BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
49/2020/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
31 tháng 12 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH BIÊN SOẠN, CHỈNH SỬA
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON; TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THẨM
ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục mầm non;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa
chương trình giáo dục mầm non; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm
định chương trình giáo dục mầm non.
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về
tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; quy định
nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành
viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non (sau đây gọi
tắt là Hội đồng thẩm định).
2. Thông tư này áp dụng đối
với việc biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; Hội đồng thẩm định
chương trình giáo dục mầm non; tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều
2. Chương trình giáo dục mầm non
1. Chương trình giáo dục mầm non thể hiện quan điểm giáo dục, mục
tiêu giáo dục mầm non (mục tiêu tổng thể và mục tiêu của từng giai đoạn lứa tuổi
gồm trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo), yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi theo các lĩnh vực
phát triển, yêu cầu về các hoạt động giáo dục, phương pháp giáo dục, hình thức
tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển trẻ em,
điều kiện để đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
2. Chương trình giáo dục mầm non gồm chương trình nhà trẻ và
chương trình mẫu giáo, được sử dụng thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực
hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục mầm
non.
Chương
II
TIÊU CHUẨN, QUY
TRÌNH BIÊN SOẠN, CHỈNH SỬA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON
Điều
3. Nguyên tắc biên soạn chương trình giáo dục mầm non
1. Quán triệt đường lối,
quan điểm của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; đảm bảo tính đồng bộ giữa
việc ban hành chương trình và các quy định liên quan.
2. Đảm bảo tính chính xác
khoa học; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; thống nhất
thực hiện trong toàn quốc, đồng thời đảm bảo được phát triển phù hợp với điều
kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và vùng miền.
3. Đảm bảo tính đồng tâm
phát triển, liên thông giữa các lứa tuổi, các lĩnh vực phát triển và liên thông
với chương trình giáo dục phổ thông.
4. Kế thừa ưu điểm của
chương trình hiện hành, đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của
các nước có nền giáo dục phát triển; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Điều
4. Tiêu chuẩn chương trình giáo dục mầm non
1. Quan điểm biên soạn
chương trình giáo dục mầm non thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Đảng,
Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
2. Mục tiêu chương trình
giáo dục mầm non phải đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất,
tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách,
chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
3. Nội dung chương trình
giáo dục mầm non vừa đảm bảo tính cốt lõi, áp dụng đối với mọi trẻ em, đồng thời
tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận với những nội dung giáo dục đáp ứng sự đa dạng
của nhu cầu giáo dục, phù hợp với điều kiện và sự phát triển kinh tế-xã hội của
các địa phương, của nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo thực hiện
mục tiêu giáo dục mầm non; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn
giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị xã hội; bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm
sinh lý của trẻ em.
4. Phương pháp chăm sóc,
nuôi dưỡng và giáo dục ở nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được
tích cực hoạt động, vui chơi, giao lưu cảm xúc với người lớn; kích thích sự
phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý; ở mẫu giáo phải
tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường
xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em,
5. Yêu cầu cần đạt của trẻ
em cuối mỗi độ tuổi phải cụ thể hóa được mục tiêu chương trình, đảm bảo tính
khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
6. Thời lượng của chương
trình giáo dục mầm non được thiết kế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã
hội của Việt Nam.
7. Chương trình giáo dục mầm
non phải có định hướng về các hoạt động giáo dục, hình thức tổ chức hoạt động
giáo dục, môi trường giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ em.
8. Chương trình giáo dục mầm
non phải có yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình của
cơ sở giáo dục mầm non, gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý,
giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đồ chơi học liệu, đồ
dùng, tài liệu; phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và cộng đồng.
9. Có quy định về phát triển
chương trình giáo dục nhà trường gắn với văn hóa, điều kiện thực tiễn của cơ sở
giáo dục mầm non và địa phương.
10. Các thuật ngữ chính (nếu
có) được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.
Điều
5. Quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non
1. Đánh giá chương trình
giáo dục mầm non hiện hành.
2. Định hướng biên soạn
chương trình giáo dục mầm non.
3. Biên soạn dự thảo
chương trình giáo dục mầm non.
4. Thử nghiệm và điều chỉnh
chương trình giáo dục mầm non.
5. Thẩm định và ban hành
chương trình giáo dục mầm non.
Điều 6.
Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non
Quy trình chỉnh sửa chương
trình giáo dục mầm non thực hiện như quy trình xây dựng chương trình giáo dục mầm
non, trừ quy định về thử nghiệm chương trình.
Chương
III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON
Điều
7. Hội đồng thẩm định
1. Hội đồng
thẩm định là tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định chương
trình giáo dục mầm non; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định.
2. Hội đồng thẩm định bao
gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về
giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng thẩm định phải có
ít nhất một phần ba (1/3) tổng số thành viên là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non và giáo viên mầm non cốt cán. Số lượng thành viên Hội đồng thẩm định phải
là số lẻ, tối thiểu là bảy (07) người.
3. Cơ cấu Hội đồng thẩm định
gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.
