Thông tư 52/2013/TT-BTC hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 52/2013/TT-BTC
Ngày ban hành 03/05/2013
Ngày có hiệu lực 18/06/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN HỖ TRỢ TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 42/2012/QĐ-TTG NGÀY 08/10/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là bảo hiểm), đào tạo nghề ngắn hạn, định mức lao động, tiền thuê đất cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư, gồm:

1. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thuỷ sản do nhà nước làm chủ sở hữu;

2. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ;

3. Hợp tác xã;

4. Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Các đối tượng nêu trên (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (kèm theo danh sách).

Điều 3. Chính sách hỗ trợ

1. Hỗ trợ về đào tạo nghề ngắn hạn:

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế) cho việc đào tạo nghề đối với lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số, có đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc theo yêu cầu phải đào tạo trong kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động.

2. Hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị có sử dụng lao động tiền bảo hiểm cho lao động là người dân tộc thiểu số được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động. Thời gian Ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho đơn vị sử dụng lao động tối đa là 05 năm đối với một người lao động.

3. Hỗ trợ về định mức lao động:

a) Đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị do cơ quan có thẩm quyền quyết định để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20% định mức lao động chung cho đơn vị để giao khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng tối đa là 5 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.

b) Định mức lao động chung do cơ quan có thẩm quyền quyết định, trong đó:

- Đối với các đơn vị sử dụng lao động thuộc Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước do Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước quyết định.

- Đối với các đơn vị sử dụng lao động khác của nhà nước trực thuộc các Bộ quản lý ngành (gọi tắt là Bộ) do Bộ trưởng các Bộ quyết định.

- Đối với đơn vị sử dụng lao động trực thuộc địa phương kể cả các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), có trụ sở chính đóng trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

[...]