Thông tư 555-TCTK/PPCD-1988 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Kế toán và thống kê (Phần Thống kê) do Tổng cục Thống kê ban hành

Số hiệu 555-TCTK/PPCD
Ngày ban hành 13/09/1988
Ngày có hiệu lực 13/09/1988
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Thống kê
Người ký Lê Văn Toàn
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 555-TCTK/PPCD

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1988

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ SỐ 555/TCTK-PPCD NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1988 HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH KẾ TOÁN VÀ THỐNG KÊ (PHẦN THỐNG KÊ)

Ngày 20 tháng 5 năm 1988, Hội đồng Nhà nước Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố Pháp lệnh kế toán và thống kê.

Tổng cục Thống kê ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh - Phần nói về thông kê và những điều khoản liên quan - để các Bộ, Uỷ ban nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp, các đơn vị cơ sở và các công dân thực hiện.

Pháp lệnh này là văn bản pháp lý cao nhất về công tác kế toán, thống kê lần đầu tiên được ban hành ở nước ta. Pháp lệnh kế toán và thống kê là cơ sở pháp lý để:

Giám sát các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở và công dân thực hiện các chế độ kế toán và thống kê, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, góp phần tăng cường quản lý kinh tế - tài chính của các cấp, các ngành và đơn vị cơ sở.

Thực hiện đổi mới và tăng cường trật tự, kỷ cương trong công tác kế toán và thống kê ở mỗi cấp, mỗi ngành và đơn vị cơ sở, thực hiện kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.

Bảo đảm quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của những người làm công tác kế toán, thống kê nhằm nâng cao tính khách quan của số liệu kế toán và thống kê.

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng phải chấp hành chế độ thống kê quy định trong Pháp lệnh, gồm tất cả công dân (những điều có liên quan); các đơn vị sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân (Xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, công ty, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất...) thuộc các thành phần kinh tế; các đơn vị hành chính sự nghiệp có sử dụng kinh phí của Nhà nước và của đoàn thể; các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành. Các Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế phổ biến được Tổng cục Thống kê Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận.

2. Trong phạm vi cả nước, công tác thống kê phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất về: hệ thống chứng từ ghi chép ban đầu, phương pháp thu thập và tổng hợp số liệu, đơn vị đo lường, nội dung và phương pháp tính toán các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, chế độ báo cáo và điều tra thống kê, hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, danh mục, phân loại và mã hoá.

Nội dung và yêu cầu cụ thể đối với từng công việc có liên quan đến những số liệu thuộc hệ thống thông tin thống kê tập trung phải thực hiện thống nhất theo quy định và hướng dẫn của Tổng cục Thống kê. Việc thu thập và tổng hợp những thông tin thống kê thuộc phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của các cấp, các ngành, ngoài những thông tin thuộc hệ thống thông tin thống kê tập trung, thì thực hiện theo sự hướng dẫn của thống kê của cấp hoặc ngành tương ứng, nhưng không được trái với quy định của Tổng cục Thống kê.

3. Tại các đơn vị cơ sở thuộc tất cả các ngành kinh tế quốc dân và các thành phần kinh tế phải sử dụng thống nhất một nguồn chứng từ khi tính toán và tổng hợp các số liệu kế toán và thống kê có liên quan .

4. Quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của những người làm công tác thống kê tại Điều 4, điểm 1 của Pháp lệnh, có hiệu lực đối với từng cá nhân và cả tập thể những người làm thống kê thuộc cơ quan hoặc tổ chức thống kê từ đơn vị cơ sở đến các cấp, các ngành. Cụ thể là:

Thực hiện nhiệm vụ và phương pháp chuyên môn theo chỉ đạo của cơ quan thống kê cấp trên.

Xác nhận và tự chịu trách nhiệm về kết quả thu thập và tổng hợp số liệu thống kê thuộc phạm vi phụ trách.