Điều
8. Tiêu chuẩn các thành viên Hội đồng thẩm định
1. Thành viên Hội đồng thẩm
định có các tiêu chuẩn sau đây
a) Có phẩm chất, đạo đức,
tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định chương trình;
b) Có trình độ Đại học trở
lên; có kinh nghiệm, có uy tín, có trình độ chuyên môn, am hiểu về khoa học
giáo dục và chương trình giáo dục mầm non;
c) Đã tham gia xây dựng hoặc
thẩm định chương trình giáo dục mầm non hoặc có hoạt động liên quan, đóng góp
cho việc xây dựng hoặc thẩm định chương trình giáo dục mầm non hoặc có ít nhất
sáu (06) năm trực tiếp giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non.
2. Người tham gia xây dựng
chương trình thì không tham gia thẩm định chương trình.
Điều
9. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng thẩm định
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Chủ tịch Hội đồng thẩm định
a) Chịu trách nhiệm trước
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động của Hội đồng thẩm định;
b) Tổ chức thẩm định
chương trình theo đúng yêu cầu và thời gian quy định;
c) Phân công nhiệm vụ cụ
thể cho các thành viên Hội đồng thẩm định;
d) Triệu tập và chủ trì
các cuộc họp của hội đồng;
e) Kiến nghị thay đổi
thành viên của Hội đồng thẩm định;
g) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch
Hội đồng thẩm định một số nội dung công việc cụ thể. Nội dung ủy quyền được thể
hiện bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ làm việc của Hội đồng thẩm định;
h) Phối hợp với đơn vị chủ
trì tổ chức thẩm định để xử lý các tình huống phát sinh bất thường trong quá
trình thẩm định;
i) Thực hiện nhiệm vụ và
quyền hạn khác theo quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định
a) Chịu trách nhiệm về các nội dung công việc do Chủ tịch Hội đồng
thẩm định giao hoặc ủy quyền;
b) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại khoản 4
Điều này.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Thư ký Hội đồng thẩm định
a) Giúp Chủ tịch và Phó Chủ
tịch Hội đồng thẩm định chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc và tổ chức các
phiên họp của Hội đồng thẩm định;
b) Lập biên bản, báo cáo tổng
hợp các ý kiến, kiến nghị trong các phiên họp của Hội đồng thẩm định; chịu
trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực về nội dung biên bản các cuộc họp của Hội
đồng thẩm định;
c) Dự thảo kết luận của Chủ
tịch Hội đồng về mức kết quả thẩm định chương trình;
d) Trong thời hạn không
quá mười hai (12) ngày làm việc sau khi Hội đồng thẩm định có báo cáo kết luận
phải tập hợp và chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho đơn vị chủ trì tổ chức thẩm
định;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Ủy viên Hội đồng thẩm định
a) Được quyền yêu cầu cung
cấp đầy đủ các tài liệu liên quan để phục vụ công tác thẩm định;
b) Nghiên cứu bản thảo
chương trình, các tài liệu liên quan do đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định cung cấp;
c) Tham gia đầy đủ các cuộc
họp của Hội đồng thẩm định; trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về dự thảo
chương trình trong các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; viết đánh giá, nhận xét
về dự thảo chương trình theo các mẫu của Hội đồng thẩm định. Mỗi thành viên Hội
đồng thẩm định không được vắng quá một phần ba (1/3) tổng số cuộc họp trong một
quy trình thẩm định chương trình quy định tại Điều 10 Thông tư
này. Trường hợp không tham gia cuộc họp của Hội đồng thẩm định thì phải báo
cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định và gửi ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản đựng
trong phong bì được niêm phong gửi cho người chủ trì trước thời điểm tổ chức cuộc
họp;
d) Chịu trách nhiệm về các
ý kiến nhận xét, đánh giá trong quá trình thẩm định chương trình;
đ) Được quyền bảo lưu các
ý kiến cá nhân; được gửi các ý kiến cá nhân tới đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định
bằng văn bản;
e) Thực hiện các nhiệm vụ
do Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.
Điều
10. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định
1. Hội đồng thẩm định làm
việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực.
2. Cuộc họp của Hội đồng
thẩm định được coi là hợp lệ khi có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (trong trường hợp
Chủ tịch vắng mặt), Thư ký và ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên Hội
đồng thẩm định tham gia, các thành viên vắng mặt đã gửi ý kiến bằng văn bản đựng
trong phong bì được niêm phong gửi cho người chủ trì cuộc họp. Trong các cuộc họp
của Hội đồng thẩm định phải có đại diện đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định.
3. Kết quả mỗi cuộc họp của
Hội đồng thẩm định phải được ghi thành biên bản cuộc họp. Biên bản cuộc họp phải
có chữ ký của người chủ trì cuộc họp, Thư ký Hội đồng thẩm định, đại diện đơn vị
chủ trì tổ chức thẩm định.
4. Trong quá trình thẩm định,
Hội đồng thẩm định đề xuất với đơn vị tổ chức thẩm định xin ý kiến chuyên môn của
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu cần thiết).
