BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 54/2014/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 12 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN
XUẤT, KINH DOANH SỮA CHẾ BIẾN
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm
số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số
38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định
95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban
hành Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh sữa chế biến.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định điều kiện
bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến (sau đây
gọi tắt là cơ sở) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa
chế biến;
b) Cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh sữa chế
biến.
2. Thông tư này không áp dụng đối
với:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa
chế biến nhỏ lẻ;
b) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống, kinh doanh thức ăn đường phố thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư
30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an
toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường
phố.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở sản xuất sữa chế biến
gồm toàn bộ cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc thiết bị, các điều kiện về
môi trường để sản xuất các sản phẩm sữa chế biến.
2. Cơ sở kinh doanh sữa chế
biến là cơ sở thực hiện các hoạt động giới thiệu, bảo quản, vận chuyển,
mua, bán các sản phẩm sữa chế biến.
3. Sản phẩm sữa chế biến là
sản phẩm được chế biến từ sữa động vật có hoặc không bổ sung chất dinh dưỡng,
phụ gia thực phẩm, hương liệu hoặc các vitamin.
4. Cơ sở sản xuất, kinh
doanh sữa chế biến nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực
hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh hoặc doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quy
định chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa
chế biến phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9
năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối
với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các quy định tại Thông tư này.
Chương II
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN
TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT
Điều 5. Cơ
sở sản xuất sữa chế biến
1. Địa điểm sản xuất
a) Được xây dựng theo quy hoạch
hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phải xa nguồn ô nhiễm, độc hại,
không bị tác động bởi các tác nhân gây ô nhiễm khác từ môi trường xung quanh
làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm sữa chế biến;
c) Có đủ diện tích để bố trí
dây chuyền sản xuất phù hợp với công suất thiết kế của cơ sở, đảm bảo các công
đoạn sản xuất đáp ứng yêu cầu công nghệ và các biện pháp vệ sinh công nghiệp.
2. Bố trí, thiết kế nhà xưởng
a) Bố trí mặt bằng dây chuyền sản
xuất phù hợp, không bị ảnh hưởng xấu từ các nguồn ô nhiễm như: lò hơi, trạm xử
lý nước thải, nơi tập kết chất thải rắn, khu vệ sinh;
b) Thiết kế nhà xưởng theo quy
tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng là sữa chế biến các
loại;
c) Cách biệt giữa các khu vực:
kho nguyên liệu; kho vật tư, bao bì; kho thành phẩm; khu vực sản xuất (chuẩn bị
nguyên liệu; chế biến; chiết, rót, đóng gói và hoàn thiện sản phẩm; hệ thống vệ
sinh công nghiệp (CIP); cơ khí động lực); kho hóa chất; khu tập kết chất thải rắn
và hệ thống thu gom xử lý nước thải; các công trình phụ trợ để tránh lây nhiễm
chéo;
d) Hệ thống đường giao thông nội
bộ phải được thiết kế và xây dựng đảm bảo bền, chắc, không gây bụi, đường di
chuyển trên cao phải có lan can hoặc vách ngăn dễ quan sát, bảo đảm an toàn lao
động;
đ) Hệ thống thoát nước (nước thải
sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước mưa) phải được thiết kế và xây dựng riêng
biệt, có nắp đậy, đảm bảo độ dốc thoát nước, không đọng nước cục bộ.
3. Kết cấu nhà xưởng
a) Nền nhà khu vực sản xuất phải
đảm bảo dễ thoát nước, được làm từ vật liệu bền, khó bong tróc, chống trơn và dễ
vệ sinh. Hệ thống thoát nước trong khu vực sản xuất phải có nắp đậy;
b) Các hố ga, hố thu nước phải
có bẫy ngăn mùi, ngăn côn trùng và hạn chế vi sinh vật từ cống thoát nước thâm
nhập vào bên trong nhà xưởng;
c) Hệ thống các đường ống phải
được thiết kế, chế tạo từ các vật liệu phù hợp, sơn màu khác nhau và có chỉ dẫn
dễ phân biệt.
