Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 519-VH-TT năm 1957 quy định và giải thích về tổ chức và lãnh đạo Chi sở phát hành sách ở các khu, tỉnh và thành phố do Bộ Văn hóa ban hành

Số hiệu 519-VH-TT
Ngày ban hành 24/04/1957
Ngày có hiệu lực 09/05/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá
Người ký Hoàng Minh Giám
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 519-VH-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VÀ GIẢI THÍCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CHI SỞ PHÁT HÀNH SÁCH Ở CÁC KHU, TỈNH VÀ THÀNH PHỐ

Kính gửi:

-Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố;
-Cục Xuất bản;
-Các Phòng, Sở, Ty Văn hóa;
-Sở Phát hành sách trung ương;
-Chi sở phát hành sách các khu, tỉnh và thành phố

 

Bộ đã ra nghị định số 518-VH-NĐ ngày 24-4-1957 quy định tổ chức và lãnh đạo Chi sở phát hành sách ở các khu, tỉnh và thành phố. Để các cơ quan có trách nhiệm thi hành nghị định được tốt, Bộ quy định và giải thích thêm một số vấn đề sau đây giải thích rõ tinh thần những điều nói trong nghị định:

I- TÍNH CHẤT VÀ NHIỆM VỤ CỦA CHI SỞ PHÁT HÀNH SÁCH.

Chi sở phát hành sách là một cơ quan phục vụ công tác văn hoá, công tác tuyên truyền và giáo dục bằng cách phát hành sách và các loại văn hóa phẩm khác. Đồng thời, cũng là một quốc doanh ở trong hệ thống doanh nghiệp của Sở phát hành sách trung ương, được cấp vốn và kinh doanh theo đường lối, kế hoạch chung của Bộ Văn hóa và của Sở phát hành. Nhiệm vụ của Chi sở phát hành sách là:

1) Tổ chức phục vụ đầy đủ và kịp thời cho nhiệm vụ chính trị, thỏa mãn đầy đủ nhu cầu sách của nhân dân địa phương, nhằm góp phần làm cho trình độ kiến thức của nhân dân ngày càng được nâng cao, sinh hoạt văn  hoá ở địa phương ngày càng được phát triển.

2) Quản lý và tích luỹ vốn cho Nhà nước bằng cách chấp hành đúng đường lối, kế hoạch kinh doanh của Bộ Văn hóa và của Sở phát hành sách trung ương thể hiện trên các chế độ điều lệ, nguyên tắc đã quy định.

3) Tổ chức, giáo dục, điều khiển các lực lượng phát hành quốc doanh, tư nhân và xã hội, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch phát hành và kế hoạch kinh doanh hàng tháng, hàng quý và hàng năm đã được thông qua.

Căn cứ vào tính chất và nhiệm vụ nói trên, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức chung của chính quyền, Chi sở phát hành sách tổ chức thành một cơ quan riêng ở các khu, tỉnh và thành phố , đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của cơ quan ngành dọc là Sở phát hành sách trung ương và của ngành ngang là Sở hoặc Ty văn hóa.

II- NỘI DUNG, PHẠM VI LÃNH ĐẠO VÀ CHỈ ĐẠO CỦA SỞ PHÁT HÀNH SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ CỦA SỞ, TY VĂN HÓA.

Nội dung công tác lãnh đạo và chỉ đạo Chi sở phát hành sách có thể bao gồm và thể hiện trên các mặt: nghiệp vụ, kinh doanh, tổ chức và cán bộ. Dưới đây Bộ quy định nội dung phạm vi lãnh đạo và chỉ đạo một số loại công tác cụ thể trên các mặt ấy:

1) Về nghiệp vụ:

Gồm những công tác chính như sau:

- Xây dựng và thực hiện các loại chỉ tiêu kế hoạch phát hành và kinh doanh hàng năm, hàng quý, hàng tháng.

- Tổ chức phát hành phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nói chung phục vụ cho nhu cầu sách của nhân dân địa phương ở nông thôn, thành thị, cơ quan, công trường, xí nghiệp, bộ đội, trường học v.v...