Điều
11. Quy trình thẩm định chương trình
1. Thành viên Hội đồng thẩm
định đọc thẩm định: Chậm nhất mười lăm (15) ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội
đồng thẩm định, dự thảo chương trình được gửi cho các thành viên Hội đồng thẩm
định; thành viên Hội đồng thẩm định đọc, nghiên cứu dự thảo và ghi nhận xét về
dự thảo theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Họp Hội đồng thẩm định
để tiến hành thảo luận chung về dự thảo theo quy định tại Điều 4
Thông tư này.
3. Thành viên Hội đồng thẩm
định đánh giá dự thảo
a) Đánh giá và xếp loại dự
thảo theo từng tiêu chí vào một trong ba loại: "Đạt", "Đạt nhưng
cần sửa chữa", "Chưa đạt";
b) Đánh giá chung và xếp dự
thảo vào một trong ba loại: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa",
"Chưa đạt";
- Dự thảo được xếp loại bằng
phiếu "Đạt" nếu kết quả đánh giá theo tất cả các tiêu chí đều thuộc
loại "Đạt";
- Dự thảo được xếp loại bằng
phiếu "Đạt nhưng cần sửa chữa" nếu kết quả đánh giá có tất cả các
tiêu chí đều thuộc loại "Đạt" và "Đạt nhưng cần sửa chữa";
- Dự thảo được xếp loại bằng
phiếu "Chưa đạt" đối với các trường hợp còn lại.
4. Hội đồng thẩm định đánh
giá dự thảo chương trình
a) Nếu dự thảo có ít nhất ba
phần tư (3/4) tổng số thành viên Hội đồng thẩm định tham gia đánh giá xếp loại
bằng phiếu "Đạt" thì dự thảo được gửi cho cơ quan tổ chức thẩm định
trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Nếu dự thảo có ít nhất
ba phần tư (3/4) tổng số thành viên Hội đồng thẩm định tham gia đánh giá, xếp
loại bằng phiếu “Đạt” và "Đạt nhưng cần sửa chữa", sau 15 ngày kể từ
khi có kết luận của Chủ tịch Hội đồng, cơ quan soạn thảo cần gửi bản chỉnh sửa,
giải trình về Chủ tịch và 2 uỷ viên phản biện Hội đồng cho ý kiến đánh giá thẩm
định lại;
c) Đối với trường hợp “Chưa đạt”, sau khi cơ quan biên soạn dự thảo
chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo các góp ý của Hội đồng Thẩm định, dự thảo
được thẩm định lại theo quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này.
Điều
12. Chương trình làm việc của Hội đồng thẩm định
1. Thư ký Hội đồng thẩm định
công bố Quyết định thành lập hội đồng.
2. Hội đồng thẩm định
thông qua chương trình làm việc.
3. Đại diện cơ quan, đơn vị
chủ trì biên soạn trình bày quá trình tổ chức biên soạn chương trình giáo dục mầm
non.
4. Thành viên Hội đồng thẩm
định trình bày ý kiến phản biện, nhận xét về chương trình giáo dục mầm non.
5. Đại diện cơ quan, đơn vị
chủ trì biên soạn giải trình những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục mầm
non, tài liệu theo đề nghị của thành viên Hội đồng thẩm định.
6. Hội đồng thẩm định bầu
Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu thẩm định theo quy định.
7. Ban kiểm phiếu tiến
hành kiểm phiếu; ghi biên bản kiểm phiếu; Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả
kiểm phiếu. Trường hợp cho hai (02) hoặc ba (03) mức kết quả thẩm định bằng
nhau thì kết quả bỏ phiếu căn cứ vào ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm
định.
8. Chủ tịch Hội đồng thẩm
định kết luận nội dung cuộc họp thẩm định.
9. Hội đồng thẩm định
thông qua biên bản cuộc họp thẩm định.
10. Hội đồng thẩm định gửi
Bộ trưởng báo cáo thẩm định sau năm (05) ngày kết thúc làm việc.
Điều
13. Đơn vị tổ chức thẩm định chương trình
Vụ Giáo dục mầm non chủ
trì phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng tổ chức thẩm định chương
trình và thực hiện các nhiệm vụ
1. Đề xuất danh sách các
thành viên của Hội đồng thẩm định.
2. Chuẩn bị các điều kiện
về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động của Hội đồng thẩm định.
3. Hướng dẫn Hội đồng thẩm
định thực hiện mục đích và yêu cầu của việc thẩm định.
4. Tiếp nhận và chuyển dự
thảo chương trình giáo dục mầm non đến từng thành viên của Hội đồng thẩm định;
tiếp nhận hồ sơ và các đề xuất, kiến nghị của Hội đồng thẩm định để trình Bộ
trưởng xem xét, quyết định.
5. Trình Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc ban hành chương trình giáo dục mầm non.
6. Lưu trữ dự thảo, biên bản các cuộc họp của Hội đồng thẩm định
và các tài liệu liên quan trong quá trình tổ chức thẩm định và bàn giao cho bộ
phận lưu trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi Hội đồng thẩm định hoàn thành
nhiệm vụ.
Điều
14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2021.
Điều
15. Trách nhiệm thi hành
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức
và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTNNĐ của QH;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, PC, GDMN (20).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Ngô Thị Minh
|