4. Hệ thống thông gió
a) Nhà xưởng phải có các cửa
thông gió đảm bảo sự lưu thông của không khí, dễ thoát nhiệt và khí phát sinh
trong quá trình sản xuất; trường hợp thông gió cưỡng bức thì thiết bị điều hòa
phải đảm bảo đủ không khí sạch, dễ lưu thông;
b) Khu vực đặt hệ thống thiết bị
chiết rót sản phẩm phải luôn khô, thoáng, sạch sẽ.
5. Hệ thống cấp nước và chứa nước
a) Phải đảm bảo đủ nguồn nước cấp
đạt tiêu chuẩn;
b) Có đủ hệ thống bơm, xử lý nước,
bồn/bể chứa nước, hệ thống đường ống dẫn luôn trong tình trạng sử dụng tốt; định
kỳ kiểm tra để tránh hiện tượng chảy ngược hay tắc nghẽn đường ống;
c) Đường ống cấp nước phải
riêng biệt, có ký hiệu riêng dễ nhận biết, dễ vệ sinh và đảm bảo an toàn nguồn
nước sạch, tránh tình trạng lây nhiễm;
d) Bồn/bể chứa, bể lắng, bể lọc
phải phù hợp với công nghệ xử lý nước cấp; thực hiện vệ sinh theo quy định hoặc
khi cần thiết;
đ) Trong trường hợp có sự cố về
chất lượng nước, lập tức dừng sản xuất và cô lập sản phẩm sản xuất trong thời
gian xảy ra sự cố;
e) Có máy phát điện và máy bơm
nước dự phòng trong trường hợp mất điện hoặc máy bơm nước bị hỏng để đáp ứng
yêu cầu sản xuất liên tục của cơ sở;
g) Nước sau khi xử lý đạt tiêu
chuẩn dùng để sản xuất sữa được chứa và bảo quản đảm bảo không bị thôi nhiễm hoặc
bị nhiễm bẩn từ các nguồn ô nhiễm khác.
6. Hệ thống cung cấp hơi nước,
nhiệt và khí nén
a) Nồi hơi phải được thiết kế,
chế tạo từ vật liệu phù hợp, bố trí ở khu vực riêng, ngăn cách với khu vực sản
xuất, phải được kiểm tra, kiểm định định kỳ theo quy định hiện hành;
b) Hệ thống đường ống cấp hơi
nước, khí nén phải được thiết kế, chế tạo từ các vật liệu phù hợp, lắp đặt bảo
đảm an toàn, có chỉ dẫn dễ phân biệt với các hệ thống đường ống khác, phải được
kiểm tra định kỳ theo quy định hiện hành.
7. Hệ thống thu gom, xử lý chất
thải, nước thải, khí thải
a) Đối với chất thải rắn
- Phải được thu gom và chứa đựng
trong thùng hoặc dụng cụ chứa đựng phù hợp và đặt ở vị trí phù hợp để thuận tiện
cho việc thu gom, xử lý và không ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất;
- Các dụng cụ chứa phế liệu được
ghi rõ hoặc có dấu hiệu phân biệt với dụng cụ chứa nguyên liệu, bán thành phẩm
hay thành phẩm; làm bằng vật liệu không thấm nước, ít bị ăn mòn; đảm bảo kín,
thuận tiện để làm vệ sinh (nếu sử dụng lại nhiều lần) hay tiêu hủy (nếu sử dụng
1 lần);
- Phải được xử lý bởi tổ chức
hoặc cá nhân do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động trong
lĩnh vực xử lý môi trường.
