Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 5-TT/TCCB-1984 hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng thuỷ lợi huyện và các đơn vị sản xuất thuộc ngành Thuỷ lợi huyện do Bộ Thuỷ lợi ban hành

Số hiệu 5-TT/TCCB
Ngày ban hành 29/11/1984
Ngày có hiệu lực 14/12/1984
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ lợi
Người ký Nguyễn Cảnh Dinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ THUỶ LỢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số:5-TT/TCCB

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 1984

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ LỢI SỐ 5-TT/TCCB NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 1984 HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG THUỶ LỢI HUYỆN VÀ CÁC ĐƠN VỊ SẢN SUẤT THUỘC NGÀNH THUỶ LỢI HUYỆN

Thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), Nghị quyết số 50-HĐBT ngày 17 tháng 5 năm 1983 của Hội Đồng Bộ Trưởng về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, và Nghị định số 86-HĐBT ngày 6 tháng 8 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện, Bộ Thuỷ lợi ra thông tư hướng dẫn như sau:

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP HUYỆN TRONG CÔNG TÁC THUỶ LỢI

Trong phạm vi lãnh thổ của huyện, Uỷ ban Nhân dân huyện có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo công tác thuỷ lợi trên các lĩnh vực:

1. Quản lý bảo vệ tài nguyên nước (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm) không để gây biến đổi về chất và lượng có ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Tham gia lập quy hoạch thuỷ lợi những vùng có liên quan đến huyện trong quy hoạch lưu vực;

- Tổ chức xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch thuỷ lợi trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch tổng thể về kinh tế, xã hội của huyện, phù hợp với quy hoạch chung của lưu vực;

- Xây dựng kế hoạch thuỷ lợi của huyện và tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; tham gia thực hiện kế hoạch phát triển thuỷ lợi có liên quan đến huyện.

2. Tổ chức xây dựng các công trình thuỷ lợi (kể cả thuỷ điện nhỏ) do huyện đầu tư hoặc tỉnh và huyện cùng đầu tư và những công trình thuỷ lợi do xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch và chế độ hiện hành của Nhà nước.

3. Tổ chức, chỉ đạo công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thuỷ lợi thuộc quyền quản lý của huyện.

Quản lý, bảo vệ phần được phân cấp trong các công trình thuỷ lợi do tỉnh trực tiếp quản lý.

Tổ chức, chỉ đạo thu thuỷ lợi phí theo chỉ tiêu kế hoạch và hợp đồng kinh tế giữa các hộ dùng nước của huyện với xí nghiệp thuỷ nông.

4. Tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống lũ, lụt, bảo vệ, tu bổ đê, kè, cống và các công trình phòng, chống lũ lụt khác, bảo đảm an toàn cho sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.

II. TỔ CHỨC PHÒNG THUỶ LỢI HUYỆN

Trong Nghị định số 86-HĐBT ngày 4 tháng 8 năm 1983 quy định: Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện gọi là Phòng và Ban. Phòng và Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống ngành từ trung ương đến cấp huyện.

Các Phòng, Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện có hai chức năng:

1. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện; chỉ đạo các đơn vị này thực hiện kế hoạch Nhà nước và các mặt công tác khác ở địa phương; thực hiện quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố đóng trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.

2. Bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý chuyên môn theo ngành dọc ở địa phương.

Các phòng, Ban chuyên môn của huyện có bốn nhiệm vụ là xây dựng quy hoạch ngành; xây dựng kế hoạch ngành; quản lý, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của Nhà nước; tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ do cấp trên giao cho huyện.

Bộ Thuỷ lợi hướng dẫn về tổ chức và nhiệm vụ của Phòng thuỷ lợi như sau:

1. Nói chung các huyện đều tổ chức Phòng thuỷ lợi trực thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện.

2. Các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các quận vùng ven nội của thành phố trực thuộc trung ương và một số huyện hải đảo, rẻo cao vùng biên giới tuỳ theo nhiệm vụ công tác thuỷ lợi, nhiều hay ít và sự quan hệ mật thiết với các ngành mà có thể thành lập Phòng thuỷ lợi huyện riêng hoặc ghép thuỷ lợi với nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... thành Phòng nông nghiệp - thuỷ lợi hoặc Phòng nông - lâm nghiệp - thuỷ lợi, hoặc giao thông - thuỷ lợi...

Phòng thuỷ lợi giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Xây dựng quy hoạch thuỷ lợi của huyện:

- Căn cứ vào quy hoạch tổng thể về kinh tế, xã hội của huyện, quy hoạch thuỷ lợi của tỉnh và của lưu vực có liên quan đến huyện, xây dựng quy hoạch phát triển ngành thuỷ lợi của huyện (bao gồm quy hoạch phát triển nhiệm vụ thuỷ lợi, phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển tổ chức và lực lượng làm thuỷ lợi...).

- Tham gia với Bộ và tỉnh làm quy hoạch thuỷ lợi vùng có liên quan đến huyện.

- Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Sở Thuỷ lợi, lập quy hoạch cụ thể về phát triển thuỷ lợi của huyện và thường xuyên rà xét, bổ sung quy hoạch đó cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của huyện và quy hoạch lưu vực.

[...]