Thông tư 56/2012/TT-BGDĐT quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Số hiệu 56/2012/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 25/12/2012
Ngày có hiệu lực 15/02/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Trần Quang Quý
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2012/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHIỆM VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ SONG PHƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục”;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, Viện trưởng các viện nghiên cứu, Giám đốc các trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Uỷ ban VHGDTNTNNĐ của QH
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục Ktra VBQPPL)
- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (để b/c);
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ GD&ĐT;
- Như Điều 2 (để thực hiện);
- Lưu VT, PC, KHCNMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHIỆM VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ SONG PHƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 56/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương) bao gồm: xác định, xét chọn, thẩm định nhiệm vụ; tổ chức triển khai và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

2. Văn bản này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, (sau đây gọi chung là các đơn vị) được xét chọn hoặc được giao thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương là nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề khoa học có tính hệ thống, được thực hiện theo một hoặc nhiều giai đoạn.

2. Nhóm nghiên cứu là tập thể các nhà khoa học của một hoặc nhiều đơn vị cùng tham gia giải quyết vấn đề nghiên cứu.

Điều 3. Mục tiêu của nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương

1. Tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu tiếp cận nhanh với các vấn đề khoa học mới đang được tiến hành nghiên cứu ở nước ngoài, rút ngắn thời gian nghiên cứu, giải quyết vấn đề nghiên cứu một cách có hệ thống để tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ phát triển giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng – an ninh.

[...]