b) Đối với nước thải sản xuất
và nước thải sinh hoạt
- Khu vực xử lý nước thải được
bố trí cách biệt với khu vực sản xuất;
- Công suất và công nghệ xử lý
phù hợp với lưu lượng thải tại công suất đỉnh của cơ sở sản xuất để đảm bảo nước
thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn quy định về môi trường;
- Không được thải trực tiếp nước
thải chưa xử lý ra môi trường xung quanh; rãnh thoát nước trong khu vực sản xuất
phải đảm bảo chảy từ nơi sạch đến nơi ít sạch hơn và đảm bảo thoát hết nước
trong điều kiện ngừng dòng chảy;
- Hố ga phải có nắp đậy, khu vực
chế biến phải thực hiện vệ sinh cống rãnh hố ga sau mỗi ngày sản xuất; định kỳ
khai thông cống rãnh, hố ga theo quy định.
c) Khí thải từ khu vực sản xuất
và hệ thống lò hơi phải được xử lý để tránh ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất
khác.
d) Đối với chất thải nguy hại
- Phải được thu gom, lưu trữ, vận
chuyển và xử lý riêng theo quy định hiện hành;
- Được quản lý và xử lý bởi tổ
chức hoặc cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động
trong lĩnh vực xử lý môi trường đối với chất thải nguy hại.
8. Hệ thống kho
a) Kho nguyên liệu, phụ gia
- Được bố trí riêng biệt với
khu sản xuất;
- Nguyên liệu, phụ gia được đặt
trên kệ/giá đỡ, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp;
- Đảm bảo các điều kiện quy định
về nhiệt độ, độ ẩm, thời gian và điều kiện lưu giữ khác theo hướng dẫn hoặc quy
định của nhà sản xuất;
- Đối với nguyên liệu, phụ gia
đã mở bao nhưng chưa sử dụng hết phải bao gói kín sau mỗi lần sử dụng và lưu
kho theo quy định;
- Nguyên liệu, phụ gia bảo quản
trong kho phải ghi các thông tin về: dấu cách tên nguyên liệu, phụ gia và thời
hạn sử dụng;
- Đối với kho chứa sữa tươi
nguyên liệu: Tại các trạm thu mua trung gian phải có hệ thống làm lạnh, có thiết
bị, dụng cụ, hóa chất để kiểm tra chất lượng sữa tươi nguyên liệu, lưu mẫu sữa
thu mua; bồn bảo quản sữa tươi nguyên liệu phải có lớp cách nhiệt, mặt trong bằng
các loại vật liệu không bị thôi nhiễm, đảm bảo luôn duy trì ở nhiệt độ 4oC
đến 6oC; thời gian bảo quản sữa tươi nguyên liệu tính từ khi vắt sữa
tới khi chế biến không quá 48 giờ; bồn chứa phải được vệ sinh ngay sau khi
không chứa sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo không còn vi sinh vật, tồn dư hóa chất
tẩy rửa theo quy định;
- Thực hiện chế độ bảo dưỡng và
vệ sinh định kỳ theo quy định của cơ sở;
- Chỉ những người có trách nhiệm
hoặc được phân công thực hiện mới được phép vào khu vực kho nguyên liệu.
b) Kho vật tư, bao bì, hóa chất
- Bố trí riêng biệt với khu sản
xuất;
- Vật tư, bao bì được sắp xếp
tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp;
- Bao bì trực tiếp tiếp xúc với
sản phẩm được bao gói theo quy định của nhà sản xuất;
- Thời gian, điều kiện bảo quản theo hướng dẫn hoặc
quy định của nhà sản xuất;
- Thực hiện chế độ bảo dưỡng và
vệ sinh định kỳ theo quy định của cơ sở.
