Thông tư 48-BT-1982 hướng dẫn thực hiện Quyết định 126-CP-1981 về công tác hướng nghiệp trong Trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh Phổ thông các cấp tốt nghệp ra trường do Bộ trưởng Tổng thư ký ban hành

Số hiệu 48-BT
Ngày ban hành 27/04/1982
Ngày có hiệu lực 12/05/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ trưởng Tổng thư ký
Người ký Nguyễn Hữu Thụ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-BT

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 1982

 

THÔNG TƯ

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ SỐ 48-BT NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 126-CP NGÀY 19-3-1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ HỌC SINH PHỔ THÔNG CÁC CẤP TỐT NGHIỆP RA TRƯỜNG

Ngày 19-3-1981, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 126-CP về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh phổ thông các cấp tốt nghiệp ra trường. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện quyết định nói trên như sau:

A. Các ngành, các cấp cần phổ biến ngay Quyết định số 126-CP và các Thông tư hướng dẫn tới toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn dân. Yêu cầu của việc phổ biến là làm cho mọi tổ chức và mọi người nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình đối với công tác hướng nghiệp cho học sinh và sử dụng hợp lý số học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông. Ngoài việc tổ chức phổ biến trong các cuộc họp, các cơ quan báo chí và phát thanh, truyền hình cần có chương trình phục vụ công tác hướng nghiệp cho thanh niên học sinh.

B. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến quyết định, các ngành, các cấp có trách nhiệm thực hiện những việc sau đây:

1. Bộ Giáo dục

Tiến hành những công tác cần thiết nhằm chuẩn bị cho học sinh về các mặt tư tưởng, tình cảm, kỹ năng để biết cách chọn nghề, cụ thể là:

a) Nâng cao chất lượng dạy và học các bộ môn văn hoá và kỹ thuật phổ thông theo phương hướng cơ bản, tinh giản, sát với thực tiễn, tạo cho học sinh kỹ năng cần thiết và ý thức sẵn sàng tham gia lao động sản xuất theo yêu cầu phát triển kinh tế và ngành nghề cụ thể của từng địa phương;

b) Tổ chức cho học sinh lao động sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, và đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành nghề phổ biến ở địa phương;

c) Có kế hoạch giới thiệu những hiểu biết cần thiết về các ngành nghề chính trong xã hội, nhất là các ngành nghề đang cần phát triển, hoặc mời những người sản xuất giỏi tới báo cáo, cho học sinh tham quan một số cơ sở sản xuất;

d) Phối hợp với các ngành liên quan biên soạn một số tài liệu thiết thực về giáo dục lao động, kỹ thuật theo tinh thần hướng nghiệp để trong hè 1982 - 1983 tổ chức phổ biến tới hiệu trưởng và giáo viên.

e) Có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy kỹ thuật, hướng nghiệp và hướng dẫn lao động cho các trường phổ thông;

g) Có chủ trương, biện pháp thiết thực vận động các ngành và nhân dân xây dựng cơ sở vật chất để thực hành kỹ thuật, lao động sản xuất cho các trường; xây dựng thí điểm các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở cấp huyện, tiến tới xây dựng ở các cụm xã;

h) Cải tiến cách đánh giá, tuyển chọn học sinh theo đường lối cải cách giáo dục và theo tinh thần hướng nghiệp.

i) Phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các trường, lớp năng khiếu; có kế hoạch phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo những học sinh thực sự có năng khiếu về các môn khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật... thành những người tài giỏi của đất nước;

k) Hướng dẫn các trường thành lập ban hướng nghiệp theo điều lệ nhà trường phổ thông;

l) Có kế hoạch chỉ đạo điển hình một huyện (quận) và tổng kết, nhân điển hình các năm sau.

2. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề.

a) Cải tiến việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật nhằm chọn được những học sinh có hứng thú đối với nghề nghiệp, có sự chuẩn bị tốt đối với ngành học đã chọn (năng lực, học lực, sức khoẻ, ý thức phục vụ); trong đó, chú ý thích đáng đến những đối tượng đào tạo cho địa phương;

b) Phối hợp với ngành giáo dục chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương xây dựng các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trước mắt, xây dựng được các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở huyện;

c) Chỉ đạo và hướng dẫn các trường trong ngành giúp các trường phổ thông:

- Cung cấp tài liệu giới thiệu các ngành nghề đang đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề.

- Tổ chức những ngày "mở cửa trường" để học sinh phổ thông có dịp được vào trường chuyên nghiệp làm quen với những ngành nghề đào tạo trong trường.

- Triệt để sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trường do ngành quản lý vào việc giúp các trường phổ thông làm công tác hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông.

d) Giúp đỡ những nơi có điều kiện (quận, huyện và những cơ sở có nghề truyền thống) mở các lớp dạy nghề dài hạn hoặc ngắn hạn với hình thức tổ chức thích hợp để thu hút đông đảo học sinh đã tốt nghiệp phổ thông các cấp vào học nghề; xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và các quy chế đào tạo, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và có kế hoạch sử dụng sau khi tốt nghiệp.

3. Bộ Văn hoá, Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục thể thao.

a) Phối hợp với Bộ giáo dục trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn nhạc, hoạ, nghệ thuật, thể dục thể thao;

b) Tận dụng các câu lạc bộ, các phương tiện thông tin, báo chí do ngành quản lý phục vụ công tác hướng nghiệp cho học sinh;

[...]