Thông tư 49/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 49/2009/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 04/08/2009
Ngày có hiệu lực 18/09/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 49/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về thu hút, vận động, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là PCPNN) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và sử dụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tất cả các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (sau đây gọi chung là đơn vị) có quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Điều 3. Nguồn hỗ trợ của nước ngoài

1. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gồm:  

a. Chương trình, dự án ODA không hoàn lại: là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ;

b. Chương trình, dự án ODA vay ưu đãi (tín dụng ưu đãi): là khoản vay với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và trả nợ, bảo đảm “yếu tố không hoàn lại” (còn gọi là “thành tố hỗ trợ”) đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc;

c. Chương trình, dự án ODA vay hỗn hợp: là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại, nhưng tính chung lại có “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc;

2. Nguồn hỗ trợ của các tổ chức PCPNN gồm:

a. Viện trợ thông qua các chương trình, dự án;

b. Viện trợ phi dự án (bao gồm cả khoản cứu trợ khẩn cấp) do các tổ chức và cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ dưới các hình thức: Hỗ trợ tài chính, hiện vật, cung cấp trang thiết bị, công nghệ (máy móc, bí quyết vận hành), vật tư (hàng hoá, giống cây, giống con và sinh vật), nghiên cứu phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp chuyên gia và đào tạo;

Điều 4. Nguyên tắc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài

1. Việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh quốc gia, hiệu quả huy động và tuân thủ các điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia;

2. Bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán của các quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài; bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các bên có liên quan; đơn giản hóa, hài hoà quy trình thủ tục giữa Bộ và nhà tài trợ; phân cấp quản lý và thực hiện, làm rõ trách nhiệm,  tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả nguồn hỗ trợ của nước ngoài.

Chương II

VẬN ĐỘNG, CHUẨN BỊ TIẾP NHẬN NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI

Điều 5. Lĩnh vực ưu tiên vận động tài trợ của Bộ.

Phát triển hạ tầng nông thôn (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi) kết hợp xoá đói, giảm nghèo;

Phòng chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu;

An ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm;

Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khu vực nông thôn;

Tăng cường năng lực, thể chế, quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai;

[...]