- Tổ chức, lãnh đạo, giáo dục các lực lượng phát hành quốc doanh, tư nhân và xã hội (cửa hàng Hiệu sách nhân dân, cán bộ phát hành, phát hành nông thôn, đại lý, cộng tác viên v.v...)

Trên những mặt công tác ấy, nói chung nhằm đẩy mạnh việc phát hành sách ở địa phương, Sở phát hành sách trung ương chỉ lãnh đạo trên đường lối, phương châm, kế hoạch có tính chất chung toàn ngành. Thí dụ, về công tác tổ chức và xây dựng lực lượng phát hành năm1957, Sở phát hành chỉ đề ra phương châm chung là: "Tiếp tục tăng cường quốc doanh, củng cố và phát triển phát hành nông thôn và đại lý, tranh thủ sử dụng các lực lượng xã hội". Dựa vào phương châm ấy, Sở hoặc Ty Văn hóa sẽ chỉ đạo Chi sở bằng cách đề ra ý kiến về chủ trương, phương châm, kế hoạch thích hợp với hoàn cảnh địa phương, hướng dẫn Chi sở xây dựng chủ trương, kế hoạch cụ thể, thông qua và sau đó kiểm tra, đôn đốc việc thi hành.Tóm lại, về mặt nghiệp vụ, miễn sao Sở, Ty Văn hóa áp dụng chỉ đạo không trái với tinh thần đường lối, phương châm, kế hoạch chung là được. Tuy vậy, một số côn tác thuộc về nghiệp vụ nhưng có liên quan đến công tác kinh doanh như mở thêm cửa hàng Hiệu sách nhân dân, phát triển thêm phát hành nông thôn v.v... do đó ảnh hưởng đến kế hoạch tài vụ của Sở phát hành thì nhất thiết phải được Sở phát hành thông qua trước khi thực hiện.

2) Về kinh doanh:

Gồm một số công tác lớn sau đây:

- Quyết định và điều chỉnh vốn kinh doanh của Chi sở phát hành.

- Duyệt ngân sách chỉ tiêu hàng năm, hàng quý, hàng tháng cả về mặt hành chính và nghiệp vụ.

- Xây dựng các chủ trương, chính sách, chế độ về quản lý, kinh doanh như điều lệ đại lý, chế độ đối với cán bộ phát hành, với phát hành nông thôn, với cửa hàng, chủ trương hạ giá sách, hủy bỏ sách rách nát, nguyên tắc quản lý kho, quỹ v.v...

Đối với những công tác này, Sở phát hành chỉ đạo các Chi sở thi hành bằng cách đề ra các chủ trương, chính sách, chế độ cụ thể chung cho toàn ngành hoặc riêng cho từng Chi sở. Về phía Sở, Ty Văn hóa, nói chung đối với công tác kinh doanh, chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra sự thực hiện không có trách nhiệm sửa đổi nhưng có quyền đề nghị xét lại nếu thấy cần thiết.

3) Về tổ chức và cán bộ:

Biên chế và tổ chức nội bộ Chi sở phát hành vì có quan hệ đến kế hoạch kinh doanh nên cần thiết phải do Sở phát hành sách trung ương, dưới sự lãnh đạo của Bộ Văn hoá, quy định. Nhưng cán bộ, công nhân viên trong biên chế thì do Uỷ ban Hành chính địa phương thống nhất quản lý về mọi mặt. Riêng việc đề bạt, thuyên chuyển, Ủy ban Hành chính cần chú ý mấy điểm dưới đây để tranh tình trạng ảnh hưởng đến sự thực hiện kế hoạch kinh doanh của Chi sở:

- Nói chung cán bộ, công nhân viên của Chi sở không được sử dụng vào các công tác thường xuyên khác trong tỉnh, trừ trường hợp phục vụ các nhiệm vụ chính trị có tính chất rất đặc biệt và đột xuất (nhưng Ủy ban Hành chính sử dụng thì phải đồng thời báo cho Sở phát hành biết).

[...]