c) Kho thành phẩm
- Bố trí riêng biệt với khu sản
xuất, thuận tiện cho việc nhập và xuất sản phẩm;
- Đảm bảo luôn duy trì nhiệt độ
theo quy định, khô, sạch, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp để
không làm thay đổi các chỉ tiêu chất lượng, cảm quan và an toàn của sản phẩm;
- Có khu vực dành riêng cho các
sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu chờ xử lý;
- Thực hiện chế độ bảo dưỡng và
vệ sinh định kỳ theo quy định của cơ sở;
- Sản phẩm được bảo quản trong
kho thành phẩm phải ghi các thông tin về: tên sản phẩm, lô hàng, ngày sản xuất,
ca sản xuất và thời hạn sử dụng;
- Đối với các sản phẩm yêu cầu
điều kiện bảo quản lạnh:
+ Sản phẩm phải được xếp trong
kho lạnh, đảm bảo luôn duy trì sự lưu thông của khí lạnh đến từng sản phẩm
trong kho lạnh;
+ Luôn duy trì nhiệt độ kho lạnh
theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.
9. Khu vực sản xuất
a) Khu vực chuẩn bị nguyên liệu
- Nguyên liệu sản xuất phải để
riêng từng loại, đặt trên kệ hoặc giá đỡ;
- Hương liệu được chuẩn bị
riêng, đảm bảo không bị nhiễm chéo;
- Các thiết bị đo lường phải đảm
bảo chính xác và hoạt động tốt;
- Vệ sinh thường xuyên, đảm bảo
không bị bụi bẩn, đọng nước;
- Chỉ những người có trách nhiệm
hoặc được phân công thực hiện mới được vào khu vực tiếp nhận nguyên liệu chuẩn
bị sản xuất.
b) Khu vực chế biến
- Thiết bị chế biến phải được vệ
sinh sạch trước khi sử dụng cho một chu kỳ sản xuất sản phẩm trong ngày;
- Rác thải được gom và đựng
trong túi nilon để đúng nơi quy định;
- Người làm việc trong khu vực
phối trộn, tiếp xúc trực tiếp sản phẩm phải đeo găng tay chống thấm, bền, màu
sáng và đảm bảo an toàn thực phẩm;
- Vệ sinh khu vực hàng ngày hoặc
ngay khi kết thúc chu kỳ sản xuất của từng loại sản phẩm;
- Chỉ những người có trách nhiệm
hoặc được phân công thực hiện mới được vào khu vực này để tránh xảy ra nhiễm
chéo.
c) Khu vực chiết, rót, đóng gói
- Buồng hoặc phòng chiết, rót
phải đảm bảo kín, vô trùng, duy trì nhiệt độ từ 20oC đến 28oC,
áp suất dương so với bên ngoài;
- Thiết bị chiết, rót trong buồng
hoặc phòng phải đảm bảo vô trùng trong suốt quá trình chiết, rót sản phẩm;
- Mặt phía trong của đường ống
dẫn sản phẩm tới thiết bị chiết, rót phải được khử trùng đúng quy định;
- Vệ sinh thiết bị chiết, rót
hàng ngày hoặc ngay khi kết thúc chu kỳ sản xuất của từng loại sản phẩm;
- Chỉ những người có trách nhiệm
hoặc được phân công thực hiện mới được vào khu vực này để tránh xảy ra nhiễm
chéo.
d) Khu vực thành phẩm
- Khu vực bao gói sữa thành phẩm
phải vệ sinh sạch sẽ trước khi bao gói, bảo đảm luôn khô ráo;
- Dụng cụ và thiết bị bao gói sữa
thành phẩm (bao gói màng co, in hạn sử dụng, băng chuyền, đóng gói thùng) phải
được vệ sinh sạch sẽ.
10. Vận chuyển nội bộ
a) Chủ cơ sở quy định cụ thể (bằng
văn bản) đối với phương tiện, phương thức, điều kiện bảo quản và quản lý an
toàn thực phẩm của sản phẩm trong quá trình vận chuyển sản phẩm sữa chế biến
thuộc phạm vi nội bộ;
b) Không vận chuyển sản phẩm sữa
chế biến cùng các loại vật tư, nguyên liệu, hóa chất có thể gây nhiễm chéo ảnh
hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm.
