Quyết định 126-CP năm 1981 về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 126-CP
Ngày ban hành 19/03/1981
Ngày có hiệu lực 03/04/1981
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Võ Nguyên Giáp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 126-CP NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 1981 VỀ CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ VIỆC SỬ DỤNG HỢP LÝ HỌC SINH CÁC CẤP PHỔ THÔNG CƠ SỞ VÀ PHỔ THÔNG TRUNG HỌC TỐT NGHIỆP RA TRƯỜNG

Hàng năm nước ta có hơn nửa triệu học sinh cấp II và gần 20 vạn học sinh cấp III ra trường, tạo cho đất nước một nguồn lao động dự trữ đông đảo, có văn hoá, và một nguồn tuyển sinh lớn cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tuy nhiên do việc hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông chưa tốt nên sau khi tuyển sinh vào cấp III phổ thông và các trường chuyên nghiệp, hàng năm còn hàng chục vạn học sinh ra trường không được tiếp tục học lên và cũng không được chuẩn bị về các mặt để được sử dụng hợp lý thành những người lao động mới.

Để thực hiện nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Các trường phổ thông phải tích cực tiến hành việc hướng nghiệp cho học sinh nhằm chuẩn bị mọi mặt cho học sinh sẵn sàng đi vào lao động sản xuất sau khi ra trường.

Công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn việc chọn nghề của học sinh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội đồng thời phù hợp với năng khiếu cá nhân.

Công tác hướng nghiệp ở các trường gồm các nhiệm vụ sau đây:

- Giáo dục thái độ lao động đúng đắn;

- Tổ chức cho học sinh thực tập làm quen với một số nghề;

- Tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất;

- Động viên hướng dẫn học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần lao động trẻ tuổi có văn hóa.

Ngành giáo dục phổ thông trên cơ sở giáo dục toàn diện theo yêu cầu của chương trình phổ thông, cần tiến hành ngay một số biện pháp hướng nghiệp: Xây dựng chương trình, soạn tài liệu hướng nghiệp cho các trường phổ thông cơ sở và trung học; dành một số tiết học thích đáng để giới thiệu những nghề cơ bản đang cần phát triển, cho học sinh tham quan sản xuất, cải tiến giảng dạy các bộ môn khoa học theo tinh thần giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp; cải tiến cách dạy, cách học, cách đánh giá bộ môn lao động kỹ thuật tạo cho học sinh và biết lý thuyết, vừa được thực hành; tổ chức cho học sinh lao động sản xuất gắn với phương hướng sản xuất và các nghề đang cần phát triển ở địa phương; tổ chức các nhóm ngoại khoá để giúp học sinh phát triển hứng thú, năng lực nghề nghiệp.

2. Chính quyền các cấp, các ngành kinh tế, văn hóa từ Trung ương đến cơ sở có nhiệm vụ trực tiếp giúp đỡ các trường phổ thông trong việc đào tạo, sử dụng hợp lý và tiếp tục bồi dưỡng học sinh phổ thông sau khi ra trường.

Các ngành kinh tế, văn hoá, các cơ sở sản xuất (nhà máy, Xí nghiệp, Nông trường, Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất...), các cơ sở văn hóa, y tế, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đóng tại địa phương có trách nhiệm sử dụng cơ sở vật chất, cán bộ nghiệp vụ của mình để giúp đỡ các trường phổ thông trong việc bồi dưỡng lao động kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh.

Các ngành kinh tế, văn hoá, các cơ sở sản xuất hàng năm khi lập kế hoạch phát triển sản xuất cần phối hợp với ngành giáo dục phổ thông để ghi vào kế hoạch các nhu cầu cần thiết về điều kiện vật chất và cán bộ nhằm giúp ngành giáo dục phổ thông dạy lao động kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế của cơ sở sản xuất.

Các tỉnh, quận, huyện, xã, phường, các cơ sở sản xuất, nhất là cấp huyện, quận cần có kế hoạch tiếp nhận những học sinh ra trường, mở các lớp bổ túc lao động kỹ thuật, các lớp dạy nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông nhằm từng bước làm cho học sinh phổ thông ra trường được chuẩn bị về nghề nghiệp trước khi bước vào lao động. Nên mở các lớp ngắn hạn dạy các ngành nghề cần thiết cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đời sống ở địa phương, do chính quyền tổ chức, người học đóng học phí, động viên cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ các cơ sở, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tham gia giảng dạy và được đài thọ thích đáng.

3. Phân công thực hiện:

a) Bộ Giáo dục:

- Xây dựng chương trình biên soạn tài liệu giáo dục lao động kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông cơ sở và trung học phổ thông;

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lao động kỹ thuật, hướng nghiệp;

- Cải tiến cách dạy, cách học môn kỹ thuật, cách tổ chức lao động sản xuất trong nhà trường phổ thông và cách dạy, cách học trong các lớp bổ túc văn hóa theo hướng bổ túc văn hóa lao động kỹ thuật;

- Phát triển hệ thống trường trung học vừa học vừa làm;

- Góp phần với Tổng cục dạy nghề và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp hướng dẫn việc xây dựng các trung tâm hướng nghiêp ở Huyện.

b) Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp và Tổng cục dạy nghề:

- Cải tiến cách tuyển chọn, thu nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật;

- Chỉ đạo và hướng dẫn việc xây dựng các trung tâm hướng nghiệp và góp phần vào việc hướng nghiệp của các trường phổ thông.

- Tổng cục dạy nghề chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương mở các trường lớp đào tạo nghề để phục vụ sản xuất và đời sống ở cơ sở và trên địa bàn Huyện và Quận.

[...]