Thông tư 44/2010/TT-BNNPTNT quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi cá tra thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 44/2010/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 22/07/2010
Ngày có hiệu lực 05/09/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 44/2010/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ, VÙNG NUÔI CÁ TRA THÂM CANH ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/1/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/1/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi cá tra thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về điều kiện cơ sở, vùng nuôi thương phẩm cá tra thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm cá tra thâm canh tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm cá tra quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.

3. Cơ sở nuôi thương phẩm cá tra tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAqP, GlobalGAP, ...) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi cá tra đạt cấp độ tương ứng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở nuôi cá tra thâm canh (sau đây gọi là cơ sở nuôi cá tra) là nơi diễn ra hoạt động nuôi cá tra thâm canh do cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ.

2. Vùng nuôi cá tra thâm canh (sau đây gọi là vùng nuôi cá tra) là khu vực có một hoặc nhiều cơ sở nuôi cá tra thâm canh với diện tích nuôi tối thiểu 30 ha, sử dụng chung nguồn nước cấp.

3. Nuôi cá tra thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là hình thức nuôi cá tra có điều kiện, đáp ứng tiêu chuẩn tại Chương II của Thông tư này.

Chương II

ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ, VÙNG NUÔI

Điều 3. Điều kiện chung

1. Cơ sở, vùng nuôi cá tra phải nằm trong vùng quy hoạch; tuân thủ theo các quy định về nuôi cá tra của địa phương. Đối với những cơ sở nhỏ lẻ nằm ngoài vùng quy hoạch và trước khi thông tư này có hiệu lực thi hành thì cơ sở nuôi cá tra phải tuân thủ theo quy định về quản lý giám sát của địa phương.

2. Cơ sở nuôi cá tra phải được đánh số và đăng ký cơ sở nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Chất lượng nguồn nước cấp phải đảm bảo theo quy định tại phụ lục 1 của Thông tư này.

Điều 4. Điều kiện về cơ sở hạ tầng

1. Hệ thống ao nuôi

a) Ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2; độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 3,0 m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ.

b) Đáy ao không bị thẩm lậu, phẳng, dốc 8o – 10o nghiêng về phía cống thoát.

c) Ao phải có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn không rò rỉ.

2. Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và chất thải

[...]