cần ưu tiên đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cần thiết, hợp lý của các đơn vị để thực hiện tốt các chỉ tiêu xuất khẩu theo hiệp định. Nếu Ngân hàng thương mại có khó khăn nguồn vốn không thể khắc phục được thì phải báo cáo với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết.

Chủ hàng nhập khẩu cần chuẩn bị đầy đủ vốn để thực hiện hợp đồng thương mại. Trong phạm vi 7 ngày làm việc (kể từ ngày Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam gửi giấy báo nợ) chủ hàng nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho người bán hàng giá trị hàng đã nhập. Quá thời hạn quy định nếu chủ hàng không có hoặc không đủ tiền để trả cho người bán thì phải chịu phạt theo quy định tại điểm 5 phần II của Thông tư này.

5. Ngân hàng hoặc chủ hàng nhập khẩu nếu thanh toán chậm chễ do lỗi của mình gây nên sẽ bị phạt mỗi ngày 0,2% trên số tiền chậm thanh toán (tính trên số tiền Việt Nam tương đương). Nếu việc chậm thanh toán trên 30 ngày thì mức phạt là 0,3% trên số tiền chậm thanh toán. Ngân hàng Ngoại thương cần hạch toán riêng tiền phạt (thu, chi) để quyết toán với Ngân hàng Nhà nước.

6. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý ngoại hối) tình hình thanh toán xuất nhập khẩu theo từng hiệp định Clearing song biên theo mẫu ở phụ lục của Thông tư này.

- Báo cáo tháng (chậm nhất là 7 ngày đầu tháng sau).

- Báo cáo quý (chậm nhất 10 ngày đầu quý sau).

- Báo cáo năm (chậm nhất 15 ngày đầu năm sau)

- Báo cáo nhanh các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 hàng tháng về số dư tài khoản Clearing.

Ngoài báo cáo định kỳ, khi cần thiết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam báo cáo theo yêu cầu cụ thể.

7. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm nguồn vốn tiền Việt Nam để mua hết số ngoại tệ thu được qua xuất khẩu theo phương thức thanh toán Clearing.

Ngân hàng Nhà nước Trung ương mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ Clearing tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để phục vụ cho thanh toán tiền xuất khẩu nhập khẩu theo phương thức Clearing.

- Khi Ngân hàng mua ngoại tệ và trả tiền Việt Nam cho chủ hàng xuất khầu:
a) Tại Ngân hàng Ngoại thương hạch toán:

Nợ tài khoản tiền gửi Ngân hàng Ngoại thương tại Ngân hàng Nhà nước (bằng đồng).

Có tài khoản tiền gửi của khách hàng xuất khẩu (bằng đồng), đồng thời ghi:

Nợ tài khoản thanh toán Clearing với nước ngoài (bằng ngoại tệ).

[...]