11. Hệ thống kiểm soát chất lượng
nguyên liệu và sản phẩm
a) Khu vực kiểm soát chất lượng
được bố trí riêng biệt, thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng trong quá
trình sản xuất; được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ tối thiểu để
đo đạc, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với các nguyên liệu chính
và thành phẩm. Bộ phận kiểm tra vi sinh vật phải đảm bảo vô trùng và cách biệt
với các bộ phận kiểm tra khác;
b) Trường hợp không có phòng kiểm
soát chất lượng thì cơ sở phải có hợp đồng thuê khoán với đơn vị kiểm tra, phân
tích có năng lực và chuyên môn phù hợp để kiểm soát các chỉ tiêu cơ bản của
nguyên liệu chính và thành phẩm;
c) Có khu vực lưu mẫu, hồ sơ
lưu mẫu và bảo đảm thực hiện chế độ lưu, hủy mẫu theo yêu cầu bảo quản của từng
loại mẫu.
12. Quản lý hồ sơ
a) Có đầy đủ hồ sơ quản lý (hợp
đồng, hóa đơn, chứng từ, phiếu kiểm nghiệm chất lượng, hồ sơ công bố hợp quy hoặc
công bố phù hợp an toàn thực phẩm và các tài liệu khác liên quan) đối với
nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vật tư, bao bì,
hóa chất phục vụ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm;
b) Có đầy đủ hồ sơ quản lý an
toàn thực phẩm theo quy định (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm, Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận bản công bố phù hợp
quy định an toàn thực phẩm) đối với các sản phẩm sữa chế biến được sản xuất tại
cơ sở.
Điều 6. Dụng
cụ, trang thiết bị, bao bì chứa đựng sữa chế biến
1. Dụng cụ, bao bì chứa đựng tiếp
xúc trực tiếp sản phẩm sữa chế biến thực hiện các quy định tại Thông tư số
34/2011/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Bộ Y tế ban hành các quy chuẩn Quốc
gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
2. Máy móc, thiết bị và đồ dùng
tiếp xúc với sữa và các nguyên liệu được thiết kế và chế tạo đồng bộ, được làm
bằng vật liệu không gỉ, không gây độc hại cho việc sử dụng đã định, khi cần được
làm sạch, tẩy trùng và duy tu bảo dưỡng dễ dàng để tránh gây nhiễm bẩn.
3. Thiết bị dùng để xử lý nhiệt,
làm nguội, làm lạnh và giữ lạnh sữa được thiết kế đảm bảo nhanh chóng đạt được
nhiệt độ theo yêu cầu kỹ thuật, duy trì một cách hữu hiệu; có thể giám sát, kiểm
soát được nhiệt độ theo đúng quy định.
4. Khí thổi trực tiếp vào sản
phẩm (nếu có) phải đảm bảo vô trùng.
5. Có hệ thống kiểm soát báo động
khi các thông số chế biến (nhiệt độ, áp suất) vượt quá quy định.
6. Dụng cụ đựng phế thải và hóa
chất độc hại được thiết kế phù hợp và an toàn, dễ nhận biết, làm từ vật liệu bền,
ít hư hỏng.
7. Thiết bị, dụng cụ phục vụ sản
xuất, chế biến, kiểm tra phải được định kỳ bảo dưỡng, thay mới khi bị hư hỏng
hoặc có dấu hiệu hư hỏng.
Thiết bị kiểm tra, đo lường, thử
nghiệm, thiết bị có quy định an toàn nghiêm ngặt phải được hiệu chuẩn, kiểm định
theo quy định.
8. Việc sửa chữa và bảo dưỡng dụng
cụ, thiết bị, máy móc chỉ được tiến hành ngoài khu vực sản xuất hoặc khi ngừng
sản xuất. Trường hợp tiến hành sửa chữa tại chỗ hoặc bảo dưỡng dụng cụ, thiết bị,
máy móc định kì phải tiến hành vệ sinh ngay sau khi kết thúc công việc.
