Thông tư 11-TT năm 1957 giải thích việc thu hoàn tiền học bổng của các học sinh các trường Đại học, Chuyên nghiệp tự ý xin thôi học hay bị đuổi vì kỷ luật nhà trường do Bộ Giáo Dục ban hành
Số hiệu | 11-TT |
Ngày ban hành | 05/03/1957 |
Ngày có hiệu lực | 20/03/1957 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục |
Người ký | Nguyễn Văn Huyên |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ
GIÁO DỤC |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 11-TT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 1957 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi: |
- Ông Giám đốc trường Đại học Sư phạm.
|
Bộ đã có Thông tư số 107-TT ngày 21-01-1957 về việc thu hoàn tiền học bổng của các học sinh các trường Đại học, Chuyên nghiệp, tự ý xin thôi học hay bị đuổi vì kỷ luật nhà trường. Gần đây, một số trường hỏi về thể thức thu hoàn tiền, nên Bộ giải thích thêm những thể thức dưới đây để các trường thi hành.
- Về nguyên tắc, tất cả học sinh được cấp học bổng ở bất cứ trường nào mà tự ý xin thôi học để đi học trường khác, đi công tác hay vì một lý do nào khác mà tự ý học sinh đề nghị hoặc bị đuổi vì kỷ luật nhà trường đều phải bồi thường lại tổng số tiền học bổng được Chính phủ cấp phát trong khi ăn học tại trường.
Đối với học sinh mà trường cho nghỉ học, vì lý do sức khỏe, thì tùy theo hoàn cảnh gia đình, do chính quyền địa phương chứng nhận, có thể xét miễn bồi hoàn. Như vậy, không nhất thiết tất cả học sinh cho nghỉ học đều được miễn bồi hoàn, mà phải có đề nghị của gia đình về lý do hoàn cảnh gia đình và được chính quyền địa phương chứng nhận thiếu thốn.
- Gia đình nào có tiền bồi thường ngay thì nhà trường phát phiếu thu nhập quỹ, xong báo cáo để Bộ Tài chính phát hành lệnh thu tiền nộp cho Tổng dự toán.
- Gia đình nào không có tiền bồi thường ngay thì nhà trường yêu cầu làm giấy cam đoan trả tiền bồi thường vào một hạn nhất định (mấy tháng sau) hay làm mấy hạn (mỗi tháng trả bao nhiêu, trong mấy tháng ). Giấy cam đoan phải có cơ quan chính quyền địa phương (xã hay khu phố) xác nhận hoàn cảnh gia đình túng thiếu và đề nghị chấp nhận yêu cầu của đương sự. Khi nộp tiền thì kế toán nhà trường làm theo thể thức nói trên (tháng nào nộp tháng ấy, không lưu quỹ chờ trả đủ mới nộp cho Tổng dự toán).
THỂ THỨC TRẢ HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO:
- Mỗi khi cho một học sinh thôi học và giải quyết xong việc thanh toán học bổng, thì trường có học sinh thôi học, phải báo cáo ngay về Bộ, đồng báo các trường để có tài liệu xét cấp học bổng trong niên khóa tới. Về nguyên tắc, tất cả học sinh xin thôi học không có lý do chính đáng, mà xin vào học một trường khác trong niên khóa tới, đều không được cấp học bổng trong niên khóa tới ở một trường mới xin vào học.
- Khi cho học sinh thôi học, không trả lại hồ sơ cho học sinh, mà chỉ cấp một giấy chứng nhận cho thôi học đến ngày nào. Nếu học sinh đề nghị lấy lại hồ sơ để nộp cho một cơ quan xin công tác hay một trường mới xin vào học, thì nhà trường sẽ gửi thẳng hồ sơ đến cơ quan hay đến trường mà học sinh xin công tác hay xin học, nếu cơ quan hay trường ấy đề nghị (học sinh có thể báo cho cơ quan hay trường mới hỏi hồ sơ của mình ở trường cũ).
- Học sinh tốt nghiệp xong, trong thời gian chờ bổ dụng đều không được hưởng học bổng trong những tháng chờ bổ dụng. Học bổng chỉ cấp đến ngày thi tốt nghiệp xong, ra trường. Khi nào có nghị định tuyển dụng thì hưởng lương theo chế độ lương bổng cán bộ và theo cấp bậc quy định trong nghị định, từ ngày đi nhận công tác (không phải từ ngày kỳ nghị định).
- Tạm thời quy định, các học sinh tốt nghiệp phải làm việc cho Chính phủ, tối thiểu, trong một thời gian tương đương với thời gian được hưởng học bổng ở nhà trường. Khi ra nghị định tuyển dụng, cơ quan phụ trách tuyển dụng phải lấy giấy cam đoan của đương sự về thời gian công tác với Chính phủ. Trong thời gian ấy mà đương sự tự động bỏ nhiệm vụ vẫn phải truy hoàn lại tiền học bổng đã học ở trường (không trừ bớt vì một lý do nào khác) và thi hành kỷ luật theo quy chế cán bộ.
Bộ đề nghị các Trường phổ biến ngay chỉ thị này trong cán bộ phụ trách để thi hành và cho học sinh biết.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |