BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53/2024/TT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XE CƠ GIỚI
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG XANH, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP
ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa
học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban
hành Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu
nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi
trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư quy định về phân loại
phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng
lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ
chức, cá nhân có liên quan đến phân loại phương tiện giao thông đường bộ, dấu
hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện
môi trường.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các cụm từ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống truyền động điện
(Electric powertrain) là hệ thống bao gồm một hoặc nhiều: thiết bị tích trữ
điện năng (ắc quy, pin, bánh đà điện cơ hoặc siêu tụ); thiết bị ổn định điện
năng; thiết bị điện được sử dụng để chuyển đổi điện năng tích trữ thành cơ năng
truyền tới các bánh xe làm nguồn động lực cho xe chuyển động;
2. Xe thuần điện (PEV - Pure
electric vehicle hoặc BEV - Battery electric vehicle) là xe cơ giới sử dụng hệ
thống truyền động điện;
3. Xe điện dùng pin nhiên liệu thuần
túy (PFCEV - Pure fuel cell electric vehicle hoặc FCEV - Fuel cell electric
vehicle) là xe cơ giới điện sử dụng pin nhiên liệu thuần túy, trong đó hệ thống
pin nhiên liệu là nguồn năng lượng duy nhất trên xe cho hệ thống động lực của
xe;
4. Hệ thống truyền động hybrid điện
(Hybrid electric powertrain) là hệ truyền động tiêu thụ năng lượng từ cả hai
nguồn năng lượng được tích trữ trên xe, gồm nhiên liệu và thiết bị tích trữ
điện năng;
5. Xe hybrid điện (HEV - Hybrid
electric vehicle) là xe cơ giới được dẫn động bằng hệ thống truyền động hybrid
điện (bao gồm cả xe sử dụng nhiên liệu tiêu thụ chỉ để nạp điện cho thiết bị
tích trữ điện năng), gồm có:
a) Xe hybrid điện nhẹ (MHEV - Mild
hybrid electric vehicle) là xe hybrid điện; động cơ (mô-tơ) điện có chức năng
hỗ trợ động cơ đốt trong khởi động, hỗ trợ tăng tốc, phanh tái tạo và cung cấp
năng lượng cho hệ thống phụ trợ. Xe không có khả năng nạp điện được từ nguồn điện
bên ngoài;
b) Xe hybrid điện hoàn toàn (FHEV-
Full hybrid electric vehicle hoặc SHEV
- Strong hybrid electric vehicle) là
xe hybrid điện có khả năng di chuyển hoàn toàn chỉ bằng năng lượng điện trong
những điều kiện nhất định (như bắt đầu di chuyển từ trạng thái đứng yên, di
chuyển ở tốc độ thấp...). Xe không có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên
ngoài;
c) Xe hybrid nạp điện ngoài (PHEV -
Plug-in hybrid electric vehicle) là xe hybrid điện có khả năng nạp điện được từ
nguồn điện bên ngoài.
Chương II
PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN
GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THEO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG
Điều 4. Xe cơ giới
Xe cơ giới quy định tại khoản 1 Điều
34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm:
1. Xe ô tô được phân loại như sau:
a) Xe ô tô chở người là các loại ô
tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo. Ô tô
chở người cũng có thể kéo theo một rơ moóc. Các loại ô tô chở người gồm:
Ô tô chở người đến 08 chỗ (không kể
chỗ của người lái xe) gồm các loại quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo
Thông tư này;
Ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể
chỗ của người lái xe) gồm các loại quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo
Thông tư này;
Ô tô chở người chuyên dùng là ô tô
chở người có đặc điểm khác với đặc điểm của các loại ô tô chở người nêu trên,
có kết cấu và trang bị để chở người trong điều kiện đặc biệt hoặc chở người với
sự sắp xếp đặc biệt, gồm các loại quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo
Thông tư này;
b) Ô tô chở hàng là các loại ô tô có
kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng. Ô tô chở hàng có thể bố trí tối
đa hai hàng ghế và chở không quá 06 người kể cả người lái trong cabin. Ô tô chở
hàng cũng có thể kéo theo một rơ moóc. Các loại ô tô chở hàng gồm:
Ô tô tải thông dụng gồm các loại quy
định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
Ô tô tải chuyên dùng bao gồm các
loại ô tô chở hàng có kết cấu và trang bị để chở hàng hóa cần sự sắp xếp đặc
biệt gồm các loại quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Ô tô chuyên dùng là các loại ô tô
có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt khác với
các loại ô tô nêu tại điểm a và điểm b khoản này. Ô tô chuyên dùng gồm các loại
ô tô quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Ô tô đầu kéo là ô tô được thiết
kế để kéo sơ mi rơ moóc và có các trang, thiết bị gồm: cơ cấu mâm kéo
(fifth-wheel coupling); cơ cấu kết nối và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu và
hệ thống phanh của sơ mi rơ moóc; có thể trang bị cần cẩu, máy phát điện, cơ
cấu móc kéo (tow coupling, hook coupling) để kéo rơ moóc;
đ) Ô tô kéo moóc là ô tô được thiết
kế dành riêng hoặc chủ yếu dùng để kéo rơ moóc và có các trang, thiết bị gồm:
cơ cấu móc kéo (tow coupling, hook coupling); thùng hoặc sàn chất phụ tải; cơ
cấu kết nối và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu và hệ thống phanh của rơ moóc;
Ô tô kéo moóc không bao gồm: ô tô
chở hàng có trang bị cơ cấu móc kéo; ô tô đầu kéo trang bị thêm cơ cấu móc kéo.
2. Rơ moóc được phân loại theo quy
định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Sơ mi rơ moóc được phân loại theo
quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Xe chở người bốn bánh có gắn động
cơ được phân loại như sau:
a) Xe chở người bốn bánh có gắn động
cơ tham gia giao thông công cộng là xe được thiết kế để hoạt động trên đường
giao thông công cộng;
b) Xe chở người bốn bánh có gắn động
cơ hoạt động trên đường chuyên dùng, nội bộ là xe được thiết kế chỉ để hoạt
động trên đường chuyên dùng, đường nội bộ.
5. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động
cơ.
6. Xe mô tô được phân loại như sau:
a) Xe mô tô hai bánh;
b) Xe mô tô ba bánh chở người;
c) Xe mô tô ba bánh chở hàng;
d) Xe mô tô ba bánh dùng cho người
khuyết tật.
7. Xe gắn máy được phân loại như
sau:
a) Xe gắn máy hai bánh;
b) Xe gắn máy ba bánh chở người;
c) Xe gắn máy ba bánh chở hàng;
d) Xe gắn máy ba bánh dùng cho người
khuyết tật.
Điều 5. Xe máy chuyên dùng
Xe máy chuyên dùng được phân loại
như sau:
1. Xe máy thi công được phân loại
theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp là
xe máy chuyên dùng chỉ phục vụ trong nông nghiệp, lâm nghiệp;
3. Máy kéo;
4. Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo
bởi máy kéo: Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được thiết kế, chế tạo chỉ để kéo bởi máy
kéo;
5. Xe máy thực hiện chức năng, công
dụng đặc biệt được phân loại theo quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo
Thông tư này;
6. Các loại xe đặc chủng sử dụng vào
mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Điều 6. Xe thô sơ
Xe thô sơ gồm các loại xe được quy
định tại khoản 2 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chương III
PHÂN LOẠI XE CƠ GIỚI
THEO MỨC ĐỘ TỰ ĐỘNG HÓA
Điều 7. Phương tiện giao thông thông
thường
Phương tiện giao thông thông thường
là xe cơ giới mà người lái thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ điều khiển chuyển
động của xe ngay cả khi được hỗ trợ bởi các hệ thống an toàn chủ động trên xe.
Điều 8. Phương tiện giao thông thông
minh
Phương tiện giao thông thông minh
quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông được phân loại
theo cấp độ tự động hóa một phần hoặc toàn phần hoạt động điều khiển phương
tiện, cụ thể như sau:
1. Xe cơ giới cho phép tự động hóa
một phần hoạt động điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình
huống khi tham gia giao thông đường bộ là các xe thuộc cấp độ 1 (Level or
Category 1), cấp độ 2 (Level or Category 2) hoặc cấp độ 3 (Level or Category 3)
được phân loại và định nghĩa trong tiêu chuẩn ISO/SAE PAS 22736:2021 Phân loại
và định nghĩa đối với các thuật ngữ liên quan đến hệ thống tự lái của xe cơ
giới (Taxonomy and definitions for terms related to driving automation systems
for on-road motor vehicles);
2. Xe cơ giới cho phép tự động hóa
toàn phần hoạt động điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình
huống khi tham gia giao thông đường bộ là các xe thuộc cấp độ 4 (Level or
Category 4) hoặc cấp độ 5 (Level or Category 5) được phân loại và định nghĩa
trong tiêu chuẩn ISO/SAE PAS 22736:2021 Phân loại và định nghĩa đối với các
thuật ngữ liên quan đến hệ thống tự lái của xe cơ giới (Taxonomy and
definitions for terms related to driving automation systems for on-road motor
vehicles).
Chương IV
PHÂN LOẠI XE CƠ GIỚI
THEO NĂNG LƯỢNG SỬ DỤNG VÀ QUY ĐỊNH VỀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XE CƠ GIỚI SỬ DỤNG
NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG XANH, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Điều 9. Phân loại xe cơ giới theo
năng lượng sử dụng
Theo loại năng lượng sử dụng, xe cơ
giới (trừ rơ moóc và sơ mi rơ moóc) được phân loại như sau:
1. Xe cơ giới chỉ có động cơ sử dụng
nhiên liệu xăng hoặc điêzen;
2. Xe cơ giới thân thiện môi trường
là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải các-bon
trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường nêu tại khoản 1 của Điều
này (như xe sử dụng nhiên liệu CNG, xe hybrid điện nhẹ MHEV, xe hybrid điện
hoàn toàn FHEV hoặc SHEV, xe hybrid nạp điện ngoài PHEV);
3. Xe cơ giới sử dụng năng lượng
sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực
tiếp các-bon khi vận hành (như xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin
nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).
Điều 10. Quy định về dấu hiệu nhận
biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường
Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch,
năng lượng xanh, thân thiện môi trường được xác định theo quy định tại khoản 3
Điều 9 Thông tư này. Dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch,
năng lượng xanh, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông được nhận biết
bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây. Chi tiết mẫu tem quy định tại Thông
tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự, thủ tục kiểm định,
miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ
tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày
01 tháng 01 năm 2025.
2. Trường hợp các tiêu chuẩn được
dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo
tiêu chuẩn đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
Phương tiện giao thông đường bộ đã
được phân loại và xác định trong thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu; giấy chứng nhận chất lượng an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp; giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo được cấp
trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng để thực hiện thủ tục
nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo, đăng ký và kiểm định xe./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng
(để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN&MT(H.Lưu).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Lâm
|