9. Dầu mỡ để bôi trơn các bộ phận
của trang thiết bị, máy móc có tiếp xúc với sản phẩm phải thuộc loại được phép
sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Điều 7. Chủ
cơ sở, người trực tiếp sản xuất và khách tham quan
1. Chủ cơ sở và người trực tiếp
sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do
các cơ quan, đơn vị có chức năng được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện.
2. Chủ cơ sở phải có trách nhiệm
tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất theo định
kỳ ít nhất 01 (một) lần trong 01 (một) năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện
trở lên. Hồ sơ theo dõi sức khỏe của các cá nhân được lưu giữ đầy đủ tại cơ sở.
3. Chỉ tuyển dụng những người
có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế đối với những người trực
tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Người trực tiếp sản xuất khi
mắc bệnh phải báo cáo với người có thẩm quyền để bố trí làm việc khác hoặc nghỉ
điều trị theo chế độ và chỉ được làm việc trở lại khi có chứng nhận đã khỏi bệnh
và có đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm của cơ
quan y tế có thẩm quyền.
5. Người tham gia sản xuất, chế
biến phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh cá nhân, trước khi vào làm việc, thay
trang phục bảo hộ lao động phù hợp với vị trí làm việc.
6. Khách tham quan cơ sở phải
thay trang phục bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh cá
nhân của cơ sở.
Chương
III
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN
TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH SẢN PHẨM
Điều 8. Cơ
sở kinh doanh sữa chế biến
1. Khu vực bày bán, bảo quản, chứa
đựng sản phẩm phải luôn khô ráo và sạch sẽ, bảo đảm không làm thay đổi đặc tính
của sản phẩm, không bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại, tạp chất hay các vi
sinh vật gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
2. Tuân thủ độ cao xếp lớp lưu
kho theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3. Có quy trình vệ sinh cơ sở
và ghi nhật ký vệ sinh do chủ cơ sở quy định.
Điều 9. Dụng
cụ, trang thiết bị kinh doanh sữa chế biến
Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ
trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh
sáng và các điều kiện khác theo yêu cầu của nhà sản xuất đối với từng loại sản
phẩm trong suốt quá trình bảo quản và kinh doanh sản phẩm sữa chế biến.
Điều 10.
Quản lý hồ sơ
Cơ sở kinh doanh sữa chế biến
phải lưu giữ đầy đủ các hồ sơ, chứng từ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ và
chất lượng sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và an toàn
thực phẩm của sản phẩm.
Điều 11. Vận
chuyển sữa chế biến
1. Phương tiện vận chuyển phải
đảm bảo tránh côn trùng xâm nhập, tránh nhiễm bẩn từ các nguồn gây nhiễm khác
và dễ làm sạch.
2. Trong quá trình vận chuyển
phải phân loại và sắp xếp riêng các sản phẩm sữa khác nhau, bảo đảm duy trì các
điều kiện bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất trong suốt quá trình
vận chuyển.
3. Không vận chuyển sản phẩm sữa
chế biến cùng các loại hàng hóa độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến
chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm.
4. Phương tiện vận chuyển và
các loại trang thiết bị, dụng cụ dùng để chứa đựng sản phẩm trong quá trình vận
chuyển phải được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
5. Cơ sở phải có nội quy quy định
về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển sản phẩm sữa
chế biến.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ
chức thực hiện
1. Bộ Công Thương giao Vụ Khoa
học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến,
hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi toàn quốc.
2. Sở Công Thương các tỉnh/thành
phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Thông tư này
trên địa bàn quản lý.
3. Trong quá trình thực hiện,
căn cứ yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, Vụ Khoa học và Công nghệ có trách
nhiệm kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung, sửa đổi Thông tư này khi cần thiết.
Điều 13.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày 03 tháng 02 năm 2015./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí Thư;
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Các Lãnh đạo Bộ Công Thương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC, KHCN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hồ Thị Kim Thoa
|