5. Hệ thống thông tin thống kê của Nhà nước gồm hai hệ thống được qui định tại Điều 5 của Pháp lệnh là dựa vào nguyên tắc phân cấp quyền hạn và trách nhiệm về thu thập, quản lý và sử dụng thông tin chứ không phải là hai hệ thống tổ chức bộ máy thống kê riêng biệt.

Hệ thống thông tin thống kê tập trung do Tổng cục Thống kê tổ chức, thực hiện gồm một hệ thống chỉ tiêu thống kê chủ yếu đáp ứng nhu cầu thông tin để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành. Tổng cục Thống kê xây dựng kế hoạch thông tin dưới hình thức chế độ báo cáo và điều tra thống kê và giao cho thống kê các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc HĐBT, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và đơn vị cơ sở thực hiện. Ngoài ra khi cần thiết Tổng cục Thống kê có thể tổ chức các cuộc điều tra chuyên đề.

Hệ thống thông tin thống kê của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và UBND các cấp gồm những số liệu thống kê của ngành, địa phương phải cung cấp cho hệ thống thông tin thống kê tập trung và những số liệu cần thu thập thêm để đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành và địa phương.

Việc hoàn thiện cả hai hệ thống thông tin thống kê đều phải hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả, bảo đảm không trùng lắp trong việc thu thập, tổng hợp số liệu, thực hiện tinh giản thông tin, không gây phiền hà cho cơ sở.

6. Những số liệu thống kê có giá trị pháp lý để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ thực hiện kế hoạch và nghĩa vụ đối với Nhà nước của các đơn vị, các cấp, các ngành, phải là những số liệu do Tổng cục Thống kê hoặc thống kê các cấp, các ngành, các đơn vị báo cáo với đầy đủ chữ ký của những người có thẩm quyền và dấu xác nhận.

Ngược lại, những số liệu do cá nhân, tập thể tự tổ chức thu thập hoặc dự đoán theo nhận xét chủ quan đều không có cơ sở pháp lý và không được dùng để thay cho số liệu do cơ quan thống kê cung cấp.

7. Những số liệu thống kê thuộc bí mật Nhà nước đã được qui định tại chương II Nghị định số 69/CP ngày 14-6-1962 của Hội đồng Chính phủ- nay là Hội đồng Bộ trưởng (xem phụ lục kèm theo).

Hiện nay Nhà nước chủ trương mở rộng tính công khai trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Khi nào có quyết định mới của Hội đồng Bộ trưởng thì Tổng cục Thống kê sẽ hướng dẫn tiếp về vấn đề này.

8. Điều 7 của Pháp lệnh đã quy định 6 hành vi nghiêm cấm. Đối với thống kê cần đặc biệt chú ý các điểm sau đây:

a) Giả mạo chứng từ, lập sổ sách, báo cáo kế toán, thống kê sai sự thật.

Giả mạo chứng từ là lập chứng từ để ghi chép các hiện tượng kinh tế, xã hội không phát sinh hoặc có phát sinh nhưng không đúng với nội dung, thời gian và địa điểm mà hiện tượng xuất hiện, giả mạo chữ ký của người có liên quan hoặc dấu xác nhận; trường hợp mất chứng từ gốc phải báo cáo ngay với cơ quan hoặc người có trách nhiệm để xử lý, nếu tự lập lại để thay cho chứng từ gốc đã mất cũng coi như giả mạo chứng từ.

Vì bất kỳ mục đích gì mà cá nhân hoặc đơn vị lập các sổ sách, báo cáo khác nhau để phản ánh về cùng một nội dung hoạt động kinh tế - xã hội nhưng với số liệu khác nhau để dùng hạch toán nội bộ và gửi cho các cấp có thẩm quyền, hoặc những báo cáo mà đơn vị phải gửi cho cả cơ quan thống kê và cơ quan quản lý cấp trên nhưng số liệu không thống nhất đều bị coi là vi phạm điều nghiêm cấm này.

[...]